BẢN THỎA THUẬN HỢP TÁC
GIỮA HAI TỈNH HÀ TĨNH VÀ BÌNH ĐỊNH
Giai đoạn 2016 - 2020
Nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Đảng bộ, nhân dân hai tỉnh và đẩy mạnh hợp tác toàn diện về phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị giữa hai tỉnh Hà Tĩnh - Bình Định; hôm nay, ngày 16/5/2015, tại tỉnh Hà Tĩnh, Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Bình Định và Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Hà Tĩnh đã cùng nhau trao đổi, thông báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lợi thế, tiềm năng, chính sách đầu tư của mỗi tỉnh; đồng thời nhận xét, đánh giá việc tổ chức thực hiện những nội dung hợp tác đã ký kết trong thời gian qua và thảo luận nội dung hợp tác cho giai đoạn 2016 - 2020.
Tham gia Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Bình Định có đồng chí Nguyễn Văn Thiện - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể, các địa phương của tỉnh Bình Định.
Tham gia Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Hà Tĩnh có đồng chí Võ Kim Cự - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể, các địa phương của tỉnh Hà Tĩnh.
Qua thảo luận, hai bên thống nhất các nội dung hợp tác cho giai đoạn 2016 - 2020 như sau:
1. Về Chính trị
1.1 - Lãnh đạo hai tỉnh thống nhất thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống trong Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, văn hóa, tình nghĩa son sắt, thủy chung giữa hai tỉnh.
1.2 - Tăng cường các cuộc thăm và làm việc, trao đổi kinh nghiệm giữa các đoàn lãnh đạo cấp cao; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các hội; lãnh đạo các địa phương, các doanh nghiệp của hai tỉnh, nhằm thắt chặt tình nghĩa keo sơn, hợp tác phát triển giữa hai tỉnh.
1.3 - Lãnh đạo hai tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng chọn một con đường hoặc công viên, công trình văn hóa, trường học đặt tên “Hà Tĩnh” tại trung tâm thành phố Quy Nhơn và đặt tên “Bình Định” tại trung tâm thành phố Hà Tĩnh. Các huyện, thị xã kết nghĩa của hai tỉnh cũng đặt tên đường hoặc công viên, công trình văn hóa, trường học tại các phường, thị trấn mang tên huyện, thị xã kết nghĩa.
1.4 - Các cơ quan thông tin, truyền thông của hai tỉnh thường xuyên đưa tin về các sự kiện lớn của hai tỉnh; quảng bá và trao đổi thông tin, hình ảnh về các hoạt động chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội của hai tỉnh.
2. Về kinh tế - xã hội
2.1 - Định kỳ hàng năm tổ chức, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực về xây dựng đô thị, cảng biển; phát triển kinh tế đối ngoại như: Kế hoạch - Quy hoạch; Nông - Lâm - Thủy sản; xây dựng nông thôn mới; Công Thương; Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Văn hóa - Xã hội; Tài nguyên và Môi trường; Hạ tầng thông tin và Khoa học công nghệ; lập tổ điều phối Bình Hà,...
2.2 - Chỉ đạo ngành du lịch của hai tỉnh quảng bá và kết nối các tour du lịch từ Hà Tĩnh đến Bình Định và từ Bình Định đến Hà Tĩnh. Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao; giới thiệu quảng bá cơ hội, tiềm năng, lợi thế các bên và phối hợp xuất bản các ấn phẩm về truyền thống, văn hoá và cách mạng, về thành tựu kinh tế - xã hội, về mô hình tiêu biểu trên các lĩnh vực, qua các thời kỳ.
2.3 - Tạo điều kiện, cơ chế chính sách kêu gọi, thu hút, động viên các doanh nghiệp là con em quê hương Bình Định, Hà Tĩnh tìm kiếm thị trường, đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn hai. Kêu gọi, vận động các doanh nghiệp hình thành Quỹ hỗ trợ đào tạo phát triển doanh nghiệp.
2.4 - Tổ chức đoàn thăm hỏi, động viên, chia xẻ khó khăn và hỗ trợ cho nhau khi có thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra đột xuất.
3. Về Quốc phòng - An ninh
Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin tăng cường và hợp tác quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
4. Tổ chức thực hiện
4.1 - Giao các ban Đảng, ban cán sự Ủy ban nhân dân hai tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp hai tỉnh phối hợp, cụ thể hóa các nội dung ký kết bằng các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triến toàn diện của hai tỉnh và cả nước.
4.2 - Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực kết nối các hoạt động kinh tế - xã hội giữa hai tỉnh, thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện hợp tác cho Ủy ban nhân dân hai tỉnh biết để chỉ đạo kịp thời; làm đầu mối để triển khai thực hiện các thỏa thuận nêu trên.
4.3 - Định kỳ 5 năm 2 lần lãnh đạo hai tỉnh tổ chức đánh giá việc thực hiện các nội dung hợp tác để rút kinh nghiệm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả hơn.
Ngoài các nội dung hợp tác cụ thể nêu trên, trong quá trình triển khai thực hiện nếu có những lĩnh vực hợp tác cần bổ sung hoặc điều chỉnh thì các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan của hai tỉnh chủ động bàn bạc để đưa ra nội dung, hình thức hợp tác cụ thể trình lãnh đạo hai tỉnh xem xét, quyết định.