Tổ công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư làm việc tại Bình Định
06/08/2008

 

Trong 2 ngày 5 - 6/8/2008, Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp (DN) và Luật Đầu tư của Chính phủ do Tiến sĩ Đinh Văn Ân (ảnh dưới, bìa phải) - Tổ phó thường trực Tổ Công tác, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn đến làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư để tìm hiểu thực tế triển khai thi hành Luật DN, Luật Đầu tư và triển khai thực hiện các dự án đầu tư sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) trên địa bàn tỉnh.

 

Trong 2 ngày 5 - 6/8/2008, Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp (DN) và Luật Đầu tư của Chính phủ do Tiến sĩ Đinh Văn Ân (ảnh dưới, bìa phải) - Tổ phó thường trực Tổ Công tác, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn đến làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư để tìm hiểu thực tế triển khai thi hành Luật DN, Luật Đầu tư và triển khai thực hiện các dự án đầu tư sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) trên địa bàn tỉnh.

 

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau 2 năm thực hiện Luật DN có 1.438 DN thành lập mới (488 DNTN, 833 công ty TNHH, 117 công ty cổ phần), tổng số vốn đăng ký 6.930 tỷ đồng. Số DN đăng ký tăng bình quân khoảng 25%/năm. Cấp đăng ký hoạt động cho 290 đơn vị. Đăng ký thay đổi 2.861 trường hợp. Bình Định đã xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” đối với 03 thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu và Giấy chứng nhận đăng ký thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khi thành lập và đăng ký thay đổi. 

Trong khi đó, từ khi thực hiện Luật Đầu tư mới, UBND tỉnh đã cấp GCNĐT cho 115 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 8.860 tỷ đồng, trong đó 10 dự án FDI (31,8 triệu USD). Riêng trong năm 2008, cấp mới 25 dự án, mở rộng 12 dự án trong nước và cấp mới 2 dự án, đăng ký lại 3 dự án FDI. Ban Quản lý các khu công nghiệp cấp GCNĐT cho 31 dự án trong nước (852 tỷ đồng) và 3 dự án FDI (8,815 triệu USD). Ban quản lý KKT Nhơn Hội cấp GNCĐT cho 16 dự án trong nước (7.034 tỷ đồng) và 2 dự án FDI (284 triệu USD). Như vậy, tính đến 31/7/2008, toàn tỉnh đã cấp GCNĐT cho khoảng 162 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 16.746 tỷ đồng và 15 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 323,8 triệu USD. Hiện nay toàn tỉnh có 31 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 372,6 triệu USD.

Trong đợt làm việc này, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tổng hợp phản ánh với Tổ Công tác nhiều vướng mắc trong quá trình thi hành 2 luật này và kiến nghị tháo gỡ. Nội dung chủ yếu tập trung vào các vấn đề liên quan đến vốn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; trường hợp nhà đầu tư là Việt kiều; việc thay đổi chủ sở hữu công ty một thành viên; sửa đổi, bổ sung một số biểu mẫu phục vụ công tác đăng ký kinh doanh; mã số của DN thành lập trong trường hợp cấp GCNĐT gắn với thành lập doanh nghiệp; cấp GCNĐT đối với dự án trong nước; quy định về thoả thuận địa điểm đối với dự án có sử dụng đất, quy định về địa điểm đặt trụ sở doanh nghiệp, chi nhánh; mẫu biểu hồ sơ đề nghị cấp GCNĐT; thời hạn thẩm tra điều chỉnh GCNĐT; sự không tương thích giữa Luật Đầu tư và các luật khác, trình tự thực hiện các thủ tục liên quan đến dự án đầu tư; việc đăng ký lại doanh nghiệp FDI; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; quy định ký quỹ đầu tư; đơn giản hoá thủ tục đầu tư ra nước ngoài; phân cấp cấp GCNĐT đối dự án BOT, BT, BTO…

Các vướng mắc, kiến nghị đã được Tổ Công tác ghi nhận, tổng hợp trình Chính phủ để có biện pháp sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn trong thời gian sớm nhất.

Tổ công tác cũng đã thăm và làm việc với Tổng công ty Pisico để trực tiếp nghe ý kiến của doanh nghiệp về những vướng mắc trong việc thi hành 2 luật trên, đồng thời tìm hiểu những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong điều kiện lạm phát hiện nay. Thay mặt lãnh đạo Tổng công ty Pisico, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Tấn Binh cho biết 6 tháng đầu năm nhờ dự báo và ứng phó khá tốt nên Tổng công ty vẫn đảm bảo kinh doanh đạt lợi nhuận 52% chỉ tiêu cả năm. Tuy nhiên, biến động tỷ giá USD đã gây thiệt hại khá lớn cho đơn vị. Lãi suất cao và việc siết chặt cho vay như hiện nay là áp lực rất nặng nề đối với Tổng công ty, các đơn vị thành viên và các doanh nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn. Nếu không có nguồn tài chính chủ động được gỗ nguyên liệu thì kế hoạch sản xuất kinh doanh sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nên chăng Nhà nước cần có ưu đãi về hạn mức, lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp chế biến gỗ, mặt hàng nằm trong top các mặt hàng xuất khẩu của cả nước. Để đối phó với lạm phát, Tổng công ty đã quyết định cắt giảm một số dự án đầu tư như trụ sở Tổng công ty và nhà máy tinh chế gỗ với tổng vốn 190 tỷ đồng, đồng thời rà soát lại các định mức, tiết kiệm chi phí.

Ông Binh cho rằng đối với doanh nghiệp thì không có vướng mắc lớn về Luật DN và Luật Đầu tư, chỉ có một vấn đề đáng quan tâm là cần có sự phối hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hai nước Việt Nam và Lào nhằm hỗ trợ các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đảm bảo đủ thủ tục và triển khai được thuận lợi.