09/02/2022
Nhằm chuẩn bị chu đáo các điều kiện phục vụ Nhân dân đón năm mới và Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm theo tinh thần Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 08/12/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 35/CTTTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 22/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị, doanh nghiệp liên quan tập trung tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và biện pháp cụ thể, đảm bảo cho Nhân dân đón Tết cổ truyền vui tươi, an toàn, tiết kiệm gắn với an toàn phòng, chống dịch Covid-19; tạo sự phấn khởi và động viên quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 ngay từ những tháng đầu năm.
Người dân vui xuân đón tết Nguyên đán Nhâm Dần tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (Ảnh: Thanh niên)
Một số công tác chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Nhâm Dần
Nhằm đảm bảo
cung cầu hàng hóa, bình ổn giá cả thị trường, nhất là một số mặt hàng thiết yếu
trong dịp trước, trong và sau Tết, UBND tỉnh đã phê duyệt Phương án dự trữ hàng
hóa và bình ổn giá cả một số mặt hàng thiết yếu, như: Gạo; các sản phẩm chế biến
từ thịt, trứng, rau, củ, quả, dầu ăn, nước chấm, đường, mứt, các loại hạt, bánh
kẹo, nước giải khát… Theo thống kê sơ bộ, lượng hàng hóa tiêu dùng phục vụ
trong dịp Tết năm nay có tổng trị giá khoảng 2.646 tỷ đồng, tăng 5% (khoảng 126
tỷ đồng) so với Tết năm trước, trong đó chủ yếu là hàng hóa sản xuất trong nước.
UBND các huyện,
thị xã, thành phố và các ngành chức năng tỉnh cũng đã chủ động phối hợp triển
khai các biện pháp đảm bảo ổn định lượng cung ứng hàng hóa và giá cả thị trường
trong dịp Tết. Chỉ đạo các Ban Quản lý chợ vận động, khuyến khích các hộ tiểu
thương bổ sung thêm nguồn hàng kinh doanh. Tổ chức nhiều điểm bán hoa tươi, cây
cảnh, tranh ảnh nghệ thuật, hàng thủ công mỹ nghệ… vào những ngày trước Tết,
góp phần bổ sung sắc Xuân và thu hút đông đảo người xem, mua sắm. Đồng thời, đã
tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là tại các điểm mua
bán, tập kết hàng hóa (kho, bãi…) nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng
hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm lưu
thông trên thị trường; thực hiện khá nghiêm túc công tác tuyên truyền, hướng dẫn
các cơ sở kinh doanh chú ý tăng cường phòng chống cháy, nổ cũng như việc niêm yết
giá và bán hàng theo giá niêm yết. Ngoài ra, để góp phần kích cầu tiêu dùng và
đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, từ đầu tháng 01/2022, nhiều trung tâm
thương mại, hệ thống phân phối, đại lý bán hàng, đặc biệt là các Siêu thị Co.op
Quy Nhơn, An Nhơn, Big C Quy Nhơn, và VinMart Quy Nhơn đã tổ
chức nhiều chương trình bán hàng khuyến mại, giảm giá khá phong phú, trong đó
có mặt hàng giảm từ 5 - 50% so với giá niêm yết, cùng với các chương trình như
tặng hàng hóa, phiếu mua hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền,… đã góp phần đẩy
mạnh lượng hàng hóa tiêu thụ và sức mua trên thị trường, do đó không xảy ra
tình trạng khan hiếm hàng hóa cục bộ ở các địa phương.
Nhờ chủ động
trong công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, nhiều trung tâm thương mại, siêu
thị, cửa hàng tư nhân... đã chủ động mở cửa, tăng số lượng quầy giao dịch và thời
gian bán hàng, nên tình hình lưu thông hàng hóa trên thị trường trong những
ngày giáp Tết đảm bảo thông suốt, nguồn cung ứng hàng hóa dồi dào, phong phú về
chủng loại, đa dạng về mẫu mã và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Các sản
phẩm hàng hóa tiêu thụ mạnh trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần gồm: Thực phẩm
tươi sống, bánh kẹo, mứt, rượu, bia, nước giải khát và các mặt hàng tiêu dùng
khác sản xuất trong nước. Công tác phục vụ hàng hóa thiết yếu cho đồng bào miền
núi đã được UBND các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão và huyện Hoài Ân quan
tâm chỉ đạo xây dựng kế hoạch khá chu đáo, chuẩn bị đầy đủ lượng hàng hóa dự trữ
để triển khai thực hiện theo phương án bình ổn được UBND tỉnh phê duyệt. Các
đơn vị được giao bán hàng bình ổn giá đã tổ chức các điểm bán hàng cố định, lưu
động phục vụ tốt nhu cầu mua sắm Tết của đồng bào miền núi.
Song song với
công tác chỉ đạo chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ Tết, UBND tỉnh đã ban hành Kế
hoạch triển khai đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ
chức phân công, bố trí cán bộ, kiểm soát viên theo dõi tình hình thị trường,
giá cả hàng hóa và hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm phát hiện,
ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm vận chuyển, sản xuất, kinh doanh hàng
giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, không đảm bảo chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm…
Kết quả kiểm tra, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã phát hiện,
xử lý 122 vụ vi phạm. Hành vi vi phạm: 14 vụ buôn bán hàng cấm, hàng trái phép;
107 vụ gian lận thương mại; 01 vụ hàng giả. Thu, nộp ngân sách Nhà nước hơn 01
tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn các đơn vị, cửa hàng, hộ
kinh doanh đảm bảo nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vệ sinh
an toàn thực phẩm, niêm yết giá,...
Từ ngày 23 đến
ngày 29 tháng Chạp (ngày 25 - 31/01/2022), do nhu cầu mua sắm phục vụ Tết của
người dân tăng nên thị trường hàng hoá khá sôi động, giá cả một số mặt hàng thiết
yếu, nhất là bánh kẹo, nước giải khát có tăng so với ngày thường nhưng mức tăng
không lớn. Trong đó, nhóm hàng thực phẩm và đồ uống có mức giá tăng cao nhất khoảng
10%; nhóm hàng thực phẩm tươi sống, hoa tươi có mức tăng khoảng 5%; nhóm hàng
rau, củ, quả các loại do thời tiết thuận lợi nên nguồn cung ứng khá dồi dào,
giá cả tương đối ổn định;... Để giảm bớt áp lực về nhu cầu mua sắm hàng hóa
trong những ngày cận Tết, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi
phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã kéo dài thời gian mở cửa bán hàng phục
vụ người dân đến trưa ngày 29 tháng Chạp; các chợ truyền thống hoạt động mua,
bán tấp nập đến chiều ngày 29 tháng Chạp; trong
Tết, một số chợ trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại kể từ sáng mùng 01 Tết
(ngày 01/02/2022), các mặt hàng hoa tươi, rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống khá
dồi dào; giá cả các mặt hàng như thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, rau quả...
vẫn còn ở mức cao hơn so với ngày thường.
Trong tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí trong dịp
Tết: Ngành Văn hóa và Thể thao đã tập trung thực hiện trang trí, cổ động
trực quan trên các tuyến đường chính tại thành phố Quy Nhơn và các thị xã, thị
trấn trong tỉnh với nhiều màu sắc phong phú; tổ chức trưng bày linh vật Xuân
Nhâm Dần tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn), tuyến đường hoa mai tại
“thủ phủ mai vàng” của cả nước (Nhơn An, TX An Nhơn) góp phần tạo điểm nhấn nổi
bật phục vụ khách tham quan du lịch trong dịp Tết. Tổ chức tuyên truyền trực
quan Lễ kỷ niệm 233 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa; kỷ niệm 92 năm Ngày
thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Văn học nghệ
thuật và Hội Nhà báo tỉnh phối hợp tổ chức triển lãm Báo xuân Nhâm Dần - 2022 tại
Thư viện tỉnh. Các địa phương trong tỉnh đã chỉ đạo tổ chức các hoạt động phục
vụ Nhân dân vui Xuân đón Tết đầy ý nghĩa như: Dựng cây nêu, tổ chức tuyến đường
hoa đón Tết cổ truyền,… Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 diễn biến
phức tạp, phần lớn các hoạt động lễ hội, văn hóa, văn nghệ - thể dục thể thao
trên địa bàn tỉnh phải tạm dừng tổ chức theo Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày
31/12/2021 của UBND tỉnh.
Tỉnh ủy -
HĐND - UBND - UBMTTQ VN tỉnh đã tổ chức trọng thể viếng Nghĩa trang liệt sỹ
thành phố Quy Nhơn; dâng hoa, dâng hương nhân kỷ niệm 233 năm Chiến thắng Ngọc
Hồi - Đống Đa; thăm một số khu di tích lịch sử và dâng hoa, dâng hương tại các
nhà lưu niệm Chi bộ Đảng; tổ chức Lễ gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 92
năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đối với 2 công trình: Đường ven biển
(đoạn Cát Tiến - Đề Gi) và Đường vào Cảng hàng không Phù Cát; các địa phương
cũng đã tổ chức dâng hoa, dâng hương tại các di tích văn hóa, lịch
sử… theo nghi lễ truyền thống gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch
Covid-19 và tiết kiệm.
Đối với hoạt
động du lịch: Các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đã chuẩn bị
chu đáo phương tiện vận chuyển, tiện nghi cơ sở vật chất, nguồn lực phục vụ du
khách; tăng cường các tour và các chương trình, dịch vụ mới; nhiều đơn vị,
doanh nghiệp đã chủ động giảm giá dịch vụ từ 10% đến 20% để thu hút du khách;…
góp phần “kích cầu” du lịch Bình Định trong dịp Tết. Hầu hết các khách sạn từ 3
- 5 sao công suất phòng đạt 80 - 90%, riêng tại các Khách sạn: FLC Quy Nhơn,
Fluer De Lys, Mường thanh, công suất phòng đạt 100%. Từ ngày 31/01 - 06/02/2022
(nhằm ngày 29 tháng Chạp đến mùng 6 tháng Giêng) đã có 165 chuyến bay từ Thành
phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đến Bình Định, tăng 60 chuyến bay so với Tết năm
2021. Tổng lượng khách du lịch đến tỉnh đạt khoảng 155,7 nghìn lượt khách, tăng 40%; trong đó, chủ yếu là khách đến tham quan tại
các điểm du lịch (Hầm Hô, Eo Gió, Kỳ Co, Cửa Biển, Ghềnh Ráng, Khu di tích Nguyễn
Sinh Sắc và Đài Kính Thiên), với khoảng 141,6 nghìn lượt khách, tăng 40%. Tổng
doanh thu du lịch ước đạt 117,4 tỷ, tăng 35% so với Tết năm 2021.
Đối với sản xuất nông nghiệp: Tình hình thời tiết trong dịp Tết có nhiều
thuận lợi nên phần lớn diện tích lúa vụ Đông Xuân 2021 - 2022 đã gieo sạ sinh
trưởng tốt, không phát sinh bệnh dịch gây hại cây trồng. Hầu hết bà con nông
dân các địa phương sau Tết đều ra đồng tham gia sản xuất với quyết tâm giành thắng
lợi vụ sản xuất Đông Xuân. Tình hình dịch bệnh gia súc gia, gia cầm trên địa
bàn tỉnh, nhất là bệnh dịch tả heo châu Phi được kiểm soát chặt chẽ nên không
phát sinh. Công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng tại
các khu vực trọng điểm, xung yếu trên địa bàn tỉnh trước, trong và sau Tết được
duy trì thường xuyên. Trong dịp Tết, toàn tỉnh có khoảng 2.500 tàu cá/14.000
lao động tham gia khai thác hải sản, trong đó tàu đánh bắt cá ngừ đại dương chiếm
số lượng 863 tàu. Sản lượng khai thác thủy sản trong dịp Tết đạt khoảng 1.700 tấn,
tăng 13% so với cùng kỳ.
Đối với sản xuất công nghiệp: Trong dịp Tết Nguyên đán, hầu hết các doanh
nghiệp đã giải quyết cho người lao động nghỉ Tết từ ngày 31/01/2022 (ngày 29
tháng Chạp); sau Tết, phần lớn các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động sản xuất từ
ngày 07/02/2022 (mùng 7 tháng Giêng).
Đến nay, các
doanh nghiệp đã chi trả xong tiền lương tháng 12/2021 theo quy định và một số
doanh nghiệp cho giải quyết hoặc ứng trước tiền lương tháng 01/2022. Các doanh
nghiệp đã chuẩn bị chu đáo tiền lương, tiền thưởng và quà Tết cho người lao động
trước khi nghỉ Tết; tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh
do tác động của dịch bệnh Covid-19 nên việc chi thưởng và quà Tết cho người lao
động năm nay giảm khoảng 11% so với Tết năm trước. Đa số các doanh nghiệp đều
có mức thưởng Tết trung bình là 01 tháng lương (bình quân hơn 5,6 triệu đồng/người);
một số doanh nghiệp có mức thưởng bình quân cho người lao động tương đối cao
như Công ty TNHH MTV Con Cò Bình Định 20 triệu đồng, Công ty TNHH ANT (MV) 15
triệu đồng, Công ty TNHH MTV Hoa Sen Bình Định và Công ty CP Thủy điện Vĩnh
Sơn-Sông Hinh 10 triệu đồng,...
Ngoài ra, một
số doanh nghiệp có mức thưởng cao cho cá nhân như Công ty TNHH Một Thành Viên
Con Cò Bình Định 197 triệu đồng, Công ty TNHH ANT 100 triệu đồng, Công ty TNHH
MTV Hoa Sen Bình Định 80 triệu đồng, Công ty TNHH Marubenilumber Việt Nam 58,5
triệu đồng;...
Việc cung cấp
điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong dịp Tết được đảm bảo, Công ty Điện lực
Bình Định và các đơn vị quản lý, kinh doanh điện trên địa bàn tỉnh đã tăng cường
kiểm tra, gia cố, bảo dưỡng an toàn hệ thống lưới điện và các thiết bị điện, nhằm
nâng cao chất lượng, đảm bảo công suất cung cấp điện liên tục, ổn định phục vụ
các hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán.
Các doanh
nghiệp trong thời gian nghỉ Tết đều có phân công người trực và quan tâm chú trọng
công tác phòng chống cháy, nổ, sắp xếp gọn gàng vật tư, thiết bị... nên không xảy
ra sự cố gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Một số nhiệm vụ trọng tâm sau Tết Nguyên đán
1. Tiếp tục
triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết
số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định “Thích ứng an toàn, linh hoạt,
kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh
giác; đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người dân theo hướng
dẫn của Bộ Y tế; chuẩn bị chu đáo các điều kiện y tế để ứng phó hiệu quả với
các biến chủng mới của virus corona, đặc biệt là biến chủng Omicron. Tập trung
xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển
kinh tế - xã hội theo chủ trương, chính sách chung của Trung ương. Đẩy nhanh tiến
độ lập Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo
chất lượng và khả thi.
2. Chỉ đạo sản
xuất nông nghiệp, phòng chống dịch bệnh, với quyết tâm giành thắng lợi vụ sản
xuất Đông Xuân 2021-2022. Tiếp tục gieo trồng cây trồng cạn hết diện tích theo
kế hoạch; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhất là mở rộng đàn
heo, đàn bò thịt chất lượng cao, nuôi gà đồi; chú trọng thực hiện công tác tiêm
phòng và phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo kế hoạch. Chỉ đạo triển
khai xây dựng có hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao; đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình
Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) tại các địa phương. Tăng cường hoạt động
khai thác thủy sản gắn với các biện pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngư dân khai
thác xa bờ và khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác thủy sản
bất hợp pháp (IUU). Chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, phòng, chống
cháy rừng và chăm sóc rừng trồng. Tăng cường công tác quản lý đất đai, chống lấn
chiếm trái phép và xử lý nghiêm việc khai thác khoáng sản, nhất là đất, cát,
đá,... không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường sinh thái.
3. Theo dõi,
tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động nhằm
đảm bảo tăng trưởng sản xuất công nghiệp theo kế hoạch; đôn đốc các doanh nghiệp
sau Tết đi vào sản xuất ổn định. Chú trọng thúc đẩy phát triển các mặt hàng,
nhóm hàng chủ lực, đang có lợi thế về thị trường, nguồn nguyên liệu... để góp
phần giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp kích cầu, thúc đẩy phát triển
thương mại, dịch vụ, du lịch; chuẩn bị chu đáo các điều kiện có liên quan để
đón đầu “làn sóng” du lịch trở lại, đặc biệt là trong đợt cao điểm du lịch mùa
Xuân; quan tâm tổ chức các Chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch Bình Định đến
các thị trường tiềm năng trong và ngoài nước.
4. Đẩy mạnh
công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tập trung triển khai xây dựng hoàn
thiện cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp trên địa
bàn tỉnh để phục vụ thu hút đầu tư; đôn đốc các doanh nghiệp triển khai nhanh
các dự án, nhất là các dự án đã đăng ký, cấp phép đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh
công tác quảng bá, kêu gọi, thu hút các dự án vào Khu kinh tế Nhơn Hội, các
khu, cụm công nghiệp và các khu, điểm du lịch. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ GPMB
và triển khai dự án Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định;
Khu liên hợp sản xuất gang thép Long Sơn và Cảng tổng hợp quốc tế Long Sơn (Phù
Mỹ); các dự án Nhà máy điện năng lượng tái tạo và các dự án sản xuất công nghiệp
trên địa bàn tỉnh sớm hoàn thành, đi vào hoạt động.
5. Chỉ đạo đẩy
mạnh công tác đầu tư, xây dựng cơ bản ngay từ đầu năm, nhất là các công trình,
dự án trọng điểm, các công trình đã có trong kế hoạch năm 2022. Tập trung hoàn
tất hồ sơ, thủ tục; đẩy nhanh tiến độ GPMB; đầu tư xây dựng, hoàn thành các
công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh, gồm: Đường cao tốc Bắc –
Nam qua địa bàn tỉnh; các đoạn tuyến còn lại của đường ven biển; đường Điện
Biên Phủ nối dài đến khu đô thị Diêm Vân; đường tránh phía Nam thị trấn Phú
Phong, huyện Tây Sơn; tuyến đường kết nối đường phía Tây tỉnh (ĐT.638) với đường
ven biển (ĐT.639) trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn và huyện Phù Mỹ;...
6. Tập trung
đẩy mạnh các biện pháp tăng thu ngân sách để đảm bảo nhu cầu chi theo kế hoạch;
tăng cường quản lý thu thuế, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế trên địa bàn
tỉnh. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quá trình sử dụng ngân sách nhà
nước; tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế
địa phương.
7. Tiếp tục
thực hiện đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao chất lượng hoạt động trên các lĩnh vực
y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao. Tổ chức linh hoạt hoạt động dạy và học
phù hợp với tình hình dịch Covid-19. Thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, chủ
động phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân. Thực hiện tốt công
tác chăm sóc đối tượng chính sách và các mục tiêu an sinh xã hội, bảo đảm ổn định
đời sống nhân dân, nhất là những vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt.
Tăng cường phát triển khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; phát
triển mạnh, đồng bộ hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng phát triển kinh
tế số, xã hội số.
8. Tăng cường
công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông và
phòng, chống cháy, nổ. Tổ chức tốt công tác giao quân đợt 1 năm 2022 theo chỉ
tiêu kế hoạch đề ra. Quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chất lượng
công vụ, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số; tiếp tục
thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022; tập trung giải quyết dứt điểm
các vụ khiếu nại đông người và các vụ việc tồn đọng, không để phát sinh điểm
nóng.
9. Thực hiện
nghiêm túc quy định của Trung ương về việc không sử dụng kinh phí ngân sách,
tài sản công vào mục đích tham quan lễ hội, chi phí liên hoan gặp mặt đầu năm;
cán bộ công chức, viên chức và người lao động tại các cơ quan, đơn vị, địa
phương không tham dự lễ hội trong giờ làm việc hành chính.
Lê Anh
» Ban hành tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp Hoài Hương (10/09/2022)
» Bình Định, kết nối các Quỹ đầu tư với doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh (25/08/2022)
» Phê duyệt "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025" (18/02/2022)
» Bình Định gắn biển 2 công trình giao thông trọng điểm nhằm chào mừng kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng (03/02/2022)
» Vietravel Airlines khai trương đường bay đến Quy Nhơn (21/01/2022)
» Huyện Tây Sơn, thêm 02 dự án sản xuất gạch không nung được chấp thuận chủ trương (19/01/2022)
» Bình Định được thí điểm đón khách quốc tế (17/01/2022)
» Ký kết Hợp đồng dự án đầu tư có sử dụng đất Dự án Nhà ở xã hội tại khu đất phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn (12/01/2022)
» Phê duyệt Chương trình phát triển đô thị Tây Sơn đến năm 2035 (10/01/2022)
» Bình Định, thủ tục đầu tư giảm từ 32 ngày xuống còn 25 ngày (24/09/2021)