Vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của các tổ chức quốc tế hoặc của các nước phát triển là một trong những kênh cấp vốn khá quan trọng cho sự nghiệp phát triển KT-XH Việt Nam. Vì vậy, việc duy trì một lượng vốn ổn định hoặc gia tăng theo hướng năm sau cao hơn năm trước cũng như nâng cao mức độ giải ngân luôn là những mục tiêu quan trọng xung quanh "câu chuyện" ODA…
Kết quả khả quan
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn ODA ký kết giữa Việt Nam và các nhà tài trợ quốc tế trong 10 tháng qua đạt gần 3,5 tỷ USD. Nhìn chung, các dự án sử dụng vốn ODA đều được đầu tư đúng định hướng nhằm phát triển hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện sống, môi trường tốt hơn cho nhân dân. Tại các diễn đàn quốc tế, nhiều nhà tài trợ đánh giá Việt Nam sử dụng có hiệu quả vốn ODA, nhất là trong các dự án liên quan trực tiếp đến việc nâng cao đời sống - lao động - giáo dục - y tế cho vùng sâu, vùng xa và trong sự nghiệp xóa đói giảm nghèo.
Dự báo, 2 tháng cuối năm, lượng vốn ODA được ký kết thêm sẽ là 600 triệu USD, đưa tổng vốn ký trong năm nay lên hơn 4 tỷ USD. Một số dự án hoặc hợp phần dự án lớn chuẩn bị được ký kết sẽ tiếp tục tạo ra lực đẩy cho việc thực hiện chương trình hiện đại hóa đất nước, đồng thời là những cú hích trực tiếp cho những địa phương có dự án như xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây trị giá 410 triệu USD, đường sắt đô thị Hà Nội - Hà Đông trị giá 159 triệu USD…
Cần sự phối hợp đồng bộ trong giải ngân
Thời gian qua, Chính phủ, các bộ và địa phương luôn quan tâm đến chất lượng và tiến độ giải ngân của các dự án sử dụng ODA, bởi đó là mục tiêu quan trọng, góp phần cụ thể hóa lượng vốn được đưa vào sử dụng. Trong 10 tháng đầu năm, mức giải ngân đạt gần 1,6 tỷ USD, bằng 83% kế hoạch cả năm. Đây là kết quả khả quan trong bối cảnh lạm phát, bất ổn về giá cả, nhiều hoạt động kinh tế, nhất là ngành xây dựng có sự trầm lắng nhất định. Dự báo, tổng mức giải ngân năm nay có thể đạt 2,2 tỷ USD, vượt chỉ tiêu đề ra.
Tuy vậy, trong thực tế mức giải ngân ODA diễn ra không đều giữa các lĩnh vực. Những dự án thuộc lĩnh vực điện, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn nhìn chung có mức giải ngân khá, trong khi dự án thuộc lĩnh vực phát triển đô thị, tài chính - ngân hàng, giáo dục lại thường chậm. Có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan, song tốc độ giải ngân phần lớn phụ thuộc vào năng lực của các ban quản lý dự án, quy định của nhà tài trợ, sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng như điều kiện đặc thù của lĩnh vực tiếp nhận vốn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, tỷ lệ giải ngân ở ta còn thấp so với mức trung bình của khu vực. Cụ thể, đối với vốn ODA của Ngân hàng Thế giới, ta mới đạt tỷ lệ giải ngân 11,6% so với tỷ lệ 19,4% của khu vực; với vốn vay của JBIC, tỷ lệ này tương ứng là 13,6% và 16,6%. Đương nhiên, sự chậm trễ trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án đã làm giảm hiệu quả đầu tư, gây lãng phí lao động, chi phí quản lý và phát sinh xáo trộn trong việc thực hiện quy hoạch tổng thể các ngành, địa phương. Điều đó còn ảnh hưởng đến lòng tin của nhà tài trợ, trong bối cảnh việc tiếp cận lượng vốn toàn cầu ngày càng khó khăn hơn cũng như có sự cạnh tranh gay gắt trong thu hút ODA giữa các nước nghèo.
Từ thực tiễn trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương nghiên cứu, áp dụng một số giải pháp để tăng tốc độ giải ngân trong thời gian tới. Giải pháp hàng đầu là các bộ, ngành và địa phương phải quán triệt, thực hiện đầy đủ những quy định về quản lý, sử dụng vốn ODA, phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác ODA của Chính phủ để tháo gỡ những vướng mắc. Đối với những hợp đồng xây dựng chịu ảnh hưởng do biến động giá, nhất là nguyên, vật liệu xây dựng, nhiên liệu, nếu được nhà tài trợ chấp thuận cho điều chỉnh giá, các cơ quan hữu quan cần phối hợp khẩn trương hoàn tất thủ tục pháp lý để đẩy nhanh tốc độ thực hiện dự án. Trong trường hợp không thỏa thuận được với nhà tài trợ chủ dự án phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng vốn đối ứng để bổ sung phần thiếu hụt...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xem xét cải tiến cơ chế bố trí vốn đối ứng phù hợp và linh hoạt với hoàn cảnh thực tế, tạo thuận lợi hơn trong việc tiếp nhận, thực thi của các cấp, đơn vị liên quan. Mặt khác, Bộ sẽ tổ chức những khóa đào tạo nâng cao năng lực cán bộ cơ quan quản lý ODA ở các cấp theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp thông lệ quốc tế… Đặc biệt, các bộ, ngành và địa phương sẽ phối hợp trong giải quyết một số vấn đề "nóng", phức tạp như di dân, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định mức chi phí quản lý, xây dựng.
Yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài là cần những đánh giá thật cụ thể, toàn diện để phát huy mặt được, hạn chế những tồn tại trong quá trình kêu gọi, hấp thụ nguồn vốn này, hướng tới kết quả cao hơn trong những năm tới.
Nguồn: Báo đầu tư
CÁC TIN KHÁC:
» Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tỉnh Bình Định
(09/09/2021)
» Bình Định với công tác vận động và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi
(14/04/2016)
» Định hướng thu hút, sử dụng ODA thời kỳ 2016-2020
(02/03/2016)
» Giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong năm 2015 đạt 68% so với kế hoạch
(01/02/2016)
» Bình Định mời gọi đầu tư các dự án ODA để Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội
(19/11/2015)
» Đẩy mạnh công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2015-2018
(16/10/2015)
» Khánh thành Trung tâm chăm sóc mắt trẻ em tại Bình Định
(02/02/2015)
» Bình Định với công tác vận động, sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi năm 2014
(26/01/2015)
» Bình Định với công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài năm 2014
(07/01/2015)
» Hiệu quả từ thực hiện Dự án KfW6
(30/12/2014)