31/03/2015
6 loại hình du lịch ưu tiên xúc tiến đầu tư của tỉnh Bình Định trong thời gian tới gồm du lịch biển; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch Mice (hội nghị, hội thảo, sự kiện) kết hợp du lịch khoa học, du lịch vui chơi, giải trí, cộng đồng. Đó là khẳng định của Ông Ngô Đông Hải, UV dự khuyết TW Đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Bình Định năm 2015 tổ chức chiều 30/3/2015 tại thành phố Quy Nhơn.
Ông Ngô Đông Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Hầu hết các bãi biển của tỉnh đều tương đối bằng phẳng, cát trắng, nước biển trong xanh, ngập tràn ánh nắng, có cảnh quan đẹp, rất thuận lợi cho việc lập quy hoạch và đầu tư xây dựng thành các cụm, tuyến du lịch biển tập trung, liên hoàn, có thể khai thác tổ chức nhiều loại hình du lịch hấp dẫn như: tắm biển, du lịch sinh thái biển, lặn biển, trượt cát, thả diều, câu cá, thể thao dưới nước…
Không chỉ có các thắng cảnh, bãi biển đẹp mà Bình Định còn có một số đảo nhỏ ven bờ, cùng nhiều vũng vịnh, đầm phá, gành rạn, cửa sông, cồn cát, rừng ngập mặn, rạn san hô cùng hệ thủy sinh hết sức phong phú và đa dạng.
Bình Định còn có nhiều lợi thế về du lịch văn hóa - lịch sử cả về phi vật thể lẫn vật thể, trong đó có nhiều di tích văn hóa vô giá như: Thành Đồ Bàn và hệ thống di tích 14 ngôi tháp Chăm còn khá nguyên vẹn, hết sức độc đáo và đồ sộ nhất Việt Nam. Hiện nay, tỉnh đang tiến hành lập hồ sơ để trình UNESCO công nhận hệ thống di tích văn hoá Chăm là di sản văn hóa thế giới.
Bình Định tự hào là cái nôi của phong trào Khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, quê hương của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ và là nơi sản sinh, nuôi dưỡng tài năng của nhiều nhà thơ, nhà văn hóa lớn của Việt Nam như: Đào Duy Từ, ĐàoTấn, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn… Nói đến Bình Định là nói đến một miền đất võ nổi tiếng, cái nôi của nghệ thuật Tuồng độc đáo.
Với những đặc thù về lịch sử - văn hóa như vậy, trên mảnh đất Bình Định ngày nay còn lưu lại nhiều di tích lịch sử - văn hóa quý giá cùng nhiều lễ hội, làng nghề đặc sắc và một nền ẩm thực độc đáo mang đặc trưng riêng của vùng đất võ.
Trong những năm gần đây tỉnh đã huy động được nhiều nguồn vốn đầu tư mới để nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, thương mại, du lịch, y tế, giáo dục, bưu chính, viễn thông… Sự hình thành khu kinh tế Nhơn Hội, cầu Thị Nại, đường Quy Nhơn - Sông Cầu… là một trong những yếu tố góp phần làm cho Bình Định phát triển nhanh, dần dần trở thành hạt nhân phát triển kinh tế - xã hội mới của khu vực, trong đó dịch vụ du lịch có vai trò ngày càng quan trọng trong cơ cấu kinh tế.
Nhờ công tác đầu tư cơ sở hạ tầng và quy hoạch đi trước một bước nên hoạt động kêu gọi đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây trở nên sôi động hẳn lên, thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Một loạt các khu du lịch, khách sạn cao cấp ven biển được mọc lên và dần khẳng định thương hiệu như: Avani (Bãi Dài), resort Hoàng Gia - Quy Nhơn, khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn, khách sạn Hải Âu, Hoàng Yến …cùng nhiều khu du lịch nghỉ biển cao cấp đang triển khai xây dựng như: Khu du lịch Vĩnh Hội (Tập đoàn ITC - Hoa Kỳ) và Vinpearl Quy Nhơn (Tập đoàn VinGroup), quần thể khu du lịch tâm linh chùa Linh Phong ,... Khi các dự án đầu tư phát triển du lịch nói trên đưa vào khai thác chắc chắn Bình Định sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng gắn với văn hóa, tâm linh hấp dẫn của cả nước, góp phần đưa ngành du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Định.
Quan điểm Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định từ nay đến 2020 phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, với Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, gắn với Trục kinh tế Đông - Tây, với các tỉnh Tây nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan.
Phát huy tối đa các nguồn nội lực, tranh thủ thu hút các nguồn lực bên ngoài, tạo môi trường thông thoáng để thu hút mạnh đầu tư, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững gắn với phát triển các lĩnh vực văn hoá - xã hội; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
Phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát huy nhân tố con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường và coi trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực.
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Gắn các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với việc xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trong Tỉnh.
Để phát triển kinh tế - xã hội nói chung đồng thời hỗ trợ phát triển du lịch, Bình Định đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường mang tính chiến lược như: tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu dài 33 km (quốc lộ 1D), tuyến Quy Nhơn - Tam Quan dài 107 km, tuyến đường chạy dọc phía Tây tỉnh, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A, 1D, 19, 19B, cảng hàng không quốc tế Phù Cát, ga đường sắt Quốc gia Diêu Trì, cầu tàu và bến bãi du thuyền trên đầm Thị Nại…
Đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại các di tích tháp Chăm như: Tháp Đôi, tháp Bánh Ít, tháp Cánh Tiên, tháp Dương Long; trùng tu tôn tạo di tích thành Hoàng đế, nâng cấp và mở rộng Bảo tàng Quang Trung…nhằm tăng sức hấp dẫn cho du khách.
Đầu tư chỉnh trang đô thị, tôn tạo cảnh quan thành phố Quy Nhơn: Xây dựng khu Quảng trường trung tâm của tỉnh, Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ và Tượng đài Cha và Con trên trục đường Nguyễn Tất Thành, An Dương Vương; mở rộng diện tích các công viên và đầu tư bổ sung hệ thống các thiết bị điện kỹ thuật, hình thành nhiều tuyến đường đẹp: An Dương Vương, Nguyễn Tất Thành, Xuân Diệu.
Chỉnh trang khu vực bãi biển Quy Nhơn (từ Mũi Tấn đến Ghềnh Ráng) đảm bảo xanh, sạch, đẹp, an toàn cho du khách; Xây dựng các tuyến đường đi bộ, đi xe đạp ven biển dọc theo tuyến đường từ núi Xuân Vân đến khu cáp treo Vinpearl Quy Nhơn và tổ chức các điểm biểu diễn nghệ thuật văn hóa truyền thống (võ, bài chòi), ẩm thực phục vụ nhân dân và khách du lịch; thành lập đội cứu hộ, có phao giới hạn khu vực tắm biển an toàn; xây dựng các nhà vệ sinh công cộng, từng bước đáp ứng được nhu cầu phục vụ nhân dân và khách du lịch.
Ngoài ra, Tỉnh cũng tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư khởi công xây dựng khu du lịch Vinpearl Quy Nhơn; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Điểm bến tàu du lịch biển và sinh thái, dịch vụ du lịch, và Khu du lịch sinh thái Cù Lao Xanh; tiếp tục tuyên truyền quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư tại các địa điểm: Thắng cảnh Eo Gió - Nhơn Lý, Đồi cát Phương Mai (Nhơn Lý), Khu du lịch sinh thái đầm Thị Nại (trong đó có khu vực Cồn Chim),… góp phần phát triển đa dạng các loại hình du lịch. Tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm: Khu du lịch Vĩnh Hội; Khu du lịch Vinpearl Quy Nhơn; Khu Du lịch Thiên đường xanh; Khu du lịch Trung Lương; Khu du lịch Ghềnh Ráng và các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trên tuyến du lịch Quy Nhơn - Sông Cầu.
Bên cạnh đó, Tỉnh còn tập trung đẩy mạnh đầu tư phát triển các thế mạnh về du lịch văn hóa - lịch sử gắn với Phong trào Tây Sơn, kết hợp với các di sản văn hóa Chăm, Võ cổ truyền Bình Định và lễ hội Đống Đa hàng năm. Xây dựng mở rộng, nâng cấp Bảo tàng Quang Trung; cơ bản hoàn thành Khu tâm linh Đàn tế Trời Đất; đang triển khai xây dựng Khu di tích cụ Nguyễn Sinh Sắc (Huyện đường Bình Khê); trùng tu, tôn tạo Lăng Mai Xuân Thưởng; đang hoàn thiện các bước tiếp theo để đầu tư xây dựng Đền thờ Võ Văn Dũng; đường vào Bến Trường Trầu, tháp Thủ Thiện; đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất các võ đường,...
Triển khai lập đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu vực phía Đông Quốc lộ 1D (từ đỉnh đèo Ghềnh Ráng đến điểm du lịch số 7). Trên tuyến du lịch Quy Nhơn – Sông Cầu, bên cạnh các dự án đã đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, hiện có 06 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư: Điểm số 3 (Công ty cổ phần Đầu tư Bách Khang), Điểm số 4 (Công ty Cổ phần An Trường An), điểm số 7 (Doanh nghiệp tư nhân Thanh Linh), điểm số 10 (Công ty TNHH Sài Gòn - Max), điểm du lịch dịch vụ Seaview Nguyễn Hoàng (DNTN Nguyễn Hoàng), Avani Resort giai đoạn 2 (Công ty TNHH Du lịch Bãi Dài Quy Nhơn).
Đã khai thác hiệu quả một số loại hình du lịch mang đặc trưng văn hóa Bình Định từ hệ thống di tích Tây Sơn kết hợp với các cụm di tích Tháp Chăm, thành Đồ Bàn - Hoàng Đế, các lễ hội, làng nghề truyền thống,... và một số loại hình du lịch sinh thái như: Hầm Hô, Hồ Định Bình... góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch Bình Định.
Triển khai dự án đầu tư mở rộng khu di tích Điện Tây Sơn; di tích Gò Lăng; trùng tu, tôn tạo khu di tích Lăng mộ hiển tổ khảo Tây Sơn Tam Kiệt; khảo sát, lập dự án xây dựng, tôn tạo di tích Đền thờ Võ Duy Dương; xây dựng Đền thờ Nguyễn Trung Trực. Tiếp tục chỉ đạo đầu tư và hoàn thành công trình Đàn tế Trời Đất; các công trình cơ sở hạ tầng du lịch và tôn tạo các di tích; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1D, Quốc lộ 1A qua tỉnh Bình Định, đường vào sân bay Phù Cát, tháp Cánh Tiên, các lò võ; đã khánh thành hệ thống đèn hiệu bay đêm Sân bay Phù Cát, chuẩn bị nâng cấp, mở rộng bãi đậu sân bay, nhà ga sân bay,... góp phần phát huy giá trị tiềm năng du lịch, tạo ấn tượng tốt với khách du lịch, nhà đầu tư đến nghiên cứu đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch.
Tích cực đầu tư và huy động các nguồn vốn xã hội hóa để tôn tạo các công trình di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến như: Khu di tích nhà tù Phú Tài, Khu di tích cách mạng Núi Bà, nhà bia tưởng niệm chiến thắng của sư đoàn 3 sao vàng (Hoài Nhơn), khu di tích lịch sử cách mạng Núi Chéo (Hoài Ân)... tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh lữ hành xây dựng tour du lịch lịch sử phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.
Ngoài 04 tuyến du lịch trọng điểm trên, tỉnh tiếp tục chỉ đạo và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển vào tuyến du lịch sinh thái biển đảo, dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao biển (thuyền Kayak, thuyền đáy kính,...), cầu tàu, tàu du lịch, dịch vụ du lịch biển, hệ thống các phương tiện vận chuyển.
Trong thời gian đến, Bình Định đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.
* Về cơ sở hạ tầng
Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng và các phương tiện giao thông quan trọng: hàng không, đường thủy, đường bộ, đường sắt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kết nối giữa các công trình du lịch theo tour, tuyến, các hình thức vận chuyển đa dạng để phát huy hiệu quả trong thu hút khách tham quan du lịch.
Hoàn thành đầu tư cầu tàu du lịch và khu dịch vụ du lịch biển đảo tại thành phố Quy Nhơn; xây dựng kế hoạch phát triển cảng biển để đón tàu du lịch quốc tế. Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp, cải tạo Sân bay Phù Cát, mở thêm một số tuyến đường bay nội địa và quốc tế. Nâng cấp và mở rộng tuyến đường ven biển từ Cát Tiến đến Tam Quan.
Đầu tư chỉnh trang đô thị, tôn tạo cảnh quan thành phố Quy Nhơn xanh, sạch, đẹp, hình thành một số tuyến đường đẹp, đặc trưng của thành phố. Xây dựng, nâng cấp, mở rộng đường vào các võ đường tiêu biểu tại các huyện Tây Sơn, Tuy Phước và Thị xã An Nhơn....; đường vào các làng nghề truyền thống; đường kết nối các di sản văn hóa lịch sử quốc gia trên địa bàn tỉnh; nâng cấp hạ tầng, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch tại một số di tích và danh thắng để phục vụ khách tham quan du lịch.
* Về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
Ưu tiên thu hút đầu tư các thương hiệu khách sạn nổi tiếng trong và ngoài nước, xây dựng mới tổ hợp khách sạn kết hợp với trung tâm thương mại, kết hợp nghỉ dưỡng và tổ chức hội nghị, hội thảo mang tầm quốc gia, quốc tế; đầu tư mới các khu vui chơi giải trí cao cấp... theo quy hoạch.
* Xúc tiến mời gọi đầu tư, phát triển các loại hình du lịch:
- Về du lịch biển
Khuyến khích đầu tư phát triển mạnh các khu nghỉ dưỡng ven biển (Khu du lịch Vinpearl Quy Nhơn, Khu du lịch Vĩnh Hội....) với các loại hình dịch vụ đa dạng tạo thành Khu du lịch quốc gia về nghỉ dưỡng biển chất lượng cao Phương Mai - Núi Bà. Triển khai xây dựng phát triển Khu du lịch núi Xuân Vân, thành phố Quy Nhơn gắn với phát triển bất động sản du lịch và du lịch biển; xây dựng Đề án báo cáo Bộ Y tế chuyển mục đích sử dụng Khu Trại phong Quy Hòa sang mục đích phát triển du lịch.
Tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm và năng lực tài chính đầu tư đội tàu du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch biển. Xây dựng các tuyến du lịch biển đảo; các đảo từ Nhơn Lý đến Hải Giang: Bãi Dứa, Hòn Sẹo, Hòn Hải Âu, Hòn Cân, Tháp Thầy Bói; đầu tư và khai thác hợp lý các điểm du lịch: Đảo Nhơn Châu, Hòn Khô, Khu sinh thái Cồn Chim – Đầm Thị Nại,...
Phát triển nhanh các sản phẩm du lịch thể thao biển, sinh thái biển và phát triển dịch vụ ẩm thực đặc sắc của Bình Định.
- Về du lịch văn hóa lịch sử
Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan liên quan tiến hành các thủ tục để lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Võ cổ truyền Bình Định trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tập trung quảng bá, giới thiệu và phát triển Võ cổ truyền Bình Định; xây dựng Trung tâm trưng bày và nghiên cứu về các nhà văn hóa, nhà thơ nổi tiếng trên đất Bình Định như: Nhà văn hóa Đào Tấn, Thi sĩ Xuân Diệu, Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên... thành sản phẩm độc đáo của du lịch Bình Định.
Trùng tu, tôn tạo và phát huy các di tích văn hóa, lịch sử tiêu biểu như: hệ thống các Tháp Chăm, Thành Đồ Bàn, Điện Tây Sơn, Đàn tế trời đất, Đền thờ Đô đốc Võ Văn Dũng; Đền thờ Nguyễn Trung Trực tại Phù Cát,…
Bảo tồn và phát triển các lễ hội, làng nghề truyền thống như: Lễ hội Kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Lễ hội Chợ Gò, Lễ hội Vía Bà, Lễ Tế cáo Trời Đất hàng niên tại Đàn tế Trời Đất, Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định...; các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch theo quy hoạch. Trước mắt xây dựng Đề án đầu tư phát triển đồng bộ, toàn diện từ 2 - 3 làng nghề thành các điểm tham quan du lịch.
- Du lịch tâm linh
Bình Định hiện còn nhiều ngôi chùa cổ và nhiều công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc của Việt Nam hiện nay, có điều kiện thuận lợi phát triển du lịch tâm linh, tham quan các đình cổ, chùa chiền, đặc biệt tập trung vào các địa điểm: Chùa Thập Tháp, chùa Thiên Hưng, chùa Ông Núi, Khu tâm linh phật pháp Linh Phong, Tiểu chủng viện Làng Sông,…
- Du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh
Sớm hình thành các tuyến du lịch nghỉ dưỡng, điều trị sức khỏe ở các điểm nghỉ dưỡng trong tỉnh như các điểm du lịch trong Khu Kinh tế Nhơn Hội, Khu du lịch suối khoáng nóng Hội Vân, Suối khoáng Chánh Thắng ở Phù Cát.
- Du lịch MICE (hội nghị, hội thảo, sự kiện ) kết hợp du lịch khoa học
Trên cơ sở phát huy thế mạnh của Trung tâm Gặp gỡ Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành hiện nay, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo mang tầm quốc gia, quốc tế và khu vực tổ chức tại tỉnh, đồng thời sớm hoàn thành dự án Tổ hợp không gian khoa học đưa vào hoạt động theo kế hoạch đã phê duyệt.
- Du lịch thể thao, vui chơi giải trí, cộng đồng
Triển khai đầu tư các dự án sân golf tỉnh Bình Định, tạo thành điểm du lịch thể thao phục vụ khách du lịch. Tổ chức và phối hợp tổ chức các sự kiện thể thao lớn trên địa bàn tỉnh với kế hoạch cụ thể để tạo ra sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của du khách.
Xây dựng và triển khai Đề án thành lập làng du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
* Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch
Phát triển thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế, trong đó tiếp tục thu hút, khai thác tốt thị trường khách trong nước từ các thị trường trọng điểm như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Nam Bộ, khu vực miền Trung - Tây Nguyên, và đẩy mạnh phát triển thị trường khách nước ngoài, nhất là các thị trường tiềm năng như: Nga, Đông Bắc Á, Đông Nam Á,… và các thị trường khách có khả năng tiêu dùng cao như: Tây Âu, Bắc Mỹ....
Thực hiện cơ chế xã hội hóa, tăng cường hợp tác, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức trong nước và quốc tế; có cơ chế phối hợp, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm hợp lý cùng doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Bình Định.
Chú trọng xây dựng thương hiệu du lịch, kết hợp nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở lưu trú, khu, điểm du lịch; xây dựng biểu tượng (logo) và khẩu hiệu (slogan) du lịch Quy Nhơn - Bình Định thể hiện đặc trưng văn hóa địa phương.
» Khởi công xây dựng dự án Nhà ở xã hội Long Vân, thành phố Quy Nhơn (20/01/2025)
» Bình Định đón chào hai nhà đầu tư quốc tế lớn, hướng đến phát triển thành điểm đến du lịch siêu sang trọng (16/01/2025)
» Thị xã Hoài Nhơn: Thu hút dự án đầu tiên trong năm 2025 - Trang trại nuôi heo công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng (14/01/2025)
» Chuẩn bị tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái Eo Gió (14/01/2025)
» Đầu tư dự án Nhà máy sản xuất các sản phẩm nội, ngoại thất từ gỗ (13/01/2025)
» Bình Định chào đón dự án đầu tiên trong năm 2025 (09/01/2025)
» Mời gọi đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Tường Sơn tại thị xã Hoài Nhơn (03/01/2025)
» Mời gọi đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Eo Gió (30/12/2024)
» Bình Định: Đã có doanh nghiệp trúng đấu giá dự án Khu dân cư, dịch vụ và giáo dục phía Tây đường Tây Sơn (25/12/2024)
» Vĩnh Thạnh mời gọi đầu tư dự án Khu dịch vụ nghỉ dưỡng ngắn ngày (19/12/2024)