Trong số các dự án thu hút đầu tư tính tới nay thì thành phố Quy Nhơn vẫn là địa bàn dẫn đầu về hiệu quả thu hút đầu tư khi số lượng dự án thu hút được là 28 dự án (chiếm 62,22 % tổng số dự án), tiếp theo là thị xã An Nhơn có 8 dự án (chiếm 17,78% tổng số dự án), huyện Tuy Phước có 4 dự án (chiếm 8,89% tổng số dự án), Phù Cát có 3 dự án (chiếm 6,67% tổng số dự án) và Hoài Ân có 2 dự án (chiếm 4,44% tổng số dự án), các địa phương Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn và Vân Canh là các địa bàn chưa thu hút được dự án nào.
Một số dự án tiêu biểu được chấp thuận đầu tư tại tỉnh đó là Dự án Khu du lịch sinh thái Đầm Thị Nại (Thi Nai Eco Bay) do Công ty Cổ phần Thị Nại Eco Bay làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 4.015,05 tỷ đồng; Dự án Khu Đô thị - Thương mại - Dịch vụ Đông Bắc cầu Tân An với tổng vốn đầu tư 1.390 tỷ đồng; Dự án Khu du lịch Núi Bà Hỏa với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng; Dự án Khu dân cư đường N4, Khu đô thị mới Cẩm Văn, phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn với số vốn trên 421 tỷ đồng, dự án Cơ sở chăn nuôi và sản xuất giống gia cầm Minh Dư với số vốn đầu tư 123,9 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư nước ngoài
Trong 6 tháng đầu năm 2017, tỉnh đã cấp GCNĐKĐT cho 6 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 92 triệu USD. Trong đó Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp 03 dự án với tổng vốn đăng ký 22,573 và Ban Quản lý Khu kinh tế cấp 03 dự án với tổng vốn đăng ký 69,5 triệu USD.
Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp 03 dự án (tổng vốn 22,573 triệu USD), gồm: Dự án Trại heo giống Bình Định của Công ty TNHH Linkfarm Thái Lan với tổng vốn đăng ký đầu tư 21,2 triệu USD; Dự án Nhà máy may mặc Seldat của Công ty TNHH Seldat Việt Nam của nhà đầu tư Canada với tổng số vốn đầu tư 1,173 triệu USD; Dự án Xử lý nước của Công ty TNHH Sanicon (Nhật Bản) với tổng vốn đầu tư là 0,2 triệu USD.
Ban Quản lý Khu kinh tế cấp 03 dự án (tổng vốn 69,5 triệu USD), gồm: Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu gỗ và đồ gỗ của Công ty TNHH Marubeni Lumber Nhật Bản với tổng vốn đăng ký đầu tư là 5 triệu USD; Dự án Gia công đá hoa cương của Công ty RCV (Nhật Bản) vốn đăng ký là 0,5 triệu USD; Nhà máy điện mặt trời và điện gió Fujiwara (Nhật Bản) vốn đăng ký 64 triệu USD.
So với cùng kỳ 2016 thì số dự án tăng thêm 3 dự án (5 tháng đầu năm 2016 thu hút được 3 dự án FDI) và tổng vốn đầu tư cũng tăng hơn nhiều (tổng vốn đầu tư 6 tháng đầu năm 2016 gần 70 triệu USD). Tính đến nay, toàn tỉnh Bình Định có 73 dự án FDI, tổng vốn đăng ký gần 827 triệu USD, nguồn đóng góp này chủ yếu là nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế mạnh đến các quốc gia như: Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan…
Như vậy, trong thời gian qua, công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đã có một số kết quả tích cực. Thương mại – Du lịch – Dịch vụ và Công nghiệp – Xây dựng tiếp tục là hai lĩnh vực mũi nhọn giúp bức tranh thu hút đầu tư của tỉnh trở nên khởi sắc; Thông qua các chương trình đối thoại giữa tỉnh và doanh nghiệp, bước đầu đã mang lại niềm tin cho phía doanh nghiệp yên tâm sản xuất tại tỉnh; các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặt biệt là các Tập đoàn lớn đã bắt đầu có những chuyến khảo sát, tìm kiếm thông tin về môi trường đầu tư cũng như đặt các vấn đề với lãnh đạo tỉnh nhằm mong muốn được đầu tư tại tỉnh.
Cùng với các hoạt động thu hút đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý các khu kinh tế tỉnh đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp; Kịp thời phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý, qua đó chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc tháo gỡ cho doanh nghiệp. Tiếp tục duy trì và thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động tại cơ quan, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, triển khai dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực nêu trên thì hoạt động thu hút đầu tư 6 tháng đầu năm của tỉnh nhìn chung chưa có sự đột phá như các năm trước khi các dự án đầu tư hầu hết có quy mô vừa và nhỏ, vẫn còn nhiều dự án chậm triển khai, chậm tiến độ so với cam kết mà nguyên nhân chủ yếu do nhiều chủ đầu tư không có năng lực quản lý, không đủ năng lực tài chính và đầu tư dàn trải nhiều dự án, bao chiếm đất đai, “xí phần” để đầu cơ, sang nhượng dự án dẫn đến nhiều bức xúc và hệ lụy đối với tình hình phát triển KT-XH nói chung và đời sống của người dân trong vùng quy hoạch dự án nói riêng.
Mặc dù, xét trên góc độ địa phương thì chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt mức tốt, tuy nhiên phía góc độ doanh nghiệp địa phương thì năng lực sản xuất và tính cạnh tranh của các sản phẩm còn yếu. Tỉnh cũng có nhiều chính sách, đề án, chương trình hỗ trợ song hiệu quả chưa cao, số doanh nghiệp tiếp cận và thụ hưởng rất khiêm tốn, chưa phân bổ đủ nguồn lực cần thiết để tạo sự chuyển biến căn bản và đạt được mục tiêu đề ra.
Các dự án đầu tư hiện tập trung chủ yếu tại địa bàn có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực; Thị trường tiêu thụ sản phẩm mất cân đối giữa các địa bàn, chưa thực sự đạt được mục tiêu hướng vốn đầu tư vào các địa bàn khó khăn của tỉnh. Ngoài nguyên nhân như quỹ đất, chế độ ưu đãi, nhân lực, nguồn lao động… vẫn còn nhiều nguyên nhân mang tính chất cơ chế, thời gian giải quyết còn kéo dài...
Định hướng thu hút đầu tư 6 tháng cuối năm 2017
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu hút đầu tư 6 tháng cuối năm 2017 và cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh BÌnh Định, tỉnh đã có những biện pháp, định hướng, cụ thể:
Tập trung mời gọi các nhà đầu tư có tên tuổi hoặc có độ tin cậy cao, có khả năng lôi kéo, thúc đẩy các dự án phụ trợ. Không thu hút đầu tư các dự án của nhà đầu tư nước ngoài khi chưa biết năng lực thực sự của họ.
Tăng cường công tác giám sát chặt chẽ, đôn đốc, theo dõi tiến trình thực hiện dự án của các chủ đầu tư để có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các lợi ích chính đáng của nhà đầu tư.
Tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quản lý đầu tư, quản lý đất đai, chấn chỉnh những vi phạm trong thực hiện dự án, thực hiện sử dụng đất. Định kỳ các cơ quan liên quan sẽ tiến hành rà soát, phân loại nhóm dự án để có những giải pháp điều chỉnh phù hợp, với những dự án kéo dài nhiều năm chậm triển khai hoặc đã được gia hạn nhưng vẫn không triển khai thực hiện sẽ kiên quyết chấm dứt hoạt động; Tỉnh sẽ có biện pháp thu hồi các dự án đã có chủ trương đầu tư nhưng không triển khai, các dự án không thực hiện ký quỹ cam kết đầu tư, các dự án đã được điều chỉnh quy hoạch nhưng thời gian thực hiện chậm so với quy định.
Tổ chức và tham gia một số hoạt động chính: Tham dự Hội nghị Cồng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) tháng 7/2017; Tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Bình Định năm 2017, dự kiến tháng 10/2017; Tổ chức đoàn xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc, dự kiến tháng 8/2017; Tổ chức đoàn xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, dự kiến tháng 11/2017; Tham dự Diễn đàn xúc tiến thương mại và đầu tư với Việt Nam, do VCCI tổ chức trong tuần lễ cấp cao APEC 2017 và Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit 2017) dự kiến tổ chức ngày 8/11/2017; Đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định, dự kiến tháng 12/2017. Bên cạnh các hoạt động nêu trên, tỉnh sẽ tiếp tục tham gia hỗ trợ đưa các nhà đầu tư đi khảo sát các địa điểm mà nhà đầu tư mong muốn thực hiện dự án tại tỉnh.
Bình Định cam kết tiếp tục cải cách mạnh mẽ, minh bạch các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nâng cao năng lực cạnh tranh hành chính công, đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp hoạt động đúng theo cơ chế thị trường để doanh nghiệp tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh, yên tâm hoạt động kinh doanh sản xuất trong môi trường pháp lý ổn định, tin cậy và thông thoáng.
Lê Anh