Phạm vi ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của huyện Tuy Phước với 13 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 02 thị trấn và 11 xã.
Mục tiêu chung là cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và yêu cầu xây dựng nông thôn mới của huyện. Đây sẽ là trung tâm đầu mối giao thông quan trọng tại cửa ngõ phía Tây Bắc của thành phố Quy Nhơn và vùng phát triển mở rộng của thành phố Quy Nhơn; giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển mở rộng thành phố Quy Nhơn; có kinh tế phát triển theo định hướng dịch vụ - du lịch - công nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn liền với việc bảo vệ cảnh quan, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Đồng thời, quy hoạch huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đóng vai trò là một trong những trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp kho bãi logistics ở phía Tây Bắc thành phố Quy Nhơn; có vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có thế mạnh phát triển của huyện (trồng lúa, rau sạch, nuôi trồng thủy sản,...).
Định hướng phát triển không gian vùng được chia thành 3 Tiểu vùng. Tiểu vùng 1 (Tiểu vùng trung tâm) gồm toàn bộ thị trấn Diêu Trì, thị trấn Tuy Phước, một phần các xã Phước An, Phước Lộc, Phước Nghĩa và Phước Thuận với diện tích khoảng 2.322ha, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, dịch vụ - thương mại, dịch vụ logistics, kho tàng, bến bãi gắn với hành lang kinh tế dọc trục đường Quốc lộ 1, Quốc lộ 19 mới. Tiểu vùng 2 gồm các xã Phước An, Phước Thành và một phần xã Phước Lộc với diện tích khoảng 7.202ha, là khu đô thị dịch vụ, thương mại mới hỗ trợ cho đô thị động lực. Tiểu vùng 3 gồm các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Hưng, Phước Thắng, Phước Lộc, Phước Nghĩa, Phước Hiệp, Phước Quang với diện tích khoảng 12.188ha, là khu nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, khai thác và phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung, du lịch tâm linh, lịch sử văn hóa và khu du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng gắn với không gian đầm Thị Nại.
Đối với định hướng phát triển hệ thống giao thông, về Quốc lộ sẽ thực hiện theo quy hoạch hệ thống giao thông quốc gia; xây dựng mới tuyến đường tránh Quốc lộ 1 về phía Tây; hoàn thiện tuyến đường Quốc lộ 19 mới kết nối cầu Thị Nại đi Quốc lộ 1; cải tạo nâng cấp trục đường Quốc lộ 19, 19C, 19C nối dài đi qua địa bàn huyện, định hướng thành trục đường chính đô thị kết nối huyện Tuy Phước với thành phố Quy Nhơn và các huyện lân cận. Về tỉnh lộ sẽ nâng cấp tuyến đường ĐT631, ĐT636 kết nối đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội; nâng cấp tuyến đường ĐT640 thành trục đường chính liên kết trung tâm huyện với các xã; đầu tư tuyến đường giao thông từ ngã 3 Phú Tài qua 5 xã Phước An đi Nhơn Hòa; đầu tư tuyến đường ven biển đoạn Cát Tiến - Quy Nhơn (đoạn qua huyện Tuy Phước dài 11,2km đi qua các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng); nâng cấp các tuyến đường cấp huyện lên tiêu chuẩn cấp IV đồng bằng tạo điều kiện kết nối với các tuyến đường Tỉnh lộ. Về giao thông đường sắt sẽ cải tạo, nâng cấp ga Diêu Trì thành ga tổng hợp, mở rộng về phía Đông - Nam và phía Tây kết nối ga đường sắt cao tốc Bắc - Nam; bố trí ga đường sắt cao tốc theo định hướng giao thông quốc gia kết hợp với ga Diêu Trì để tạo thành một cụm đầu mối hạ tầng kỹ thuật đường sắt và trung tâm dịch vụ đường sắt; xây mới ga hàng hóa tại xã Phước Lộc là ga chính phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa cho Cảng Quy Nhơn, Khu kinh tế Nhơn Hội. Về giao thông đường thủy sẽ bố trí bến đường thủy ở phía Đông huyện Tuy Phước để phục vụ du lịch.
Thiện Anh