5 năm thu hút vận động ODA vào Bình Định
17/02/2011

 

Trong giai đoạn 2006-2010, việc thu hút và sử dụng ODA vào Bình Định đạt một số kết quả đáng kể, đã thu hút được 20 dự án với tổng vốn gần 3.721 tỷ đồng, kế hoạch giải ngân là 980 tỷ đồng và vốn giải ngân đạt  524 tỷ đồng. Các dự án ODA đã góp một phần trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển.

 

Trong giai đoạn 2006-2010, việc thu hút và sử dụng ODA vào Bình Định đạt một số kết quả đáng kể, đã thu hút được 20 dự án với tổng vốn gần 3.721 tỷ đồng, kế hoạch giải ngân là 980 tỷ đồng và vốn giải ngân đạt  524 tỷ đồng. Các dự án ODA đã góp một phần trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển.

Cơ cấu sử dụng vốn ODA tập trung vào các lĩnh vực Cấp thoát nước - Môi trường, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Y tế - Văn hóa - Xã hội, Giao thông…cụ thể như sau:

+ Lĩnh vực Cấp thoát nước - Môi trường, với 5 dự án, chiếm 47% trong tổng số vốn thực hiện. Trong đó, dự án lớn nhất là “Tiểu dự án Vệ sinh môi trường thành phố Quy Nhơn” do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, với tổng vốn đầu tư hơn 52 triệu USD (khoảng 930 tỷ đồng), thực hiện từ năm 2006, đã giải ngân 182 tỷ đồng. Phần còn lại chủ yếu là các dự án như: “Dự án Cấp nước 9 thị trấn” do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, 3 dự án “Cấp nước và vệ sinh tỉnh Bình Định”, “Nhà máy xử lý rác thải thành phố Quy Nhơn”, “Cải thiện mức sống chung thị trấn Phù Mỹ thông qua tiếp cận với nước sạch” do Chính phủ Vương quốc Bỉ tài trợ. Các dự án đã cải thiện hệ thống cấp nước sinh hoạt, giải quyết cơ bản vấn đề thoát nước, xử lý nước thải, chất thải, rác thải rắn ở thành phố Quy Nhơn, các khu công nghiệp và một số khu đô thị và khu dân cư tập trung.

+  Lĩnh vực Nông nghiệp - Phát triển nông thôn với 8 dự án, chiếm 21% trong tổng số vốn thực hiện. Lớn nhất là dự án “Năng lượng nông thôn II - 25 xã” do WB tài trợ, với tổng vốn đầu tư 4,5 triệu USD (khoảng 97,8 tỷ đồng), thực hiện từ năm 2007, đã giải ngân hơn 15 tỷ đồng. Một số dự án khác gồm: “Dự án Hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng”, “Dự án Phát triển ngành lâm nghiệp”,“Dự án Cạnh tranh nông nghiệp” do WB tài trợ, “Dự án Thủy lợi huyện Phù Mỹ” do Chính phủ Vương quốc Bỉ tài trợ, “Tiểu dự án Hệ thống thủy lợi La tinh” do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ, “Dự án Khôi phục rừng và quản lý rừng bền vững” do Ngân hàng tái thiết Đức (KFW) tài trợ, “Dự  án Sinh kế nông thôn bền vững tỉnh Bình Định - Kết nối hộ nông dân nghèo với thị trường, do Chính phủ New Zealand (NZAID) tài trợ. Các dự án này chủ yếu dành cho các huyện nghèo của tỉnh như Vân Canh, Phù Mỹ, Phù Cát..., góp phần quan trọng giúp các địa phương đầu tư phát triển nông nghiệp và nông thôn, cải thiện một bước đời sống của người dân các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

+ Lĩnh vực Y tế, văn hóa, xã hội chiếm tỷ lệ 25% trong tổng vốn thực hiện, với số lượng 5 dự án, phần lớn dự án là nguồn viện trợ không hoàn lại. Các dự án đã góp phần  nâng cấp cơ sở trang thiết bị y tế, nâng cao chất lượng cũng như tiếp cận các dịch vụ y tế cho người dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, chăm sóc giáo dục trẻ em mầm non và học sinh trung học, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng chống dịch bệnh, phòng ngừa các đại dịch cúm ở người, gia cầm.

+ Lĩnh vực Giao thông nông thôn có 2 dự án: “Nâng cấp cải tạo mạng lưới giao thông khu vực Miền Trung giai đoạn 3” do ADB và Quỹ phát triển Bắc Âu đồng tài trợ, “Giao thông nông thôn 3” do WB tài trợ. Các dự án tuy số vốn không lớn nhưng đã  góp phần vào việc cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn và miền núi, là những khu vực còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng.

Phần lớn các dự án ODA triển khai tại tỉnh thuận lợi, mang lại kết quả thiết thực cho người dân, được các nhà tài trợ tiếp tục mở rộng, cam kết tiếp tục thực hiện sang giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên ở một vài dự án vẫn tồn tại một số khó khăn như: năng lực quản lý còn hạn chế, ảnh hưởng đến công tác lập kế hoạch, xây dựng dự án chưa sát với thực tiễn, đúng yêu cầu của nhà tài trợ dẫn tới thiếu hụt nguồn vốn làm tiến độ thực hiện dự án bị chậm so với kế hoạch như Tiểu dự án Vệ sinh môi trường thành phố Quy Nhơn…; các dự án trong quá trình thực hiện còn gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, thi công, thủ tục đầu tư xây dựng và bố trí nguồn vốn đối ứng….

Trong thời gian tới mục tiêu thu hút ODA của tỉnh  tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xóa đói giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, Y tế - giáo dục, cải thiện môi trường….

                                                                                                                          Hạnh Nguyên