07/08/2012
Những năm gần đây, các tỉnh duyên hải miền Trung (DHMT) đã nỗ lực xây dựng nhiều khu công nghiệp (KCN), thu hút các nhà đầu tư đến làm ăn. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. PV Báo Bình Định đã trao đổi với tiến sĩ Trần Du Lịch, Trưởng nhóm tư vấn “Hợp tác phát triển các tỉnh DHMT”, xung quanh vấn đề này. Ảnh: Xuất khẩu hàng hóa qua Cảng Quy Nhơn.
Những năm gần đây, các tỉnh duyên hải miền Trung (DHMT) đã nỗ lực xây dựng nhiều khu công nghiệp (KCN), thu hút các nhà đầu tư đến làm ăn. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. PV Báo Bình Định đã trao đổi với tiến sĩ Trần Du Lịch, Trưởng nhóm tư vấn “Hợp tác phát triển các tỉnh DHMT”, xung quanh vấn đề này. Ảnh: Xuất khẩu hàng hóa qua Cảng Quy Nhơn.
● Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng và lợi thế phát triển của các KCN vùng DHMT nói chung và của tỉnh Bình Định nói riêng?
- Vùng DHMT nằm ở vị trí “khúc ruột” của đất nước, trên trục giao thông Bắc - Nam về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Các quốc lộ 14B, 19, 20, 26, 29 nối các cảng biển trong vùng đến Tây Nguyên, qua Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan… theo hành lang kinh tế Đông Tây. DHMT cũng là cửa ngõ ra biển gần nhất của khu vực nói trên. Vị trí địa lý là một lợi thế quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho vùng DHMT mở rộng giao lưu kinh tế với các tỉnh Tây Nguyên, cả nước và quốc tế.
Trong thời gian qua, các địa phương trong vùng đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN, thu hút được một số dự án có quy mô tương đối lớn. Nhờ đó, vị thế kinh tế của vùng so với cả nước ngày càng được nâng cao. Trong giai đoạn 2006-2011, tỉ trọng GDP của vùng DHMT so với cả nước đã tăng từ 8,9% lên 11,7%; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức khá cao và ổn định, bình quân 12,5%/năm, cao gấp 2 lần so với tỉ lệ tăng trưởng bình quân của cả nước.
Riêng tỉnh Bình Định có vị trí địa kinh tế đặc biệt quan trọng, qua quốc lộ 19 có thể kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào, Campuchia và Đông Bắc Thái Lan. Bình Định có đầy đủ các loại hình giao thông: đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, cho phép Bình Định gắn kết thuận lợi với phần lớn các vùng kinh tế phát triển của cả nước. Đặc biệt, cụm cảng biển quốc tế Quy Nhơn hiện tại có thể tiếp nhận thường xuyên tàu 3 vạn tấn và có thể tiếp nhận tàu 5 vạn tấn khi hành thủy theo chế độ thủy triều, đi đến hầu hết các cảng lớn trên thế giới.
Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, trong những năm qua, Bình Định đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh. Với 5 KCN, Bình Định là một trong những địa phương có nhiều KCN trong vùng. Trong 5 năm qua, các dự án trong các KCN này đã tạo ra khoảng 35% giá trị sản xuất công nghiệp và 40% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, giải quyết việc làm cho 22.000 lao động.
● Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong việc xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư vào các KCN của vùng DHMT?
- Bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng và phát triển các KCN vùng DHMT còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Với số lượng các KCN hiện có cho thấy, việc xây dựng KCN khá dàn trải, dẫn đến phân tán vốn đầu tư; thiếu đồng bộ trong xây dựng kết cấu hạ tầng; gặp khó trong việc thu hút nhà đầu tư. Ngay cả những KCN đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng thì tỉ lệ lấp đầy vẫn còn thấp, đóng góp chưa tương xứng với nguồn lực đã đầu tư; chưa thể hiện được vai trò động lực phát triển kinh tế địa phương như mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, mô hình quản lý và chính sách thu hút đầu tư chưa mang lại hiệu quả; chính sách ưu đãi đầu tư thiếu hấp dẫn, chưa tạo nên sự đột phá trong thu hút đầu tư.
● Còn với tỉnh Bình Định, thưa ông?
- Riêng với Bình Định, ngoài những tồn tại, hạn chế chung của vùng DHMT, việc xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh còn gặp phải một số khó khăn khác. Trong từng KCN còn thiếu sự phân công và liên kết phát triển, dẫn đến hiệu quả đầu tư của các dự án ở đây chưa cao. Phần lớn các dự án trong các KCN này đều là vừa và nhỏ, công nghệ ở dạng trung bình, chưa có những dự án mang tính đột phá… Bên cạnh đó, KCN Phú Tài và Long Mỹ được xây dựng theo hình thức cuốn chiếu, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư một cách đồng bộ, nên đã phát sinh một số vấn đề không tốt về môi trường cũng như vấn đề an ninh trật tự trong KCN...
● Để các KCN này phát triển bền vững và thu hút được các dự án đầu tư lớn, theo ông cần phải có định hướng và giải pháp gì?
- Vấn đề quy hoạch xây dựng và phát triển các KCN trong vùng DHMT đã và đang thực hiện dựa vào tư duy hình thành cơ cấu kinh tế tỉnh; đồng hóa địa giới hành chính với không gian kinh tế, nên không phát huy được thế mạnh ở quy mô vùng. Do đó, vấn đề mấu chốt hiện nay đối với bài toán phát triển khu vực nói chung và phát triển các KCN nói riêng là phải điều chỉnh lại quy hoạch phân bố lực lượng sản xuất trên quy mô vùng làm cơ sở để phân bố nguồn lực đầu tư; giải quyết hệ thống hạ tầng; đào tạo, sử dụng và phát triển thị trường lao động chung.
Đối với các KCN đã xây dựng kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, cần tập trung ưu tiên thu hút những dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại để tạo sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các tỉnh trong vùng cần xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư thống nhất cho các KCN; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua việc đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa liên thông”, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
Đối với Bình Định, ngoài những định hướng, giải pháp phát triển từ sự liên kết vùng, dựa vào lợi thế về địa kinh tế của mình để đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các KCN. Trước mắt, cần tập trung đẩy mạnh xây dựng đồng bộ hạ tầng các KCN đang triển khai, đảm bảo hạ tầng trong và ngoài KCN đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư. Bên cạnh xây dựng hạ tầng, tỉnh cũng cần tập trung thu hút các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ. Bên cạnh đó, tỉnh cần nghiên cứu xin Trung ương chính sách và cơ chế đặc biệt ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư có thế mạnh về công nghiệp hỗ trợ, như Nhật Bản, Hàn Quốc…, tạo bước đột phá trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, vốn còn rất yếu của Bình Định.
● Xin cảm ơn ông!
Trương Chương (nguồn:baobinhdinh.com.vn)
» Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Định đến năm 2035 (10/01/2025)
» Năm 2024, lượng vốn đăng ký đầu tư vào Bình Định tăng cao (31/12/2024)
» Khánh thành Nhà máy sản xuất viên nén và Nhà máy sản xuất dăm gỗ xuất khẩu với tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng (21/09/2024)
» Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn tỉnh Bình Định (29/08/2024)
» Hội thảo khu vực Duyên hải miền Trung “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững” (23/08/2024)
» Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh: Chậm chân sẽ mất cơ hội ! (16/05/2024)
» Bình Định thuộc Top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2023 (09/05/2024)
» Bình Định tổ chức Giải đua thuyền máy Nhà nghề Quốc tế UIM F1H2O và UIM-ABP AQUABIKE Bình Định Grand Prix 2024 (11/03/2024)
» Bình Định cải cách mạnh mẽ trong giải quyết thủ tục đầu tư (09/11/2023)
» Bình Định lên kế hoạch đấu thầu, đấu giá nhiều dự án lớn trong năm 2023 (26/09/2023)