02/02/2009
Theo quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ, từ 1-2 các doanh nghiệp, cá nhân vay vốn lưu động để sản xuất kinh doanh sẽ được bù lãi suất, mức bù là 4%. Chương trình bù lãi suất được áp dụng cho các hợp đồng vay được ký kết và giải ngân từ 1-2 đến
Theo quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ, từ 1-2 các doanh nghiệp, cá nhân vay vốn lưu động để sản xuất kinh doanh sẽ được bù lãi suất, mức bù là 4%. Chương trình bù lãi suất được áp dụng cho các hợp đồng vay được ký kết và giải ngân từ 1-2 đến
Hầu hết người làm ăn đã đón nhận tin vui này với những tính toán phải nhanh tay tận dụng cơ hội...
Xung quanh chủ trương bù lãi suất (LS) vay vốn, người làm ăn sẽ tận dụng cơ hội này như thế nào, dưới đây là một số ý kiến.
* Ông NGÔ PHƯỚC HẬU (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Agifish):
Bù lãi suất gắn với giảm thuế
Thông tin Nhà nước bù LS cho vay mức 4% là tin vui đầu xuân cho doanh nghiệp (DN) trong bộn bề lo toan của năm 2009. Với trần LS hiện tại là 10,5%/năm, trừ đi mức LS được bù, tính ra DN sẽ chỉ phải trả LS vay vốn bằng một nửa so với cuối năm 2008 và 1/3 so với “đỉnh” LS giữa năm 2008. Trong bối cảnh cạnh tranh thị trường xuất khẩu gay gắt như hiện nay, việc bù LS của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp DN tiết kiệm đáng kể chi phí đầu vào, giúp giảm giá thành hàng hóa, tăng sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, theo tôi, việc bù LS sẽ hiệu quả hơn rất nhiều nếu có kèm theo giảm thuế để kích thích tiêu dùng nội địa. Nếu được giảm thuế giá trị gia tăng thì giá hàng hóa nói chung và hàng thủy sản nói riêng sẽ giảm, qua đó kích thích tiêu dùng ở thị trường nội địa.
* Ông ĐÀO DUY KHA (phó tổng giám đốc Công ty Nhựa VN):
Đã có thể mạnh dạn làm ăn
Được hỗ trợ 4% LS vay vốn lưu động sẽ giảm đáng kể gánh nặng cho DN. Tin vui này đến trong cuối năm như liều thuốc kích thích cho DN sau một năm bươn chải khó khăn. Trong bảy đơn vị trực thuộc công ty, đã có một đơn vị khai trương từ mồng 3 và đang chờ đợi được triển khai gói kích cầu bù LS từ Nhà nước. Giờ đây DN đã giảm gánh lo nhưng bù LS chỉ giải quyết được chuyện trước mắt. Những dự án đầu tư còn dang dở vẫn phải chịu LS vay cao, trong khi lúc này DN đang rất muốn đẩy mạnh đầu tư để có thể tung ra sản phẩm khi thị trường “ấm” lên. Nếu được hỗ trợ LS vay vốn trung và dài hạn sẽ kích thích DN mạnh dạn đầu tư.
* Ông LÊ QUỐC ÂN (chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN):
Nếu được nên bù lãi suất vay đầu tư
Việc bù LS giúp các DN dệt may có được nguồn vốn lưu động giá rẻ để hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh. Hiện nay, hầu hết DN dệt may đều vay LS từ 7-10%/năm, với chính sách bù LS sẽ tạo sự hứng khởi cho DN vào đầu năm 2009. Hiện DN dệt may đang tích cực tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu mới.
Bên cạnh bù LS vay vốn lưu động, Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ LS cho DN vay để đầu tư, nhất là đối với các dự án dở dang trong năm 2008 nếu có vốn có thể hoàn thành trong năm 2009. Ngoài ra, hiện nay cũng đã xuất hiện những cơ hội đầu tư mới vì ngành dệt may là ngành có thể cạnh tranh trong dài hạn, không ít nước có nhà máy bị phá sản bán rẻ là cơ hội để các DN mua lại, khi thị trường phục hồi sẽ tăng tốc phát triển.
* Ông TRƯƠNG NGÔ HOÀNG (DN tư nhân dịch vụ hải sản Duy An, thị trấn Sông Cầu, Phú Yên):
Giúp nông, ngư dân tiêu thụ sản phẩm
Những năm trước đây chúng tôi thường mua hàng thủy hải sản trữ để kinh doanh trung bình từ 7-10 tấn/tháng. Tuy nhiên, năm 2008 chúng tôi chỉ dám trữ 4-5 tấn/tháng và quay vòng vốn cao lắm chỉ 1-3 tháng, không dám kéo dài 6-8 tháng như trước đây cho dù giá cả mặt hàng thủy hải sản năm 2008 biến động theo hướng tăng mạnh. Vì vậy, doanh thu và lợi nhuận trong năm 2008 có giảm so với các năm trước.
Được vay vốn và bù LS, chúng tôi sẽ mạnh dạn vay vốn, có tiền sẽ thu mua nhiều hơn và tìm kiếm khách hàng mới. Khi các nhà kinh doanh cùng có vốn để trữ hàng, nông dân và ngư dân sẽ bán được sản phẩm với giá tốt hơn.
* Ông VŨ DUY HẢI (chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinacam):
Cơ hội không thể tốt hơn
Với lợi thế về đầu ra rất tốt, Công ty Vinacam đang có kế hoạch mở rộng hơn nữa quy mô cũng như công suất nhà máy chế biến đồ gỗ xuất khẩu VinaG7 tại Đồng Nai. Hơn nữa, do nhiều nhà máy chế biến gỗ tại các nước trong khu vực đã phá sản, thị trường xuất khẩu đồ gỗ trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều dư địa. Đây là cơ hội không thể tốt hơn để chúng tôi khai thác và mở rộng thị trường.
Trong tháng 1-2009 vừa qua, Vinacam đã cử một đoàn công tác sang khảo sát một số nhà máy chế biến đồ gỗ đã phá sản của Nhật, tận dụng cơ hội mua lại một số máy móc chuyên dụng với giá rẻ cho việc đầu tư thêm nhà máy mới. Do đó, nếu được vay vốn theo chương trình kích cầu, chúng tôi sẽ có điều kiện tốt hơn để xây thêm nhà máy cũng như nâng số lượng lao động trong nhà máy gỗ từ xấp xỉ 300 hiện nay lên 1.000 lao động ngay trong năm nay, thay vì kéo dài năm năm theo kế hoạch.
* Ông PHẠM VĂN MINH (giám đốc Công ty Phú An Sinh):
Không thể không làm
LS tăng cao khiến kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy giết mổ gia cầm trở thành bài toán đau đầu cho công ty. Được vay vốn bù LS là cơ hội rất tốt để công ty triển khai ngay kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu chăn nuôi. Với nguồn vốn vay LS rẻ, trong nửa đầu năm nay công ty sẽ tập trung đầu tư chăn nuôi gia công và chăn nuôi hợp tác để mở rộng quy mô đàn gà lên 500.000 con so với 300.000 con hiện nay.
Đến cuối năm, công ty hi vọng sẽ nâng quy mô đàn gà lên 1 triệu con để đáp ứng đủ công suất lên tới 4 triệu con/năm của nhà máy. Ngoài ra, công ty cũng đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn để đáp ứng nguyên liệu cho dây chuyền giết mổ heo. Dù kinh tế khó khăn nhưng ngành chế biến thực phẩm vẫn tăng trưởng tốt. Việc tận dụng cơ hội chi phí vốn rẻ để mở rộng sản xuất kinh doanh là chuyện không thể không làm.
* Ông TRẦN THIỆN HẢI (tổng giám đốc Công ty CP thủy sản Minh Hải):
Có tiền gầy dựng vùng nguyên liệu
DN chế biến thủy sản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu mà nguyên nhân là do nhiều người nuôi tôm cá thua lỗ nặng trong năm vừa qua đã không tiếp tục đầu tư. Do đó, nhiều DN lên kế hoạch liên kết, hỗ trợ nông dân vốn đầu tư nuôi thủy sản để tạo nguồn nguyên liệu ổn định và đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, các kế hoạch đều chỉ mới bàn bạc do DN cũng thua lỗ, vốn liếng khó khăn.
Việc triển khai chương trình kích cầu vào thời điểm này là cơ hội rất tốt để DN thủy sản thực hiện những kế hoạch phối hợp với người nuôi trồng thủy sản đầu tư vùng nguyên liệu. Thị trường xuất khẩu thủy sản năm nay dự báo sẽ khó khăn nên việc hỗ trợ mang tính lâu dài mới có thể kích thích được người dân quay trở lại đầu tư cho nuôi trồng thủy sản.
Ông NGUYỄN NGỌC BẢO (vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NH Nhà nước):
Không được từ chối bù lãi suất
Gói kích cầu bằng cách hỗ trợ LS 4%/năm bắt đầu triển khai từ tháng 2-2009 là biện pháp kỹ thuật nhằm vực dậy nền kinh tế sau tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Mục tiêu là giúp giảm chi phí đầu vào, từ đó hạ giá thành sản phẩm nhằm khơi thông đầu ra, giúp DN mạnh dạn vay vốn làm ăn, tạo công ăn việc làm cho xã hội nên cơ chế thực hiện rất linh hoạt, áp dụng với các tổ chức (DN, hợp tác xã, hộ gia đình...) và cá nhân có hợp đồng vay vốn lưu động để sản xuất kinh doanh, ký kết và giải ngân từ 1-2 đến 31-12.
Khách hàng thỏa điều kiện đề ra đều được xét bù LS theo nguyên tắc ngân hàng thương mại trừ 4% trên LS vay của khách hàng khi đến kỳ thu lãi, và Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn lại. Nếu khoản vay thuộc đối tượng được hỗ trợ LS, ngân hàng sẽ không được từ chối hỗ trợ, đồng thời các ngân hàng phải báo cáo định kỳ để Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, giám sát tình hình hỗ trợ LS. Trong tuần này sẽ có thông tư hướng dẫn chi tiết việc thực hiện bù LS đến khách hàng.
Được bù LS vay vốn là các khoản vay ngắn hạn ngân hàng bằng VND theo các hợp đồng tín dụng được ký kết và giải ngân trong thời gian từ 1-2 đến 31-12-2009 của các tổ chức (DN, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình...), cá nhân để làm vốn lưu động sản xuất - kinh doanh, được thống kê tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về chế độ báo cáo thống kê; trừ các khoản vay thuộc ngành, lĩnh vực: công nghiệp khai thác mỏ, hoạt động tài chính, ngành quản lý nhà nước và an ninh quốc phòng, Đảng, đoàn thể, bảo đảm xã hội bắt buộc, giáo dục và đào tạo, y tế và hoạt động cứu trợ xã hội, hoạt động văn hóa - thể thao, hoạt động liên quan đến kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn, hoạt động phục vụ cá nhân và công cộng, hoạt động dịch vụ tại hộ gia đình, hoạt động các tổ chức quốc tế, nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng, đầu tư và kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bất động sản dưới hình thức mua, bán quyền sử dụng đất.
(Theo quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ)
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
» Chính phủ ban hành Nghị định mới về phát triển và quản lý chợ (14/06/2024)
» Thủ tướng chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản (27/11/2023)
» Tỉnh Bình Định công bố đường dây nóng hỗ trợ giải đáp vướng mắc cho các doanh nghiệp (12/06/2023)
» Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập (17/10/2022)
» Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bình Định (22/09/2022)
» Thực hiện việc công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản Quý III/2022 trên địa bàn tỉnh (22/09/2022)
» Chỉ thị phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 (23/02/2022)
» UBND tỉnh ban hành quy định về việc thực hiện công khai, minh bạch các quy định, cơ chế, chính sách của tỉnh (11/01/2022)