19/04/2012
Những năm qua, việc quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh chưa đạt hiệu quả cao. Mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo chuyên đề về thu hút đầu tư vào các CCN trên địa bàn tỉnh, nhằm tìm giải pháp nâng cao hiệu quả của các CCN trong thời gian đến.
Những năm qua, việc quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh chưa đạt hiệu quả cao. Mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo chuyên đề về thu hút đầu tư vào các CCN trên địa bàn tỉnh, nhằm tìm giải pháp nâng cao hiệu quả của các CCN trong thời gian đến.
Nói về những bất cập trong quy hoạch và xây dựng các CCN gây ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư, ông Đào Qúy Tiêu, Giám đốc Sở Xây dựng, cho rằng: chất lượng quy hoạch chưa tốt, phát triển quá nhanh về số lượng, việc đầu tư phát triển còn dàn trải, cơ cấu đầu tư còn bất hợp lý… Trong đó, các CCN: Tà Súc, Canh Vinh (Vân Canh); Gò Bùi (An Lão)… hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ nên sức thu hút đầu tư thấp. Các CCN Gò Đá Trắng (An Nhơn); Nhơn Bình, Quang Trung (Quy Nhơn) nằm trong khu dân cư hoặc tiếp giáp các khu dân cư đô thị, đã gây nhiều tác động xấu về môi trường, giao thông...
Trong khi đó, ông Nguyễn Thúc Đĩnh, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, nêu hạn chế về giá cho thuê đất gắn với kết cấu hạ tầng, phí duy tu bảo dưỡng hạ tầng còn cao, gây bất lợi cho nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ, nên họ đã chọn phương án đầu tư bên ngoài CCN. Mặt khác, trong vài năm gần đây, do ảnh hưởng khó khăn chung về kinh tế, tài chính, lãi suất ngân hàng cao… nên đầu tư mới của doanh nghiệp (DN) cũng bị thu hẹp, ít DN có nhu cầu mở rộng sản xuất.
Còn ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, thì cho biết: Chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng CCN đã không dự báo hết nguồn lực, khi triển khai thực hiện thì ngân sách tỉnh không đảm bảo cân đối, thiếu quá nhiều so với nhu cầu, nên việc đầu tư xây dựng hạ tầng còn chậm, tiến độ hoàn thành và đưa vào hoạt động không đạt mục tiêu đề ra. Các CCN ở tỉnh ta cũng chưa tạo được những lợi thế khác biệt về các điều kiện đầu tư như: mặt bằng sản xuất, địa thế thuận lợi về giao thông, mối tương tác hỗ trợ giữa các cơ sở sản xuất cùng lĩnh vực trong CCN...
Tìm cách nâng cao hiệu quả
Để khắc phục những hạn chế trong thu hút đầu tư, ông Nguyễn Thúc Đĩnh đề nghị: Ban quản lý các CCN phải khẩn trương xem xét lại giá đất, phí hạ tầng cho hợp lý, vừa đảm bảo kinh doanh có lãi nhưng cũng phải tính đến lợi ích của nhà đầu tư. UBND tỉnh cần chỉ đạo các địa phương, các ngành liên quan kiên quyết không giải quyết thủ tục đầu tư ra ngoài CCN, nếu dự án có yếu tố gây ô nhiễm môi trường... Sở Kế hoạch - Đầu tư sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý và phối hợp với các cơ quan liên quan của tỉnh, chính quyền địa phương để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các CCN.
Ông Nguyễn Văn Thắng đề xuất: Ban quản lý các CCN cần thực hiện tốt công tác tham mưu cho UBND huyện trong việc xem xét tính khả thi của các dự án đầu tư; bố trí các dự án theo đúng phân khu chức năng; bám sát tiến độ triển khai để có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN; kiến nghị thu hồi đất đối với các dự án chậm triển khai mà không có lý do chính đáng.
Về phía chính quyền địa phương, ông Đỗ Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, đưa ra ý kiến: Để thu hút mạnh các nhà đầu tư vào các CCN, góp phần tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện, chúng tôi luôn coi việc đầu tư kết cấu hạ tầng các CCN là vấn đề quan trọng, là điều kiện then chốt để thu hút đầu tư. Phương châm của huyện là đầu tư không dàn trải, chọn những ngành, lĩnh vực mà huyện có lợi thế về nguồn nguyên liệu, giải quyết được nhiều việc làm để kêu gọi đầu tư. Huyện cũng chỉ kêu gọi và lựa chọn những nhà đầu tư thật sự có năng lực, tâm huyết và quyết tâm đầu tư…
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, nhấn mạnh: Để nâng cao hiệu quả các CCN trên địa bàn tỉnh, trong thời gian đến, các sở, ngành và chính quyền các địa phương phải tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch; việc thành lập, hoạt động của các CCN và đề xuất biện pháp xử lý đối với các CCN hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí đất đai, ô nhiễm môi trường. Qua đó, phải phân tích những việc làm được và chưa được để rút kinh nghiệm và sớm xây dựng kế hoạch, chương trình để kịp thời điều chỉnh, xây dựng chính sách phù hợp hơn cho các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư hạ tầng cần nỗ lực hơn trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN, đảm bảo cho nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định…
Hiện nay, Sở Tài nguyên - Môi trường đã trình UBND tỉnh cho thuê đất đối với 7 DN đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN: Nhơn Bình (Quy Nhơn), Gò Sơn (An Nhơn), Cát Nhơn (Phù Cát), Mỹ Thành (Phù Mỹ), Tam Quan (Hoài Nhơn), Cầu Nước Xanh (Tây Sơn), Tà Súc (Vĩnh Thạnh), với tổng diện tích 309,9 ha. Đến nay, các CCN đã hoàn thành xây dựng hạ tầng là: Nhơn Bình, Cát Nhơn, Tam Quan, Tà Súc. Các CCN còn lại đã giao đất, cho thuê đất nhưng chưa thực hiện việc xây dựng hạ tầng hoặc đang thực hiện dở dang.
Hạnh Nguyên (Theo Báo Bình Định online)
» Khởi công xây dựng dự án Nhà ở xã hội Long Vân, thành phố Quy Nhơn (20/01/2025)
» Bình Định đón chào hai nhà đầu tư quốc tế lớn, hướng đến phát triển thành điểm đến du lịch siêu sang trọng (16/01/2025)
» Thị xã Hoài Nhơn: Thu hút dự án đầu tiên trong năm 2025 - Trang trại nuôi heo công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng (14/01/2025)
» Chuẩn bị tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái Eo Gió (14/01/2025)
» Đầu tư dự án Nhà máy sản xuất các sản phẩm nội, ngoại thất từ gỗ (13/01/2025)
» Bình Định chào đón dự án đầu tiên trong năm 2025 (09/01/2025)
» Mời gọi đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Tường Sơn tại thị xã Hoài Nhơn (03/01/2025)
» Mời gọi đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Eo Gió (30/12/2024)
» Bình Định: Đã có doanh nghiệp trúng đấu giá dự án Khu dân cư, dịch vụ và giáo dục phía Tây đường Tây Sơn (25/12/2024)
» Vĩnh Thạnh mời gọi đầu tư dự án Khu dịch vụ nghỉ dưỡng ngắn ngày (19/12/2024)