01/06/2009
Không chỉ khẳng định là cửa ngõ quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, các tỉnh Tây Nguyên, vùng hạ Lào, cũng như Đông Bắc Campuchia, Bình Định còn đang là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước…
Để hiểu hơn về thành quả phát triển kinh tế - xã hội, cũng như những nỗ lực của chính quyền tỉnh trong việc kích hoạt tiềm năng phát triển địa phương, phóng viên Báo Đầu tư đã trao đổi với ông Lê Hữu Lộc, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định.
Bình Định là một trong những địa phương phát triển mạnh trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội… Xin ông cho biết, nguyên nhân nào giúp tỉnh đạt được những thành tựu này?
Năm 2008, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng và suy giảm kinh tế toàn cầu, nhưng Bình Định đã phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 11%, giữ vững ổn định chính trị, đồng thời tiếp tục phát triển văn hoá, xã hội và bảo vệ môi trường. Các chỉ tiêu kinh tế đạt khá so với năm 2007: giá trị sản xuất công nghiệp tăng 18,1%; lượng khách du lịch tăng 28%; đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu đạt 400 triệu USD, vượt 40 triệu USD so với kế hoạch và tăng trên 2% so với năm 2007; nông nghiệp được mùa với sản lượng lương thực có hạt là 664.000 tấn, cao nhất từ trước đến nay.
Bình Định đã có nhiều cố gắng tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đô thị, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ trong GDP, như tập trung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội, các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh. Các khu, cụm công nghiệp sau khi hình thành đã nhanh chóng được đăng ký lấp đầy; trong đó, riêng Khu công nghiệp (KCN) Phú Tài lấp đầy 90% diện tích với 99% doanh nghiệp đang hoạt động, KCN Long Mỹ đã có 20 doanh nghiệp đầu tư và hiện tỉnh đang tập trung xây dựng hạ tầng các KCN Nhơn Hoà, Hoà Hội…
Chính sách phát triển kinh tế của tỉnh trong năm 2008 đã thu hút sự quan tâm và đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; nhờ đó, có nhiều nhà máy đã được xây dựng và đi vào hoạt động, đóng góp tích cực vào giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Cũng trong năm 2008, Bình Định đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 69 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 11.597 tỷ đồng và 5 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đăng ký 48,7 triệu USD.
Sở dĩ tỉnh đạt được những kết quả khả quan như vậy là nhờ sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ kịp thời của Trung ương Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế lạm phát, giá cả thị trường diễn biến phức tạp, an sinh xã hội gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sự nhất trí cao trong Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; vạch ra định hướng đúng đắn, sát hợp, xây dựng được các cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn để triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, chỉ đạo kịp thời thực hiện chủ trương của Chính phủ và Tỉnh ủy về việc triển khai các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững; tăng cường các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, quản lý giá cả và các mặt hàng thiết yếu; cũng như điều hành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và chi tiêu ngân sách năm 2008, nhằm kiềm chế lạm phát… là một trong những yếu tố then chốt giúp tỉnh phát triển. Đặc biệt, tỉnh đã chủ động trong công tác cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh. Qua đó, khơi dậy, phát huy nội lực, thu hút ngoại lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài…
Xây dựng cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Ông có thể cho biết những chuyển biến mang tính chất quyết định?
Là một tỉnh nằm xa hai trung tâm lớn ở hai đầu đất nước, còn nhiều khó khăn và hạn chế về cơ sở hạ tầng, Bình Định xác định muốn thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, thì phải đi trước một bước trong chuẩn bị hạ tầng (cả kinh tế và xã hội).
Vì vậy, tỉnh đã chủ động, phối hợp đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp điện, cấp nước, bưu chính, viễn thông, ngân hàng, xây dựng các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, xây dựng và nâng cấp các cơ sở đào tạo, y tế, dịch vụ du lịch, đồng thời quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ. Tỉnh cũng tích cực làm việc, đề đạt lên Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương sớm đầu tư trang thiết bị, nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát và bố trí tàu chất lượng cao TP.HCM - Bình Định, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và mọi tầng lớp nhân dân. Các đối tác trong và ngoài nước đánh giá rất cao sự năng động tiên phong của Bình Định trong việc chuẩn bị hạ tầng kinh tế - xã hội.
Tranh thủ các nguồn hỗ trợ, tài trợ bên ngoài và phát huy nội lực, Bình Định là một trong những địa phương đi đầu trong đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi và giao thông nông thôn. Nếu các công trình hồ Định Bình, Cẩn Hậu, Suối Đuốc, Đại Sơn, hệ thống kênh tưới hồ Thạch Khê, đập dâng Vân Phong… góp phần tích cực vào việc phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương về "tam nông", thì công trình cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội với cầu Thị Nại, cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, dẫn vào Khu kinh tế Nhơn Hội cùng các công trình hạ tầng của Khu kinh tế chính là những điểm nhấn thể hiện bước chuẩn bị và chuyển biến của tỉnh cho thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá.
Bình Định có phương hướng, biện pháp nào cho sự phát triển trong những năm tiếp theo, thưa ông?
Triển khai cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, để tiếp tục phát triển, trong những năm tới, Bình Định sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp như: thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh phát triển sản xuất, dịch vụ và thu hút đầu tư, nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế; tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; giải quyết các vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ổn định, tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất công nghiệp, phấn đấu tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Tăng mạnh đầu tư cho sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, để góp phần cùng cả nước vừa bảo đảm lương thực cho tiêu dùng trong nước, vừa tăng thêm sản lượng lương thực phục vụ xuất khẩu. Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng và hiệu quả bền vững phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản toàn diện, xây dựng nông thôn, miền núi và hải đảo.
Theo kế hoạch, năm 2009, tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể như: đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, hạ tầng du lịch, hạ tầng Khu kinh tế Nhơn Hội và các KCN Nhơn Hoà, Hoà Hội; thực hiện các giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng, đồng thời phát triển mạng lưới phân phối, mở rộng hoạt động thương mại; phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, có giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh thu hút du lịch; nâng cao chất lượng vận tải, bảo đảm lưu thông hàng hóa và nhu cầu đi lại của nhân dân; đẩy mạnh xuất khẩu, tháo gỡ các trở ngại có liên quan đến xuất khẩu để giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu; đẩy mạnh thu ngân sách, huy động tối đa, thu hút mạnh và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, vốn hỗ trợ phát triển chính thức.
Ngoài ra, tỉnh còn tập trung giải ngân nhanh các nguồn vốn đầu tư phát triển; tập trung vốn đầu tư cho các công trình quan trọng, có khả năng đưa vào sử dụng ngay trong năm 2009.
Bình Định cần những hỗ trợ nào từ Trung ương để giải quyết những khó khăn trước mắt, cũng như chuẩn bị cho sự phát triển về lâu dài?
Trong quá trình phát triển, bên cạnh nỗ lực tự thân, Bình Định rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, bởi Bình Định đang trong quá trình tạo dựng tiền đề cho phát triển.
Trước hết là vấn đề quy hoạch. Bình Định có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng an ninh, là cửa ngõ hướng biển của Tây Nguyên và của Tiểu vùng sông Mê-kông mở rộng. Vì vậy, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần xác định rõ vai trò, vị trí của Bình Định để đưa vào các quy hoạch ngành, vùng, liên vùng, qua đó bố trí vốn đầu tư, có định hướng và giải pháp thích hợp, nhằm phát triển đồng bộ cả nước, cả vùng, trong đó có Bình Định.
Thứ hai là về vốn. Những năm gần đây, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh liên tục gia tăng, nhưng Bình Định vẫn chưa tự chủ được ngân sách, do nhu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh khá lớn, nhất là hạ tầng Khu kinh tế Nhơn Hội, hạ tầng giao thông, thủy lợi, bảo vệ môi trường và an sinh xã hội; đặc biệt, trong các năm 2009 và 2010, do thực hiện các giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng, chắc chắn thu ngân sách của tỉnh sẽ sụt giảm.
Vì vậy, Bình Định mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong việc cấp bổ sung, phân bổ, hỗ trợ các nguồn vốn đầu tư, vốn cho các chương trình mục tiêu. Đồng thời, UBND tỉnh Bình Định cũng đề nghị Trung ương sớm triển khai các công trình nâng cấp Cảng Quy Nhơn, Sân bay Phù Cát, Quốc lộ 19, xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Bình Định - Nha Trang..., nhằm cải thiện điều kiện hạ tầng của Bình Định và miền Trung - Tây Nguyên, góp phần thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước vào khu vực này.
Nguồn: Báo Đầu tư
» Khánh thành Nhà máy sản xuất viên nén và Nhà máy sản xuất dăm gỗ xuất khẩu với tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng (21/09/2024)
» Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn tỉnh Bình Định (29/08/2024)
» Hội thảo khu vực Duyên hải miền Trung “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững” (23/08/2024)
» Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh: Chậm chân sẽ mất cơ hội ! (16/05/2024)
» Bình Định thuộc Top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2023 (09/05/2024)
» Bình Định tổ chức Giải đua thuyền máy Nhà nghề Quốc tế UIM F1H2O và UIM-ABP AQUABIKE Bình Định Grand Prix 2024 (11/03/2024)
» Bình Định cải cách mạnh mẽ trong giải quyết thủ tục đầu tư (09/11/2023)
» Bình Định lên kế hoạch đấu thầu, đấu giá nhiều dự án lớn trong năm 2023 (26/09/2023)
» Tỉnh Bình Định làm việc với đoàn doanh nghiệp Italy (16/09/2023)
» Bình Định thu hút thêm nhà đầu tư từ Hàn Quốc (30/08/2023)