Bình Định còn nổi tiếng với những di tích lịch sử, văn hóa mà bản thân nó là những mốc son gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất huyền thoại này. Là cái nôi của phong trào Tây Sơn gắn liền với tên tuổi lẫy lừng của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, vùng đất kinh đô của nhiều triều đại có bề dày lịch sử truyền thống văn hóa lâu đời với văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa… Tiêu biểu nhất là quần thể di tích lịch sử nhà Tây Sơn, thành Đồ Bàn, 8 cụm với 14 tháp Chàm uy nghi cổ kính và khá nguyên vẹn, trong đó tháp Dương Long được cho là cụm tháp gạch còn lại cao, đồ sộ và lớn nhất Đông Nam Á...
Ngoài ra, với các dạng địa hình phong phú đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên đặc sắc hòa quyện giữa đồng bằng, đồi núi, sông suối, và biển cả với nhiều thắng cảnh độc đáo: Ghềnh Ráng - Tiên Sa, bán đảo Phương Mai, Hầm Hô, Hồ Núi Một, suối khoáng nóng Hội Vân, chùa Hang, đầm Trà Ổ…. Đặc biệt, Đầm Thị Nại là đầm nước mặn có diện tích hơn 5000 ha, nằm trên địa phận huyện Tuy Phước, Phù Cát và thành phố Quy Nhơn thuộc tỉnh Bình Định. Bắt ngang qua đầm là cây cầu Thị Nại nổi tiếng dài gần 2,5 km nối liền trung tâm thành phố Quy Nhơn và Khu kinh tế Nhơn Hội.
Bình Định còn là địa phương nổi tiếng với những bộ môn nghệ thuật độc đáo: nghệ thuật hát Bội (Tuồng), một loại hình nghệ thuật vừa bác học nhưng lại vừa mang tính dân gian gần gũi với quần chúng. Hát Bội là nét văn hóa đặc thù của riêng Bình Định. Bên cạnh đó, bài Chòi cũng song hành tồn tại với thời gian thể hiện những nét đặc sắc của một bộ môn nghệ thuật dân tộc gắn liền với vùng quê đầy gió biển, hương đồng ngọt ngào, dung dị và đằm thắm. Là miền đất võ, Bình Định vang danh với những làng võ, lò võ và những bài quyền, roi nổi tiếng đã đi vào lịch sử với câu ca dao: “Ai về Bình Định mà coi / Con gái Bình Định bỏ roi đi quyền”.
Bình Định, nơi hội tụ và giao hòa văn hóa của nhiều dân tộc anh em nên các hình thức văn hóa dân gian và lễ hội truyền thống cũng rất đa dạng và phong phú, là hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc, phản ánh đời sống tinh thần và tâm linh của các dân tộc như: lễ hội Đổ Giàn, lễ hội Cầu Ngư, lễ hội Đua thuyền, lễ hội chợ Gò…
Bình Định nổi tiếng với những món ăn đặc sản lạ miệng mang nét đặc trưng văn hóa của miền đất võ như: Rượu Bàu Đá, Nem chợ huyện, bánh Ít lá gai, bún Chả cá Quy Nhơn, bánh Hỏi lòng heo, bún Song Thằn,...
Thời gian qua, nhờ tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch nói riêng, phát triển kinh tế xã hội nói chung bộ mặt các khu đô thị, các điểm đến du lịch, cơ sở lưu trú, sản phẩm du lịch Bình Định đã có sự phát triển và thay đổi khá toàn diện. Hiện Bình Định có trên 1.000 cơ sở lưu trú, với nhiều khách sạn và resort cao cấp đáp ứng tốt nhu cầu của du khách. Một số sản phẩm du lịch mới gắn với thế mạnh tài nguyên du lịch của tỉnh đã thu hút được sự quan tâm của du khách như du lịch văn hóa - lịch sử; du lịch biển: trượt cát, lặn ngắm san hô, khám phá các đảo gần bờ…
Nhiều dự án du lịch lớn đang được triển khai: Merryland Quy Nhơn, Khu du lịch khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội… khi hoàn thành đi vào hoạt động sẽ tạo nên những “điểm nhấn”, sức hút mới cho du lịch, góp phần cho du lịch Bình Định phát triển nhanh, bền vững, trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.