Ảnh minh họa
Quyết định nêu rõ phạm vi, ranh giới quy hoạch: Quy hoạch phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kv trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm cả các công trình liên kết lưới điện với các quốc gia láng giềng.
1. Về phương án phát triển
Phát triển tối đa nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…), tiếp tục gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất.
Cụ thể là đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi; điện mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời mặt nước phù hợp với khả năng hấp thụ của hệ thống, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện, đánh giá điện năng và chi phí truyền tải hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành và tính kinh tế chung của hệ thống điện, tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng lưới điện hiện có…
Đến năm 2030, tổng công suất điện gió trên bờ và gần bờ đạt: 26.066 - 38.029 MW (tổng tiềm năng kỹ thuật ở Việt Nam khoảng 221.000 MW). Ưu tiên bố trí các nguồn điện gió quy hoạch mới tại các địa phương có tiềm năng gió tốt, điều kiện kinh tế khó khăn.
Phát huy tối đa tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi của nước ta (khoảng 600.000 MW) để sản xuất điện và năng lượng mới. Tổng công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW - 17.032 MW, dự kiến vận hành trong giai đoạn 2030 - 2035. Định hướng đến năm 2050 đạt 113.503 - 139.097 MW. Ước tính công suất nguồn điện gió ngoài khơi để sản xuất năng lượng mới vào khoảng 15.000 MW vào năm 2035 và khoảng 240.000 vào năm 2050.
Tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam khoảng: 963.000 MW; đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện mặt trời (gồm điện mặt trời tập trung và điện mặt trời mái nhà, không tính đến các nguồn điện mặt trời theo khoản 5 Điều 10 Luật Điện lực số 61/2024/QH15) đạt 46.459 - 73.416 MW; định hướng đến năm 2050, tổng công suất: 293.088-295.646 MW.
Ưu tiên, khuyến khích phát triển các loại hình điện sinh khối, điện sản xuất từ rác, chất thải rắn nhằm tận dụng phụ phẩm nông lâm nghiệp, chế biến gỗ… Đến năm 2030 tổng công suất nguồn điện sinh khối khoảng 1.523 - 2.699 MW; điện sản xuất từ rác, chất thải rắn khoảng 1.441 - 2.137 MW; điện địa nhiệt và năng lượng mới khác khoảng 45 MW. Định hướng đến năm 2050 điện sinh khối khoảng 4.829 -6.960 MW; điện sản xuất từ rác, chất thải rắn khoảng 1.784 - 2.137 MW, điện địa nhiệt và năng lượng mới khoảng 464 MW.
Đồng thời, khai thác tối đa tiềm năng kinh tế - kỹ thuật các nguồn thủy điện (tổng tiềm năng tối đa ở Việt Nam khoảng 40.000 MW) trên cơ sở bảo đảm môi trường, bảo vệ rừng, bảo vệ an ninh nguồn nước. Tới năm 2030, tổng công suất các nguồn thủy điện, bao gồm cả thủy điện nhỏ đạt: 33.294 - 34.667 MW; định hướng đến năm 2050, tổng công suất đạt khoảng 40.624 MW.
Về nguồn điện lưu trữ: Phát triển các nhà máy thủy điện tích năng với quy mô công suất khoảng 2.400 - 6.000 MW đến năm 2030; định hướng đến năm 2050 công suất thủy điện tích năng đạt: 20.691 - 21.327 MW để điều hòa phụ tải, dự phòng công suất và hỗ trợ tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo với quy mô lớn.
Pin lưu trữ phát triển phục vụ nhu cầu hệ thống và kết hợp với năng lượng tái tạo, bố trí phân tán gần các trung tâm nguồn điện gió, điện mặt trời hoặc trên hệ thống điện tại các trung tâm phụ tải. Đến năm 2030, dự kiến đạt công suất: 10.000 - 16.300 MW; định hướng đến năm 2050, công suất pin lưu trữ đạt: 95.983 - 96.120 MW để phù hợp với tỷ trọng cao của năng lượng tái tạo.
Về phát triển nguồn điện hạt nhân, giai đoạn 2030 - 2035 sẽ đưa vào vận hành các Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 với quy mô: 4.000 – 6.400 MW. Giai đoạn đến năm 2050, hệ thống cần bổ sung khoảng 8.000 MW nguồn điện hạt nhân để cung cấp nguồn điện nền và có thể tăng lên theo nhu cầu.
Về điện than, năm 2030 tổng công suất các nhà máy đang vận hành và các dự án đang triển khai xây dựng, khả năng sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành khoảng 31.055 MW;
Định hướng đến năm 2050 không còn sử dụng điện than để phát điện, chuyển hoàn toàn sang sử dụng sinh khối/amoniac, tổng công suất 25.798MW.
Về nhiệt điện khí: Ưu tiên sử dụng tối đa khí trong nước cho phát điện. Trong trường hợp sản lượng khí trong nước suy giảm thì nhập khẩu bổ sung bằng khí thiên nhiên hoặc LNG. Phát triển các dự án sử dụng LNG và hạ tầng nhập khẩu LNG đồng bộ với quy mô phù hợp, sử dụng công nghệ hiện đại. Thực hiện lộ trình chuyển đổi nhiên liệu sang hydrogen khi công nghệ được thương mại hóa và giá thành phù hợp.
Năm 2030, tổng công suất các nhà máy sử dụng khí trong nước đạt 10.861 - 14.930 MW; định hướng năm 2050, khoảng 7.900 MW tiếp tục sử dụng trong nước hoặc chuyển sang sử dụng LNG, 7.030 MW dự kiến chuyển sang sử dụng hydrogen hoàn toàn.
Nhiệt điện LNG, phát triển phù hợp các nguồn điện sử dụng LNG nếu có phương án thay thế để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Đến năm 2030 tổng công suất các nguồn điện LNG đạt: 22.524 MW; giai đoạn 2031 - 2035 sẽ đưa vào vận hành dự án điện khí LNG Long Sơn, Long An II đã được phê duyệt hoặc có thể đẩy sớm tiến độ nếu điều kiện thuận lợi, đưa một số dự án vào danh mục dự phòng, các dự án khác chậm tiến độ triển khai hoặc phụ tải tăng cao để đón làn sóng đầu tư vào Việt Nam.
Định hướng năm 2050, các nhà máy sử dụng LNG đốt kèm hydrogen 8.576 -11.325; nhiệt điện khí LNG CCS (xây mới, lắp đặt thiết bị thu giữ và lưu trữ các – bon) tổng công suất 1.887 - 2.269 MW…
Ngoài ra, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh cũng nêu rõ: Ưu tiên phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu. Đến năm 2030, tăng quy mô xuất khẩu điện sang Campuchia lên khoảng 400 MW. Dự kiến đến năm 2035, quy mô công suất xuất khẩu điện sang Singapore, Malaysia và các đối tác khác trong khu vực đạt khoảng 5.000 – 10.000 MW và duy trì với quy mô 10.000 MW đến năm 2050, có thể cao hơn tùy theo nhu cầu của bên nhập khẩu trên cơ sở có hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an ninh năng lượng trong nước và an ninh quốc phòng.
Trong quá trình điều hành Quy hoạch phát triển điện lực, Bộ Công Thương sẽ thường xuyên rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình phát triển các loại hình nguồn điện để kịp thời kiến nghị, điều chỉnh quy hoạch và chương trình phát triển điện lực cho phù hợp với tình hình triển khai thực tế.
2. Về cơ cấu nguồn điện
Đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước (không bao gồm xuất khẩu) là 183.291 - 236.363 MW, trong đó: Điện gió trên bờ và gần bờ 20.066 - 38.029 MW, chiếm tỷ lệ 14,2% - 16,1%; Điện gió ngoài khơi 6.000 - 17.032 MW đưa vào vận hành giai đoạn 2030 - 2035, có thể đẩy sớm tiến độ nếu điều kiện thuận lợi và giá thành phù hợp.
Điện mặt trời (điện mặt trời tập trung và điện mặt trời mái nhà, không bao gồm các nguồn điện mặt trời theo khoản 5 Điều 10 Luật Điện lực số 61/2024/QH15) từ 46.459 - 73.416 MW (chiếm tỷ lệ 25,3 - 31,1%).
Điện sinh khối: 1.523 - 2.699 MW, điện sản xuất từ rác 1.441 - 2.137 MW, điện địa nhiệt và năng lượng mới khác khoảng 45 MW; có thể triển quy mô lớn hơn nếu đủ nguồn nguyên liệu, hiệu quả sử dụng đất đai, có nhu cầu xử lý môi trường, hạ tầng lưới điện cho phép, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý.
Thủy điện: 33.294 - 34.667 MW (chiếm tỷ lệ 14,7 - 18,2%) có thể phát triển cao hơn nếu bảo đảm môi trường, bảo vệ rừng, bảo vệ an ninh nguồn nước.
Điện hạt nhân: 4.000 - 6.400 MW đưa vào vận hành giai đoạn 2030-2035 có thể đẩy sớm tiến độ nếu điều kiện thuận lợi.
Nguồn lưu trữ 10.000 - 16.300 MW chiếm tỷ lệ 5,5 - 6,9%; Nhiệt điện than: 31.055 MW (chiếm tỷ lệ 13,1 - 16,9%); Nhiệt điện khí trong nước: 10.861 - 14.930 MW, chiếm tỷ lệ 5,9 - 6,3%; Nhiệt điện LNG: 22.524 MW chiếm tỷ lệ 9,5 - 12,3%.
Nguồn điện linh hoạt (nhiệt điện sử dụng nhiên liệu LNG, dầu, hydrogen… có độ linh hoạt vận hành cao) 2.000 - 3.000 MW ( chiếm tỷ lệ 1,1 - 1,3%); Thủy điện tích năng: 2.400 - 6.000 MW.
Nhập khẩu điện từ 9.360 - 12.100 MW từ Lào, Trung Quốc (chiếm tỷ lệ 4,0 - 5,1%), tăng tối đa quy mô nhập khẩu điện từ Lào theo Hiệp định giữa hai Chính phủ hoặc đẩy sớm thời gian nhập khẩu điện từ Lào về khu vực miền Bắc nếu điều kiện thuận lợi.
Về việc tham gia mua bán điện trực tiếp (DPPA) và sản xuất năng lượng mới: Theo thống kê hiện nay số lượng khách hàng lớn tiêu thụ từ 1 triệu KWh/năm trở lên chiếm khoảng 25% tổng sản lượng điện toàn hệ thống (với khoảng trên 1.500 khách hàng).
Đến năm 2030, quy mô xuất khẩu điện sang Campuchia lên khoảng 400 MW. Dự kiến đến năm 2035 công suất xuất khẩu điện sang Singapore, Malaysia và các đối tác khác trong khu vực khoảng 5.000 - 10.000 MW; có thể cao hơn tùy theo nhu cầu của bên nhập khẩu trên cơ sở có hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an ninh năng lượng trong nước và an ninh, quốc phòng.
Định hướng đến năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước (không bao gồm xuất khẩu) là 774.503 - 838.681 MW.
Trong đó, điện gió trên bờ và gần bờ: 84.696 - 91.400 MW (chiếm tỷ lệ 10,9%); Điện gió ngoài khơi: 113.503 - 139.079 MW (chiếm tỷ lệ 14,7 - 16,6%); Điện mặt trời gồm Điện mặt trời tập trung và điện mặt trời mái: 293.088 - 295.646 MW (35,3% - 37,8%); Điện sinh khối: 4,829 - 6.960 MW; Điện sản xuất từ rác: 1.784 - 2.137 MW; Điện địa nhiệt và năng lượng mới khác khoảng 464 MW.
Điện hạt nhân: 10.500 - 14.000 MW (chiếm tỷ lệ 1,4 - 1.7%); Thủy điện: 40.624 MW (chiếm tỷ lệ 4,8 - 5,2%); Nguồn điện lưu trữ: 95.983 - 96.120 MW (chiếm tỷ lệ 11,5 - 12.4%) cùng các nguồn điện khí trong nước, nhiệt điện sử dụng sinh khối/ amoniac/ nhiệt điện khí trong nước và chuyển sử dụng LNG, điện nhập khẩu từ Lào và Trung Quốc…
Việc tham gia DPPA và sản xuất năng lượng mới chiếm khoảng 30 - 60% tổng sản lượng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo hoặc cao hơn tùy điều kiện phát triển của thị trường.
Tại Phụ lục III: Danh mục và tiến độ dự kiến các dự án nguồn, lưới điện quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên của ngành điện, theo đó tỉnh Bình Định có một số dự án như sau:
- Dự án Nhà máy điện gió Vân Canh Bình Định với công suất dự kiến 143 MW, giai đoạn vận hành từ 2025 – 2030 nằm trong Danh mục dự kiến các dự án điện gió trên bờ và gần bờ đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
- Dự án Nhà máy điện gió Hòn Trâu – Giai đoạn 1; dự án Nhà máy điện gió Vĩnh Thuận; dự án Nhà máy điện gió Vân Canh 1; dự án Nhà máy điện gió Vân Canh 2 nằm trong Danh mục các dự án điện gió trên bờ, gần bờ được phân bổ thêm cho các địa phương theo từng giai đoạn.
- Dự án Nhà máy điện mặt trời Hoài Đức; dự án Nhà máy điện mặt trời Hoài Thanh; dự án Nhà máy điện mặt trời Hồ Núi Một; dự án Nhà máy điện mặt trời KCN Phù Mỹ 1; dự án Nhà máy điện mặt trời KCN Phù Mỹ 2; dự án Nhà máy điện mặt trời Bình An 1 nằm trong Danh mục các dự án điện mặt trời tập trung.
- Dự án NMĐ sinh khối Bình Định nằm trong Danh mục các dự án điện sinh khối có công suất từ 50 MW trở lên và dự án có công suất nhỏ hơn 50 MW đấu nối ở cấp điện áp 220 kV trở lên.
Phương Quỳnh