23/04/2009
Nhà đầu tư phải đảm bảo có vốn sở hữu ít nhất trên 15% tổng mức đầu tư dự án mới được tham gia dự thầu dự án sử dụng quỹ đất công.
Nhà đầu tư phải đảm bảo có vốn sở hữu ít nhất trên 15% tổng mức đầu tư dự án mới được tham gia dự thầu dự án sử dụng quỹ đất công.
Theo quy định tại Thông tư 03/2009/TT-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất (sẽ có hiệu lực từ ngày 30/5/2009), một trong những điều kiện tiên quyết để nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia dự thầu các dự án sử dụng quỹ đất công là có vốn thuộc sở hữu dự kiến dành để đầu tư thực hiện dự án không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư của dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha.
Với dự án có quỹ đất lớn hơn 20 ha, tỷ lệ vốn thuộc chủ sở hữu cần phải đảm bảo ít nhất 20% trên tổng vốn đầu tư của dự án. Kèm theo đó, phần vốn còn lại phải được nhà đầu tư đảm bảo khả năng huy động thông qua cam kết cho vay của ngân hàng, hoặc các tổ chức tín dụng.
Các chuyên gia Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, đây là một trong những điều kiện ràng buộc khá chặt chẽ dành cho các nhà đầu tư muốn tham gia các dự án có lợi thế về quỹ đất có giá trị thương mại cao, các dự án có sử dụng các khu đất, quỹ đất thuộc quyền quản lý, sử dụng của các cơ quan nhà nước, của địa phương, của doanh nghiệp nhà nước...
Không chỉ nhằm đảm bảo năng lực thực tế của các nhà đầu tư, việc quy định công khai tỷ lệ vốn sở hữu cần phải có so với tổng mức đầu tư của dự án sẽ loại bỏ các dự định cố tình nâng cao tổng mức đầu tư để thắng thầu vốn đã từng xảy ra trên thực tế. Như vậy, trách nhiệm của nhà đầu tư được nhìn nhận không chỉ từ khía cạnh tính khả thi của dự án, mà còn với cơ hội tham gia đầu tư của các nhà đầu tư khác.
Cũng phải thấy rằng, trên thực tế, những hoạt động rà soát, chuyển đổi mục đích sử dụng, địa điểm... của hàng loạt địa điểm của các bộ, ngành cũng như của các doanh nghiệp nhà nước đã tạo ra một quỹ đất có giá trị lớn. Các khu đất này thường có diện tích rộng, nằm ở các vị trí đắc địa về kinh doanh thương mại và thường được coi là quỹ đất vàng, là cơ hội sinh lợi lớn cho địa phương và nhà đầu tư được lựa chọn.
Tuy nhiên, khoảng trống về pháp lý trong hoạt động này thời gian qua đã khiến việc lựa chọn các nhà đầu tư được thực hiện rất khác nhau ở các địa phương. Khá nhiều văn bản trong phạm vi nội bộ địa phương đã được ban hành, nhằm tạo khung pháp lý tạm thời cho hoạt động này. Hệ lụy của nó chính là sự khác biệt, không thống nhất trong lựa chọn nhà đầu tư của các dự án có cùng tính chất. Hơn thế, yêu cầu về tính rõ ràng, minh bạch trong kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư vào các loại dự án này chưa được thực hiện tốt. Và hàng loạt vụ kiện cáo xung quanh các khu đất vàng đã xảy ra.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Xuân Đào, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, các điều kiện có giới hạn với nhà đầu tư và cả điều kiện với các chủ dự án đều hướng tới mục tiêu công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư và khai thác tối đa hiệu quả của diện tích đất được sử dụng, tạo nguồn thu cho ngân sách.
Ông Đào cho biết, lần đầu tiên có yêu cầu danh mục các dự án gắn với quỹ đất của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước cần lựa chọn đối tác đầu tư phải được công khai đủ để các nhà đầu tư có thông tin, tối thiểu là 30 ngày kể từ ngày đăng tải đầu tiên.
Các nội dung công khai được quy định đảm bảo tuân thủ các quy định có liên quan của pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản... Đặc biệt, với các khu đất, quỹ đất chưa được giải phóng mặt bằng, nội dung phải công khai sẽ gồm cả phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất... Các nhà đầu tư đăng ký tham dự cũng phải được công bố công khai khi chốt danh sách.
Ngay cả lợi ích tính toán để xác định nhà đầu tư được lựa chọn cũng được chọn trên nguyên tắc nhà đầu tư nào đưa ra mức lợi nhuận cao nhất, tổng mức đầu tư không thấp hơn mức giá sàn được duyệt, thì nhà đầu tư đó mới được lựa chọn. Ở đây, hiệu quả đầu tư của nhà đầu tư mang lại cho Nhà nước được xác định theo công thức là tổng giá trị đền bù giải toả, giá trị hỗ trợ ngân sách mà nhà đầu tư cam kết hỗ trợ không điều kiện. Tất nhiên, các điều kiện khác về kỹ thuật, tính hợp lệ... cũng phải được đảm bảo.
Theo: Website Báo Đầu tư
» Chính phủ ban hành Nghị định mới về phát triển và quản lý chợ (14/06/2024)
» Thủ tướng chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản (27/11/2023)
» Tỉnh Bình Định công bố đường dây nóng hỗ trợ giải đáp vướng mắc cho các doanh nghiệp (12/06/2023)
» Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập (17/10/2022)
» Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bình Định (22/09/2022)
» Thực hiện việc công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản Quý III/2022 trên địa bàn tỉnh (22/09/2022)
» Chỉ thị phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 (23/02/2022)
» UBND tỉnh ban hành quy định về việc thực hiện công khai, minh bạch các quy định, cơ chế, chính sách của tỉnh (11/01/2022)