22/10/2012
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, sáng ngày 18/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức buổi họp lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư đối với việc tuân thủ các quy định pháp luật về cấp Giấy chứng nhận đầu tư, triển khai thực hiện các dự án có vốn đầu tư nước ngoài... Ảnh: Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày nội dung Dự thảo Thông tư.
Đại diện Cục đầu tư nước ngoài cho biết, mặc dù tình hình kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều biến động phức tạp, song hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn đạt được những kết quả khả quan trên các mặt: Vốn giải ngân, xuất khẩu, nộp ngân sách, tạo việc làm, góp phần cải thiện cán cân thanh toán và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đã có những bất cập trong thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài xảy ra như tình trạng cấp giấy chứng nhận, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của nhà đầu tư về tiến độ thực hiện dự án. Mặt khác, thiếu cơ sở pháp lý, sự yếu kém về cơ sở hạ tầng như điện, nước, nguồn lao động đã qua đào tạo, cán bộ quản lý, tiếp tục là những rào cản đối với hoạt động đầu tư nước ngoài.
Trước tình hình đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Thông tư quy định công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư đối với việc tuân thủ các quy định pháp luật về cấp Giấy chứng nhận đầu tư, triển khai thực hiện các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Thông tư nhằm nâng cao khung pháp lý đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giải quyết được những khó khăn, vướng mắc nội tại, tạo ra sự đột phá trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành liên quan, các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các Khu Kinh tế, Cửa khẩu… sau thời gian gửi Dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được hơn 200 ý kiến góp ý nhằm bổ sung và hoàn thiện Dự thảo.
Mục tiêu của Thông tư nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật về quản lý doanh nghiệp, dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài; Tăng cường hoạt động quản lý nhà nước trong việc thực hiện các quy định của pháp luật đầu tư đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài; Khen thưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư; Đảm bảo quá trình đầu tư của dự án được tuân thủ theo các quy định về quản lý đầu tư, qua đó nhằm đảm bảo mục tiêu và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án; Phát hiện điểm bất hợp lý, sai trái trong việc tổ chức thực hiện để kịp thời chấn chỉnh hoặc kiến nghị việc điều chỉnh pháp luật, chính sách về đầu tư trực tiếp nước ngoài và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Cấu trúc của Thông tư gồm 5 chương, 32 điều và kèm theo 02 phụ lục. Nội dung Thông tư tập trung vào công việc kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các đại biểu tham dự buổi họp đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thể hiện nội dung Thông tư một cách công phu, đầy đủ và chi tiết. Đại đa số các đại biểu đều đồng ý với thể thức và khung nội dung của Thông tư này.
Thông tư này quy định về công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư đối với việc tuân thủ các quy định pháp luật về cấp Giấy chứng nhận đầu tư, triển khai thực hiện các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Đối tượng áp dụng Thông tư là các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài gồm các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về đầu tư theo pháp luật đầu tư; Các Doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo dự thảo Thông tư, hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài phải tuân thủ nguyên tắc thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và trên cơ sở quy định pháp luật; Không chồng chéo, trùng lắp; Phát huy phối hợp trong kiểm tra, giám sát, đánh giá; Kịp thời, khách quan, chính xác và nghiêm minh; Dân chủ, công khai, không gây cản trở, ảnh hưởng xấu đến hoạt động bình thường của các cơ quan, doanh nghiệp, dự án được kiểm tra, giám sát, đánh giá.
Một số đại biểu cho rằng, Thông tư cơ bản đã hoàn thiện về mặt nội dung và cấu trúc. Tuy nhiên, một số nội dung nên được điều chỉnh bổ sung thêm để làm rõ nghĩa. Các nội dung được các đại biểu tham dự tham gia góp ý liên quan đến vấn đề làm rõ nội dung của Dự thảo Thông tư với Nghị định 113 về đánh giá và giám sát đầu tư, cụ thể hóa các khái niệm trong Thông tư và Nghị định 113 một cách phù hợp; Có nên bổ sung hoạt động thanh tra ở trong Thông tư hay không.
Nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận liên quan đến đánh giá dự án đầu tư nước ngoài. Đại diện của Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ngân hàng Nhà nước đều cho rằng cần xem xét có nên thể hiện rõ nội dung đánh giá dự án như các tiêu chí đánh giá dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài; Phân loại kết quả đánh giá dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài; Xử lý kết quả đánh giá dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo các đại biểu nên thể hiện lại nội dung liên quan đến những vấn đề này hoặc chưa cần thiết thể hiện vào Thông tư.
Về tổ chức kiểm tra, theo Thông tư, việc kiểm tra đối với mỗi doanh nghiệp, dự án không quá 03 ngày làm việc/đợt. Trong trường hợp nội dung kiểm tra phức tạp thì có thể kéo dài hơn nhưng không quá 05 ngày làm việc. Tuy nhiên, theo ý kiến một số đại biểu, về vấn đề này không cần ghi rõ, cụ thể là bao nhiêu ngày mà phải tùy thuộc vào quy mô của doanh nghiệp, dự án và khối lượng công việc phải tiến hành. Tránh tình trạng lãng phí thời gian đối với doanh nghiệp, dự án quy mô nhỏ và thiếu thời gian đối với các doanh nghiệp, dự án có quy mô lớn, khối lượng công việc nhiều.
Tổng kết buổi họp, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết, nội dung Thông tư có liên quan chặt chẽ tới hoạt động của các Bộ, ngành và địa phương trong quá trình cấp, quản lý sau cấp phép đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, việc tham gia góp ý của các đại biểu tham dự buổi họp là cơ sở để hoàn thiện khung nội dung Dự thảo Thông tư nhằm góp phần tăng cường cơ sở pháp lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư nước ngoài phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam; Nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư nước ngoài để đảm bảo chất lượng của hoạt động này.
Trương Chương (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
» Chính phủ ban hành Nghị định mới về phát triển và quản lý chợ (14/06/2024)
» Thủ tướng chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản (27/11/2023)
» Tỉnh Bình Định công bố đường dây nóng hỗ trợ giải đáp vướng mắc cho các doanh nghiệp (12/06/2023)
» Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập (17/10/2022)
» Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bình Định (22/09/2022)
» Thực hiện việc công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản Quý III/2022 trên địa bàn tỉnh (22/09/2022)
» Chỉ thị phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 (23/02/2022)
» UBND tỉnh ban hành quy định về việc thực hiện công khai, minh bạch các quy định, cơ chế, chính sách của tỉnh (11/01/2022)