20/10/2014
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1874/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2014.
Mục tiêu phát triển nhằm xây dựng vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung trở thành khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh và bền vững, là vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, là cửa ngõ ra biển quan trọng của các tỉnh vùng Tây Nguyên, khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây.
Mục tiêu cụ thể, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 8%/năm giai đoạn đến năm 2015 và khoảng 9%/năm giai đoạn 2016-2020. GDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt khoảng 80 triệu đồng tương đương 3.600 USD bằng khoảng 1,1-1,2 lần mức bình quân đầu người của cả nước. Quy mô GDP của vùng năm 2020 gấp khoảng 2,3 lần năm 2010. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu đạt bình quân khoảng 18%/năm đến năm 2015 và giai đoạn 2016-2020 giữ nhịp tăng trưởng của xuất khẩu trên mức 20%/năm, tốc độ đổi mới công nghệ đạt bình quân 20-25%/năm.
Định hướng đến năm 2030 vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung tiếp tục là khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh và bền vững, chất lượng tăng trưởng ngày càng cao, là vùng có cảnh quan môi trường tốt và là trung tâm dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân khoảng 9%. GDP bình quân đầu người vượt quá 10.000 USD/năm, gấp khoảng 2,5 lần so với năm 2020, tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm trên 50% trong cơ cấu GDP.
Về định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực tập trung nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế gắn với biển như cơ khí, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền. Phát triển công nghiệp hóa dầu trở thành một trong các trụ cột công nghiệp của Vùng và là một trong các trung tâm hóa dầu lớn của cả nước, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trong nội bộ Vùng. Từng bước phát triển ngành điện tử và công nghệ thông tin hiện đại để hỗ trợ cho các ngành công nghiệp khác phát triển, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, ngành dệt may, giầy da. Chú trọng phát triển công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, áp dụng công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, đổi mới mô hình và phương thức sản xuất nông nghiệp gắn với chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành, giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và thủy, hải sản, tạo điều kiện thuận lợi cả về cơ chế và nguồn vốn để phát triển kinh tế biển.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, dạy nghề nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho nhu cầu phát triển của Vùng, đặc biệt trú trọng đào tạo nguồn nhân lực về ngành kinh tế biển. Khai thác tối đa các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng hiện có, xây dựng các trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao cho cả Vùng tại thành phố Đà Nẵng, Quy Nhơn, Huế, xây dựng một số Trung tâm dạy nghề kỹ thuật cao nhằm đào tạo công nhân kỹ thuật cho các khu công nghiệp.
Về phát triển kết cấu hạ tầng, cần phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội làm động lực để phát triển kinh tế - xã hội cho cả Vùng và vùng Tây Nguyên. Kết hợp chặt chẽ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông với thủy lợi và đê biển, phát triển đồng bộ hạ tầng đô thị và điểm dân cư nông thôn.
Quyết định cũng đưa ra một số giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch. Cụ thể, về lĩnh vực ưu tiên phát triển, tập trung xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn vùng, đặc biệt hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối giữa Vùng với các tỉnh Tây nguyên, Lào, Campuchia, Đông Bắc Thái Lan; hoàn chỉnh hệ thống đường ven biển, đường cao tốc, cảng hàng không, cải tạo nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đảm bảo giao thông an toàn trong mùa mưa lũ. Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch, xây dựng cải tạo các công trình thủy lợi, thủy sản quan trọng phục vụ sản xuất, chủ động phòng chống và thích ứng với biến đổi khí hậu, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ. Phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp và các đô thị làm hạt nhân tăng trưởng thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương trong vùng, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn Vùng theo hướng đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế biển. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là hải sản nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị sản xuất.
Ngoài ra, Quyết định cũng nêu rõ các giải pháp về cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh và huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; giải pháp về nguồn nhân lực; về khoa học và công nghệ và giải pháp về tăng cường hợp tác phát triển.
NT (nguồn cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
» Chính phủ ban hành Nghị định mới về phát triển và quản lý chợ (14/06/2024)
» Thủ tướng chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản (27/11/2023)
» Tỉnh Bình Định công bố đường dây nóng hỗ trợ giải đáp vướng mắc cho các doanh nghiệp (12/06/2023)
» Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập (17/10/2022)
» Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bình Định (22/09/2022)
» Thực hiện việc công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản Quý III/2022 trên địa bàn tỉnh (22/09/2022)
» Chỉ thị phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 (23/02/2022)
» UBND tỉnh ban hành quy định về việc thực hiện công khai, minh bạch các quy định, cơ chế, chính sách của tỉnh (11/01/2022)