30/07/2010
Hiện nay, công tác bảo vệ tài nguyên môi trường trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công cuộc phát triển chung của tỉnh, góp phần đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư xin giới thiệu bài viết về chủ đề này của ông Trần Thái Nga - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 13 tháng 7/2010.
Bình Định là tỉnh Duyên hải miền Trung có dân số khoảng 1,5 triệu người, bao gồm 11 huyện thành phố, trong đó TP.Quy Nhơn vừa được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, Bình Định có nhiều dạng địa hình phong phú nên rất thuận tiện cho việc phát triển nhiều loại hình kinh tế khác nhau. Trong những năm qua nền kinh tế - xã hội của tỉnh liên tục phát triển, tạo ra những tín hiệu đáng mừng trong nhiều lĩnh vực như: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, giao thông,…giúp cho đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Trong xu thế phát triển chung của cả nước, nền kinh tế Bình Định đang chuyển mình theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa về mọi mặt, bước đầu gặt hái một số thành quả nhất định. Tuy nhiên, song song với quá trình phát triển kinh tế luôn luôn đi kèm sự ô nhiễm môi trường, gây cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng đến cuộc sống của con người và sinh vật…Với những lý do trên, công tác bảo vệ tài nguyên môi trường trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công cuộc phát triển chung của tỉnh, góp phần đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư xin giới thiệu bài viết về chủ đề này của ông Trần Thái Nga - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 13 tháng 7/2010.
Trong những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, cùng với sự cố gắng của tập thể cán bộ ngành Tài nguyên môi trường, công tác bảo vệ - quản lý tài nguyên và phòng ngừa ô nhiễm môi trường đã góp phần giảm thiểu tối đa sự ô nhiễm do các hoạt động kinh tế - xã hội tác động đến môi trường, đồng thời góp phần không nhỏ trong việc giải quyết dứt điểm những vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và kéo dài. Trong công cuộc giữ gìn và bảo vệ các nguồn tài nguyên quý giá, ngành Tài nguyên môi trường luôn lấy phương châm phòng ngừa là chính trong việc kiểm soát và ngăn chặn sự ô nhiễm môi trường.
Giai đoạn 2006 – 2010, ngành Tài nguyên môi trường đã thực hiện khá tốt một số nhiệm vụ quan trọng như: giám sát hoạt động các khu cụm công nghiệp; quản lý và kiểm soát chặt chẽ các nguồn tài nguyên; xử lý tốt các sự cố môi trường; nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ trong ngành Tài nguyên môi trường các cấp, tăng cường công tác truyền thông đối với mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn, bước đầu tạo ra sự nâng cao và chuyển biến rõ nét trong suy nghĩ, nhận thức của người dân và các doanh nghiệp trong công cuộc bảo về tài nguyên môi trường.
Nhận thấy những vấn đề còn tồn tại trong công cuộc bảo vệ tài nguyên môi trường nhiệm kỳ vừa qua, ngành Tài nguyên môi trường đã có sự bổ sung, điều chỉnh kịp thời và đồng thời đề ra những định hướng hành động trong giai đoạn tiếp theo 2010 – 2015 với một số nội dung cơ bản như sau:
Quản lý đất đai
Hoàn thành quy hoạch sử dụng đất của tỉnh giai đoạn 2011 – 2020 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm giai đoạn 2011 – 2015 trình Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, xã; đồng thời, điều chỉnh, bổ sung kịp thời đối với những địa phương có thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đến năm 2015, 100 % cấp huyện và cấp xã có quy hoạch sử dụng đất. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố xử lý dứt điểm những vi phạm về đất đai theo Quyết định số 15/2008/QĐ–UBNĐ của UBND tỉnh. Hàng năm xây dựng bảng giá đất trình UBND tỉnh; tổ chức thẩm định các phương án bồi thường giải phóng mặt bằng trình UBND tỉnh phê duyệt đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh; tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý vi phạm pháp luật về đất đai của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo Chỉ thị 134/CT–TTg ngày 21/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Quản lý hoạt động khoáng sản
- Tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định, chỉ thị về quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền; chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh và Trung ương khoanh định các khu vực cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; chủ trì, tổ chức hội đồng thẩm định, xét duyệt trữ lượng khoáng sản trong báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường và than bùn trình UBND tỉnh phê duyệt; đề xuất bổ sung các điểm mỏ có tiềm năng vào trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến để phục vụ phát triển kinh tế; tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ về quản lý tài nguyên khoáng sản, xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ dữ liệu về tài nguyên khoáng sản theo quy định của pháp luật;
- Tham mưu trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết cấp, gia hạn, thu hồi, cho phép trả lại giấy phép hoạt động khoáng sản; phê duyệt đề án đóng cửa mỏ theo quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra và xác nhận cho các tổ chức, cá nhân kết quả thực hiện việc phục hồi môi trường, đất đai.
Quản lý bảo vệ môi trường
- Tiếp tục triển khai Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học và các văn bản pháp quy trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tham mưu UBND tỉnh thành lập Quỹ bảo vệ môi trường của tỉnh và các cơ chế, chính sách tài chính trong việc tạo nguồn quỹ và hỗ trợ cho các đơn vị tham gia xử lý ô nhiễm; ban hành Kế hoạch hành động đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh, đồng thời tổ chức triển khai những nội dung của kế hoạch.
- Xây dựng và triển khai Chiến lược truyền thông về môi trường trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục về môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa về công tác bảo vệ môi trường để nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường.
- Tăng cường công tác hậu kiểm, kiểm soát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, khu vực khai thác khoáng sản, bãi chôn lấp chất thải và các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không để xảy ra điểm nóng.
- Kiểm tra, đôn đốc các cơ sở thuộc Quyết định 64/2003/QĐ-TTg hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý chất thải và rút tên khỏi danh sách trong năm 2010. Đồng thời đôn đốc các đơn vị công ích gây ô nhiễm nghiêm trọng ngoài danh sách Quyết định 64 lập đề án để được hỗ trợ kinh phí từ Trung ương thực hiện xử lý ô nhiễm; triển khai các nội dung của Thông tư số 07/2007/TT-BTNMT về phân loại cơ sở gây ô nhiễm; tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định về danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh hàng năm.
- Xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường 05 năm của tỉnh (2005-2010), trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch hoạt động quản lý môi trường của tỉnh giai đoạn 2010-2015. Tiếp tục hoàn thiện mạng lưới quan trắc và tăng cường năng lực quan trắc môi trường.
- Xây dựng, ban hành và phối hợp thực hiện Chương trình công tác về bảo vệ môi trường của huyện, xã; trong đó, triển khai đồng bộ tất cả các nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT, chú trọng một số nhiệm vụ trọng tâm như quản lý môi trường công nghiệp, quản lý rác thải, chất thải y tế nguy hại, quản lý hoạt động khai thác khoáng sản.
- Quan tâm tăng cường đội ngũ cán bộ thực hiện công tác BVMT các cấp huyện, xã; tham mưu cấp có thẩm quyền phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường đảm bảo thực hiện nhiệm vụ.
Quản lý biển, đảo và tài nguyên nước
- Quản lý nhà nước trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu: Tham mưu UBND tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các hoạt động của dự án Tăng cường năng lực quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam nhằm giảm nhẹ tác động và kiểm soát phát thải khí nhà kính tại tỉnh Bình Định (2009 – 2012); thực hiện kế hoạch hoạt động của dự án Thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại khu vực ven biển và đảo Việt Nam (2009 – 2011).
- Quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước: Hoàn thành điều tra, đánh giá, kiểm kê, thống kê số liệu tài nguyên nước hiện có; cơ bản hoàn thành việc lập và quản lý hồ sơ khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thực hiện kế hoạch hoạt động của dự án Nâng cao năng lực đánh giá và quản lý tài nguyên nước tỉnh Bình Định (2009 – 2012).
» Khánh thành Nhà máy sản xuất viên nén và Nhà máy sản xuất dăm gỗ xuất khẩu với tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng (21/09/2024)
» Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn tỉnh Bình Định (29/08/2024)
» Hội thảo khu vực Duyên hải miền Trung “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững” (23/08/2024)
» Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh: Chậm chân sẽ mất cơ hội ! (16/05/2024)
» Bình Định thuộc Top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2023 (09/05/2024)
» Bình Định tổ chức Giải đua thuyền máy Nhà nghề Quốc tế UIM F1H2O và UIM-ABP AQUABIKE Bình Định Grand Prix 2024 (11/03/2024)
» Bình Định cải cách mạnh mẽ trong giải quyết thủ tục đầu tư (09/11/2023)
» Bình Định lên kế hoạch đấu thầu, đấu giá nhiều dự án lớn trong năm 2023 (26/09/2023)
» Tỉnh Bình Định làm việc với đoàn doanh nghiệp Italy (16/09/2023)
» Bình Định thu hút thêm nhà đầu tư từ Hàn Quốc (30/08/2023)