20/04/2009
Tập trung vào lĩnh vực chế biến nông sản, công nghệ sinh học, chế biến, bảo quản sau thu hoạch.
Tập trung vào lĩnh vực chế biến nông sản, công nghệ sinh học, chế biến, bảo quản sau thu hoạch.
Các đoàn xúc tiến kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự kiến sẽ tới Nga, Trung Quốc, Nhật Bản… vào các tháng tới. Danh mục dự án hướng vào lĩnh vực chế biến nông sản, công nghệ sinh học, cùng các cơ chế ưu đãi hấp dẫn đang được xây dựng để phục vụ các hoạt động xúc tiến.
Cơ chế ưu đãi và danh mục trên đang được Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ trong Chương trình thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2009-2015. Theo đó, mục tiêu đầu tư và cơ chế hỗ trợ sẽ tập trung vào các doanh nghiệp đầu tư vào các chương trình trọng điểm, như phát triển công nghệ sinh học để tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường; áp dụng công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch, nâng cao giá trị, an toàn vệ sinh thực phẩm của sản phẩm; tạo ra thị trường tiêu thụ nông sản ổn định, đặc biệt là xuất khẩu...
Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để khớp được những cơ chế này với nhu cầu của nhà đầu tư, bởi trên thực tế, với cơ chế ưu đãi đầu tư hiện hành, lĩnh vực nông nghiệp không phải là cơ hội hấp dẫn các nhà đầu tư "ngoại". Nhìn vào con số 976 dự án FDI vào nông nghiệp còn hiệu lực (tính đến hết tháng 3/2009) với tổng vốn đăng ký trên 4,6 tỷ USD (đã giải ngân được khoảng 2 tỷ USD), phân bổ tập trung ở khu vực phía Nam (khoảng 70%), có thể thấy, những ưu đãi dành cho các dự án vào địa bàn khó khăn, vùng xa, vùng sâu chưa phát huy được hiệu quả.
Ngay cả vùng Đồng bằng sông Hồng với khá nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp, cũng không được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Bình Dương, địa phương đứng đầu về vốn và số dự án trong nông nghiệp, cũng chỉ thu hút được trên 1,1 tỷ USD. Vốn FDI đầu tư mới vào nông nghiệp đang có xu hướng giảm.
Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược (Bộ NN&PTNT) cho rằng, không chỉ tính rủi ro cao do bị phụ thuộc thiên nhiên, mà những điểm yếu từ nội lực của ngành nông nghiệp là trở ngại lớn trong thu hút nguồn vốn FDI. "Việt Nam chưa có phương thức hợp tác phù hợp với tính chất, trình độ sản xuất của nông dân, phần lớn nông dân đều không được trang bị các kỹ năng sản xuất", ông Sơn nói và dẫn chứng, hiện tổng số lao động nông nghiệp cả nước là 46,7 triệu người, chiếm 54,8% dân số và 74,6% tổng lực lượng lao động, tuy nhiên có tới 83% lao động trong số này chưa qua bất kỳ một lớp tập huấn, đào tạo kỹ thuật nào...
Trong bối cảnh đó, sự mông lung trong định hướng phát triển ngành cũng là trở lực. Ông Lê Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), thừa nhận, khó có thể khiến các nhà đầu tư "mặn mà" khi bản thân ngành chưa xác định cụ thể định hướng phát triển trong từng lĩnh vực, ngành hàng. "Phải nói rõ là, hiện vẫn chưa có cơ chế chọn lựa đề xuất các dự án FDI ưu tiên trong ngành. Chiến lược thu hút và quy hoạch sử dụng FDI cho phát triển nông - lâm - ngư nghiệp và nông thôn đang trình Thủ tướng Chính phủ", ông Minh cho biết.
Hơn thế, hệ thống luật pháp về đầu tư có vẻ thiên hơn về các ngành công nghiệp, xây dựng cơ bản, dịch vụ. Chính sách về tín dụng chưa thực sự phù hợp với đặc thù của ngành. "Khó nhất hiện nay là quỹ đất của các địa phương dành cho nhà đầu tư còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch đồng bộ, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng đất của nhà đầu tư, nhất là với các dự án trồng rừng...", ông Minh phân tích.
Tất nhiên, cũng không thể không nhắc tới hạn chế của hoạt động xúc tiến đầu tư khiến việc kết nối đồng bộ giữa các địa phương chưa tốt, các danh mục kêu gọi đầu tư cũng chưa hoàn thiện. Đặc biệt, ngoài hệ thống tổ chức thu mua, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông - hải sản, thực phẩm còn yếu kém, các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này cũng chưa đủ sức chủ động kêu gọi vốn FDI theo ý đồ phát triển sản phẩm và thị trường của riêng mình.
Thực trạng này khiến "bản đồ" FDI trong ngành nông nghiệp khá lỗ chỗ. Khu vực trồng trọt và chế biến nông sản chiếm 37% vốn đăng ký và 51% vốn thực hiện; khu vực trồng rừng, chế biến lâm sản chiếm 35% vốn đăng ký và 17% vốn thực hiện... Trong khi đó, khu vực chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi và thức ăn gia súc, vốn được đánh giá là thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam, chỉ dành được khoảng 21% vốn đăng ký và 23% vốn thực hiện... Các dự án đầu tư vào khoa học công nghệ cao chưa có, quy mô các dự án chủ yếu là nhỏ.
Nguồn: Báo Đầu tư
» Khởi công xây dựng dự án Nhà ở xã hội Long Vân, thành phố Quy Nhơn (20/01/2025)
» Bình Định đón chào hai nhà đầu tư quốc tế lớn, hướng đến phát triển thành điểm đến du lịch siêu sang trọng (16/01/2025)
» Thị xã Hoài Nhơn: Thu hút dự án đầu tiên trong năm 2025 - Trang trại nuôi heo công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng (14/01/2025)
» Chuẩn bị tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái Eo Gió (14/01/2025)
» Đầu tư dự án Nhà máy sản xuất các sản phẩm nội, ngoại thất từ gỗ (13/01/2025)
» Bình Định chào đón dự án đầu tiên trong năm 2025 (09/01/2025)
» Mời gọi đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Tường Sơn tại thị xã Hoài Nhơn (03/01/2025)
» Mời gọi đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Eo Gió (30/12/2024)
» Bình Định: Đã có doanh nghiệp trúng đấu giá dự án Khu dân cư, dịch vụ và giáo dục phía Tây đường Tây Sơn (25/12/2024)
» Vĩnh Thạnh mời gọi đầu tư dự án Khu dịch vụ nghỉ dưỡng ngắn ngày (19/12/2024)