Ảnh minh họa
Theo đó, Chỉ thị này có những điểm đáng chú ý sau đây:
1. Phấn đấu từ nay đến năm 2030 có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện quyết liệt mục tiêu phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhanh, bền vững, tăng trưởng về số lượng, chất lượng, quy mô, hiệu quả hoạt động và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Phấn đấu từ nay đến năm 2030 có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp.
Đặc biệt ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh tham gia chuỗi giá trị; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển các mô hình kinh doanh mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
2. Giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính
Trong Chỉ thị, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ... nhằm tháo gỡ các rào cản, khó khăn, tạo điều kiện huy động tối đa nguồn lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp vào tăng trưởng, phát triển kinh tế.
Đồng thời cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính; trong năm 2025, giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm tối thiểu 30% chi phí tuân thủ; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết. Chuyển mạnh quản lý từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
Tập trung cải cách hành chính, giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án. Đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số để giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin và các dịch vụ công thuận lợi, nhanh chóng.
3. Công tác quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng
Về công tác quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương: Tập trung triển khai hiệu quả các quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch đã ban hành; phát triển các hành lang kinh tế, vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ gần với các trung tâm mới (sân bay Long Thành, trung tâm tài chính quốc tế); chủ động đề xuất các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp mới (bán dẫn, chíp...), qua đó dẫn dắt, hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
4. Đẩy mạnh hoạt động cho vay của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng cho doanh nghiệp; ưu tiên giữ ổn định lãi suất; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhưng phải phù hợp, hiệu quả, tạo niềm tin cho doanh nghiệp; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Qua đó, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) và các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo...); kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
5. Triển khai các chương trình, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung vào đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động tại các doanh nghiệp; đào tạo quản trị doanh nghiệp chuyên sâu; đào tạo theo nhu cầu thực tế tại doanh nghiệp; đào tạo trực tuyến cho doanh nghiệp.
Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng chủ động, tích cực và nâng cao hiệu quả vai trò kết nối cộng đồng doanh nghiệp, phát huy tính đại diện cho doanh nghiệp hội viên trong việc tham gia góp ý, xây dựng, phản biện chính sách; theo dõi, giám sát, đánh giá độc lập quá trình xây dựng và thực thi pháp luật và các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển của Nhà nước liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa; đại diện bảo vệ quyền lợi hội viên trong các tranh chấp.
Thanh Tùng