12/06/2012
Một số nội dung khuyến khích doanh nghiệp được cụ thể hóa qua chính sách ưu đãi, hỗ trợ tại Nghị định để góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc thực tế hiện nay của Doanh nghiệp khi có dự án đầu tư vào nông nghiệp nông thôn như trình độ khoa học công nghệ, khả năng tham gia và tiếp cận thị trường…Các chính sách bổ sung trên được coi là “mạnh” hơn các chính sách khuyến khích đầu tư hiện hành theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 06/2011/TT-BKHĐT ngày 6/4/2011 hướng dẫn hồ sơ, trình tự, thủ tục xem xét, cấp “Giấy xác nhận ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”. Nội dung chính của Thông tư hướng dẫn bao gồm: xác định đối tượng được hưởng chính sách, các nội dung ưu đãi và mức ưu đãi, hỗ trợ mà doanh nghiệp được hưởng khi có dự án đầu tư vào nông nghiệp nông thôn đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định số 61/2010/NĐ-CP; cụ thể hóa các ưu đãi, hỗ trợ này tại “Giấy xác nhận ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn” do UBND cấp tỉnh, thành phố cấp; quy định hồ sơ (số bộ hồ sơ, nội dung hồ sơ), trình tự thủ tục xét cấp, mẫu “Giấy xác nhận ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn” để đảm bảo tính thống nhất, minh bạch và thuận tiện cho cả doanh nghiệp là đối tượng thụ hưởng chính sách cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước.
Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 84/2011/TT-BTC ngày 16/6/2011 hướng dẫn một số chính sách tài chính khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nội dung chính của Thông tư bao gồm: quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện các ưu đãi, hỗ trợ mà doanh nghiệp được hưởng khi có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền cấp “Giấy xác nhận ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”; quy định rõ nội dung, định mức hỗ trợ, hồ sơ phải nộp, thanh quyết toán đối với các khoản hỗ trợ (hỗ trợ tiền thuê đất, thuê mặt nước của hộ gia đình, hỗ trợ tư vấn, hỗ trợ áp dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ xúc tiến thị trường, cước phí vận tải…); hướng dẫn thực hiện việc hưởng ưu đãi (miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, miễn giảm tiền thuế sử dụng đất…) theo hướng dẫn chiếu các quy định hiện hành liên quan.
* Tình hình thực hiện cấp các ưu đãi, hỗ trợ theo chính sách của Nghị định số 61/2010/NĐ-CP
Qua tổng hợp số liệu chưa đầy đủ của các cơ quan gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư (hiện mới nhận được 40 tỉnh, thành phố về việc triển khai, thực hiện Nghị định số 61/2010/NĐ-CP) cho thấy:
a) Về số tỉnh và số dự án : Hiện mới chỉ có 10/63 tỉnh thành triển khai thực hiện cấp “Giấy xác nhận ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn” cho 42 dự án của 42 doanh nghiệp trên tổng số khoảng 25.760 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ; trong đó tỉnh cấp nhiều nhất là Lai Châu (10 dự án), Thanh Hóa (06 dự án). Phần lớn các địa phương chưa cấp “Giấy xác nhận ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn” cũng như thực hiện các chính sách khuyến khích như quy định tại Nghị định số 61/2010/NĐ-CP.
b) Về Nội dung cấp và thực hiện ưu đãi : Việc thực hiện các khoản ưu đãi, hỗ trợ: chủ yếu là thực hiện miễn giảm tiền thuế đất, thuê đất, thuê mặt nước;
- Kinh phí phê duyệt cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn năm 2010 là 10,3 tỷ đồng, năm 2011 là 46,5 tỷ đồng.
- Kinh phí đã hỗ trợ năm 2010: ưu đãi về đất đai là 3.89 tỷ đồng, về hỗ trợ đầu tư là 4,28 tỷ, vừa ưu đãi về đất đai vừa hỗ trợ đầu tư là 1,4 tỷ đồng.
- Kinh phí đã hỗ trợ năm 2011: ưu đãi về đất đai là 4,44 tỷ đồng, về hỗ trợ đầu tư là 29,47 tỷ, vừa ưu đãi về đất đai vừa hỗ trợ đầu tư là 7,11 tỷ đồng.
Như vậy ác khoản hỗ trợ mang tính chất trực tiếp từ Ngân sách Nhà nước hầu hết chưa được thực hiện, chủ yếu lồng ghép từ các Chương trình, dự án của Nhà nước đang triển khai trên địa bàn như Đề án đào tạo 1 triệu lao động nông thôn đến 2020 (theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia, Chương trình khuyến công.
* Đánh giá chung
Nghị định số 61/2010/NĐ-CP nhằm cụ thể hóa Chương trình hành động của Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và được ban hành với mục tiêu tạo đột phá trong việc thu hút các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp nông thôn nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần thức đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn theo. Các chính sách khuyến khích được thiết kế theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những khó khăn vướng mắc khi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như: chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học công nghệ, khả năng tham gia và tiếp cận thị trường. Các chính sách bổ sung trên được coi là “mạnh” hơn các chính sách khuyến khích đầu tư hiện hành theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Tuy nhiên qua rà soát tình hình triển khai Nghị định tại các địa phương có thể thấy Nghị định chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa thể hiện vai trò được kỳ vọng là đột phá thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Cụ thể :
a) Triển khai thực hiện Nghị định 61/2010/NĐ-CP chưa đạt được mục tiêu như thiết kế, hiện mới chỉ có 10/63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương tiến hành cấp Giấy xác nhận ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung cho doanh nghiệp, với tổng số doanh nghiệp được cấp Giấy xác nhận ưu đãi bổ sung là 42/25.760 doanh nghiệp. Lai Châu đã cấp 10 doanh nghiệp, Thanh Hóa đã cấp cho 6 doanh nghiệp, Phú Yên đã cấp 5 doanh nghiệp, Hà Nội đã cấp cho 3 doanh nghiệp…. Tỉnh Phú Yên đã hỗ trợ 250 triệu đồng, Nghệ An đã thực hiện hỗ trợ được khoảng 2,5 tỷ đồng, Thanh Hóa đã bố trí Ngân sách tỉnh 5 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp.
b) Việc thực hiện các khoản ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp đang ở mức rất hạn chế, chỉ chủ yếu là thực hiện các ưu đãi (miễn giảm thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước), các khoản hỗ trợ trực tiếp từ Ngân sách hầu như chưa được thực hiện, nếu có cũng chỉ là nguồn vốn lồng ghép, huy động từ các Chương trình khác.
c) Qua khảo sát, các doanh nghiệp chưa hào hứng với chính sách đã ban hành do mức hỗ trợ từ ngân sách và các chính sách về thuế, thuê đất, hỗ trợ đào tạo, công nghệ, tư vấn… chưa đủ hấp dẫn để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là các vùng khó khăn gần như không thu hút được doanh nghiệp.
* Nguyên nhân tồn tại
a) Suy thoái kinh tế ở phạm vi thế giới, nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn (tốc độ tăng trưởng chậm lại, chỉ số CPI tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, cắt giảm chi tiêu công...) ảnh hưởng không nhỏ tới bộ phận doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng tác động của Nghị định.
+ Nghị định 61/2010/NĐ-CP được ban hành đúng vào thời điểm kinh tế thế giới suy thoái (năm 2011 kinh tế Mỹ tăng 1,8%; châu Âu tăng 1,6%; Nhật bản -0,9%; Trung quốc 9,2%: Ấn độ 7,4%), đà phục hồi kinh tế của nhiều nước chậm lại, lạm phát vẫn tăng, rủi ro cao, khủng khoảng nợ công châu âu, sự trì trệ của nền kinh tế Mỹ, thảm họa sóng thần ở Nhật bản, tràn dầu ở Mỹ, chiến tranh ở châu Phi, Trung Đông, bất ổn ở bán đảo Triều tiên làm kinh tế thế giới chững lại, kinh tế châu á cũng tăng chậm điều này kéo theo nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các nước giảm đi, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp.
+ Kinh tế Việt nam cũng gặp nhiều khó khăn năm 2011 tăng trưởng chỉ đạt 5,89% so với 6,45% năm 2010; Chính phủ phải thắt chặt giảm chi tiêu…( Nghị Quyết 11…), làm tăng trưởng kinh tế chậm lại. Doanh nghiệp phải vay vốn với giá cao (nhiều lúc lên đến 22%/ năm), cho đến nay giá vốn vẫn còn ở mức cao (15-18%/năm) do vậy đã cản trở dòng vốn đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Mặt khác đất nước ta cũng không có nhiều cánh đồng lớn như các nước khác về sản xuất nông nghiệp, ngoại trừ đồng bằng sông Cửu Long dùng để sản xuất lúa là chính. Đất nước ta hẹp, đồi núi nhiều, độ phì nhiều của đất đai bị xói mòn, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên đầu tư vào nông nghiệp là tương đối nhiều rủi ro dẫn đến doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này.
b) Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nêu trong Nghị định thực sự vẫn chưa đủ mạnh để hấp dẫn, lôi kéo các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vốn là các lĩnh vực và địa bàn có nhiều rủi ro, lợi nhuận thấp.
c) Chưa quy định hỗ trợ cho sản phẩm lợi thế, những sản phẩm ở vùng sâu vùng xa có thể phát triển để tạo việc làm và thu nhập cho người dân ở đây.
d) Thiếu chính sách khuyến khích về khoa học, công nghệ cho doanh nghiệp phát huy tính sáng tạo, chủ động trong cải tiến khoa học công nghệ.
đ) Thiếu nội dung hỗ trợ an sinh xã hội cho nông dân khi chuyển đổi sang công nhân công nghiệp sẽ tạo ra nhiều vấn đề tệ nạn xã hội.
e) Một số nội dung hỗ trợ (vận tải, tư vấn, phát triển thị trường…) đôi khi còn chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, chưa giải quyết đúng các vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải khi đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Các ưu đãi đầu tư hầu hết đã có chính sách và được ban hành ở các văn bản pháp quy khác, hiện vẫn đang được triển khai áp dụng; thiếu chính sách khuyến khích về an sinh xã hội cho nông nghiệp nông thôn; chưa quy định hỗ trợ cho sản phẩm lợi thế, những sản phẩm ở vùng sâu vùng xa có thể phát triển để tạo việc làm và thu nhập cho người dân.
g) Thiết kế của Nghị định còn phức tạp, ngay trong các khoản hỗ trợ cũng chia nhỏ như hỗ trợ tư vấn, đào tạo nghề, nghiên cứu khoa học, quảng cáo tiếp thị, hỗ trợ cước phí vận tải…). Các khoản hỗ trợ này rất khó tính toán, các doanh nghiệp không thể tiên lượng được khoản hỗ trợ của Nhà nước và như vậy cũng gây khó khăn cho các cơ quan quản lý.
h) Hướng dẫn của các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cũng chưa thực sự tạo điều kiện cho doanh nghiệp ví dụ những hỗ trợ rất nhỏ (tư vấn, đào tạo…) vẫn phải cấp giấy chứng nhận ưu đãi không cần thiết. Hoặc quy trình nhận được ưu đãi, hỗ trợ của ngân sách nhà nước theo quy định tại Thông tư 84/2011/TT-BTC ngày 16/6/2011 là rất chặt chẽ từ khâu chuẩn bị hồ sơ, đề nghị hỗ trợ, xét duyệt hỗ trợ và ngân sách hỗ trợ rất chặt chẽ, khó thực hiện do vậy đã cản trở quá trình thực hiện.
i) Cơ chế tài chính quy định còn chưa rõ, chưa rành mạch, chưa quy định nguồn cụ thể để đầu tư. Thủ tục để nhận các khoản hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước còn rườm rà và phức tạp. Nhiều khoản hỗ trợ rất nhỏ (100 triệu đồng) nhưng thủ tục còn rườm rà (Giấy chứng nhận ưu đãi, kế hoạch xét duyệt, kiểm soát giải ngân….) điều này đã làm nản chí doanh nghiệp.
k) Các địa phương cơ bản khó khăn về vốn đầu tư nên chưa dành nguồn vốn hỗ trợ riêng để thực hiện nên các chính sách tuy đã được ban hành nhưng khó được triển khai trong thực tế.
l) Việc tuyền truyền, phổ biến chính sách về Nghị định còn ít và chưa được thực hiện bài bản nhiều doanh nghiệp và tổ chức chưa nắm được thông tin về Nghị định.
m) Cơ chế tài chính quy định còn chưa rõ, chưa rành mạch, chưa quy định nguồn cụ thể để đầu tư.
n) Không quy định rõ về tổ chức triển khai Nghị định cho các bộ ngành và địa phương dẫn đến lúng túng trong việc triển khai thực hiện; hướng dẫn thực hiện Nghị định ban hành chưa đồng bộ trùng lắp ở một số nội dung; công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách chưa được thực hiện một cách rộng rãi và kịp thời, nhiều doanh nghiệp chưa nắm được các chính sách của Nhà nước.
* Sự cần thiết sửa đổi bổ sung Nghị định
a) Về cơ sở pháp lý: Tại Nghị quyết số 06/NQ-CP của Chính phủ ngày 7/3/2012 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và đại phương liên quan đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 61/2010/NĐ-CP và kiến nghị những sửa đổi, bổ sung cần thiết.
b) Về cơ sở thực tiễn: Qua kết quả đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 61/2010/NĐ-CP nêu trên cho thấy Nghị định chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa đáp ứng được mục tiêu đặt ra khi ban hành Nghị định là tạo đột phá thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn mà một trong những nguyên nhân làm cho Nghị định chưa thực sự đi vào cuộc sống là thiết kế của Nghị định còn một số điểm chưa hợp lý như đã phân tích cụ thể ở phần trên.
Từ những phân tích nêu trên cho thấy để có thể thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn cần phải sửa đổi, bổ sung các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn và trình tự thủ tục thực hiện các chính sách này đã được quy định tại Nghị định số 61/2010/N Đ-CP cho phù hợp với thực tế và đáp ứng mục tiêu ban hành Nghị định.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
NB
» Chính phủ ban hành Nghị định mới về phát triển và quản lý chợ (14/06/2024)
» Thủ tướng chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản (27/11/2023)
» Tỉnh Bình Định công bố đường dây nóng hỗ trợ giải đáp vướng mắc cho các doanh nghiệp (12/06/2023)
» Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập (17/10/2022)
» Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bình Định (22/09/2022)
» Thực hiện việc công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản Quý III/2022 trên địa bàn tỉnh (22/09/2022)
» Chỉ thị phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 (23/02/2022)
» UBND tỉnh ban hành quy định về việc thực hiện công khai, minh bạch các quy định, cơ chế, chính sách của tỉnh (11/01/2022)