17/02/2012
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, khu công nghiệp, khu chế xuất là mô hình mang tính đột phá trong thu hút đầu tư, tăng trưởng công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Những thành tựu nổi bật và quan trọng nhất mà khu công nghiệp, khu chế xuất đã mang lại cho nền kinh tế xã hội Việt
Khu công nghiệp, khu chế xuất được hình thành và phát triển gắn liền với công cuộc đổi mới, mở cửa nền kinh tế đất nước, xuất phát từ chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ trong việc xây dựng một mô hình mang tính đột phá trong thu hút đầu tư, tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Qua 20 năm xây dựng và phát triển, thành tựu của các khu công nghiệp, khu chế xuất đã được minh chứng sống động bằng những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, thể hiện trên các mặt kinh tế, môi trường và xã hội như:
Khu công nghiệp, khu chế xuất đã huy động được lượng vốn đầu tư lớn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước phục vụ sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hàng năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu công nghiệp, khu chế xuất chiếm từ 35-40% tổng vốn đăng ký tăng thêm của cả nước; riêng lĩnh vực công nghiệp chiếm gần 80%. khu công nghiệp, khu chế xuất cũng đã tạo ra một hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, có giá trị lâu dài, góp phần hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng trên cả nước.
Đặc biệt, khu công nghiệp, khu chế xuất có đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng ngành sản xuất công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương và cả nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Các khu công nghiệp đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp 2 triệu USD/ha; giá trị xuất khẩu 1,27 triệu USD/ha; nộp ngân sách khoảng 1,38 tỷ đồng/ha; tốc độ gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đều cao hơn tốc độ của cả nước.
Việc phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao thu nhập, đời sống và trình độ của người lao động; góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường sinh thái.
Đến hết năm 2011, các khu công nghiệp, khu chế xuất đã giải quyết việc làm cho hơn 1,7 triệu lao động, trung bình 77 lao động/ha đất công nghiệp; 65% tổng số khu công nghiệp đã vận hành có nhà máy xử lý nước thải tập trung.
- Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất cũng không tránh khỏi một số hạn chế. Bộ trưởng đánh giá nguyên nhân cơ bản của những hạn chế này và định hướng phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất trong thời gian tới
Phải thừa nhận rằng, trong quá trình phát triển, bên cạnh những đóng góp tích cực, khu công nghiệp, khu chế xuất cũng gặp phải không ít những khó khăn, hạn chế, vướng mắc về chất lượng quy hoạch, chất lượng đầu tư, hiệu quả sử dụng đất, huy động nguồn lực đầu tư phát triển. Bên cạnh đó là vấn đề ô nhiễm môi trường; thu nhập, đời sống, nhà ở của người lao động...
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những hạn chế này, trong đó một nguyên nhân quan trọng là cơ chế, chính sách về khu công nghiệp, khu chế xuất tuy đã tương đối hoàn thiện song vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất, đồng bộ. Việc phân công trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước chưa rõ ràng; quyền lợi, trách nhiệm chưa gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát, chế tài khuyến khích và xử phạt thực sự chặt chẽ.
Định hướng phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất đã được đề cập trong các Nghị quyết của Đảng thời gian gần đây. Chủ trương phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất bền vững và theo chiều sâu được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng XI năm 2011: “Bố trí hợp lý công nghiệp trên các vùng; phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp hiện có và đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hình thức cụm, nhóm sản phẩm, tạo thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao.”
Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI cũng đưa ra 10 định hướng lớn xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, trong đó có định hướng phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế.
Nghị quyết chỉ rõ: “Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế. Không lấy đất lúa để xây dựng các khu công nghiệp mới. Đến năm 2015, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở và các hạ tầng xã hội thiết yếu như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, cơ sở khám chữa bệnh... cho lao động các khu công nghiệp. Đến năm 2020, hoàn chỉnh các công trình kết cấu hạ tầng trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, đặc biệt là các công trình hạ tầng xã hội và xử lý nước thải, rác thải.”
Quán triệt những chủ trương này, trong giai đoạn tới, một số định hướng, giải pháp sẽ được thực hiện đồng bộ, tích cực, trong đó có việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất; phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất theo quy hoạch, có phân kỳ hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức rà soát, đánh giá toàn diện tình hình thực hiện quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất để báo cáo Thủ tướng Chính phủ các biện pháp điều chỉnh kịp thời; xử lý dứt điểm những dự án chậm triển khai hoặc kém hiệu quả.
Bên cạnh đó, đồng bộ hóa và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; xây dựng hạ tầng kỹ thuật gắn với các công trình tiện ích công cộng; chú trọng công tác tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi. Tới đây, các ngành có công nghệ tiên tiến, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường sẽ được tập trung thu hút; phát triển lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, tăng cường tính liên kết ngành trong khu công nghiệp, khu chế xuất để nâng cao tính cạnh tranh và đóng góp của khu công nghiệp, khu chế xuất vào phát triển kinh tế vùng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, xây dựng các khu công nghiệp liên kết ngành, khu công nghiệp chuyên dành cho các đối tác đầu tư lớn của Việt Nam gắn với cơ chế, chính sách riêng để nâng cao giá trị kinh tế của các khu công nghiệp.
Cùng với các giải pháp trên, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước Trung ương và địa phương; hoàn thiện cơ chế phân cấp, ủy quyền và bộ máy quản lý Nhà nước khu công nghiệp, khu chế xuất từ Trung ương tới địa phương. Các quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất còn chưa đầy đủ, thống nhất sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, điều chỉnh và xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 29/2008/NĐ-CP trình Chính phủ ban hành trong năm 2012.
- Cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, trong đó có đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất được phản ánh là thay đổi quá nhanh, chưa hợp lý, chưa thực sự hấp dẫn. Theo Bộ trưởng, biện pháp để tháo gỡ bất cập này nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn, có uy tín trên thế giới đang có ý định đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam
Trong hệ thống các chính sách đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất là một trong những nội dung quan trọng, là yếu tố thúc đẩy, nhất là đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt
Về cơ bản, trong 20 năm vừa qua, chính sách ưu đãi đã thực hiện tốt vai trò trong việc khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư tập trung vào khu công nghiệp, khu chế xuất. Luật Đầu tư năm 2005 và Nghị định hướng dẫn thi hành tiếp tục quy định các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất được áp dụng ưu đãi như đối với địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tiền thuê đất.
Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, theo pháp luật chuyên ngành về thuế, khu công nghiệp, khu chế xuất không còn là địa bàn được hưởng ưu đãi các loại thuế này. Vấn đề này đã được nhiều địa phương, doanh nghiệp phản ánh và trong bối cảnh giá cả thị trường nói chung và giá đất khu công nghiệp nói riêng gia tăng, việc xóa bỏ nhiều ưu đãi đầu tư đối với khu công nghiệp, khu chế xuất có ảnh hưởng nhất định tới các nhà đầu tư.
Trong dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành có liên quan tổ chức nghiên cứu rà soát, đánh giá cụ thể tác động của chính sách ưu đãi hiện hành đối với đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất; trên cơ sở đó, đề xuất điều chỉnh cho phù hợp theo quan điểm bảo đảm lợi ích hài hòa giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Những thay đổi lớn về chính sách cần phải được tiến hành theo lộ trình, tránh sự thay đổi một cách đột ngột./
Trương Chương (Nguồn: TTXVN/Vietnam+)
» Mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại và đầu tư Australia 2024 (30/09/2024)
» Tổ chức vui Tết Trung thu cho các cháu tại thôn 5, xã An Nghĩa (18/09/2024)
» Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời tại Quy Nhơn - Q.FAIR 2025 (13/09/2024)
» Mời tham gia Đoàn giao dịch xúc tiến thương mại tại Pháp, Bỉ và Hà Lan (29/08/2024)
» Ngày hội Du lịch thị xã Hoài Nhơn “La Vuông - Cao nguyên xanh vẫy gọi” (26/08/2024)
» Huyện Vĩnh Thạnh tổ chức Hội nghị công bố Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2035 (06/08/2024)
» Bình Định tổ chức Lễ hội tinh hoa đất biển năm 2024 (01/07/2024)
» Cục Xúc tiến thương mại tổ chức Đoàn giao dịch thương mại tại Nam Phi (14/06/2024)
» Cảnh báo hiện tượng mạo danh cán bộ đăng ký kinh doanh để lừa đảo người dân, doanh nghiệp (10/06/2024)
» Bình Định tổ chức chương trình Khai mạc du lịch hè năm 2024 (22/05/2024)