Định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong 5 năm đến (2011-2015) đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII thông qua. Trong đó, mục tiêu bao trùm là xây dựng Bình Định thành một trong những trung tâm quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020. Vậy tỉnh Bình Định sẽ thực hiện định hướng phát triển này như thế nào?
Định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong 5 năm đến (2011-2015) đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII thông qua. Trong đó, mục tiêu bao trùm là xây dựng Bình Định thành một trong những trung tâm quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020. Vậy tỉnh Bình Định sẽ thực hiện định hướng phát triển này như thế nào?
Một “đầu tàu” tăng trưởng
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XVIII đã xác định mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội cho 5 năm 2011 - 2015 là tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tạo tiền đề để đến năm 2020 Bình Định cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.
Các chỉ tiêu chủ yếu bao gồm: tổng sản phẩm địa phương bình quân hằng năm tăng 13% - 14%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 2.700 triệu USD. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 43% GDP. Mỗi năm tạo việc làm mới cho 25.000 - 30.000 lao động. Đến năm 2015, GDP bình quân đầu người đạt hơn 2.000 USD. Tổng thu ngân sách đạt 5.500 tỷ đồng.
Quyết tâm chính trị rất lớn là xây dựng tỉnh Bình Định thành một trong những trung tâm quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có sức lan tỏa về giao lưu, hợp tác kinh tế trong và ngoài nước, nhất là đối với các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
Để đạt được điều đó, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển như: Tập trung phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, tiếp tục tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của địa phương. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã và đang triển khai. Tập trung phát triển Khu Kinh tế Nhơn Hội nhằm tạo bước đột phá quan trọng cho sự phát triển kinh tế của tỉnh thông qua các dự án đầu tư quan trọng đã được Chính phủ phê duyệt như Nhà máy Lọc - Hóa dầu; các dự án trong các khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch trong Khu Kinh tế Nhơn Hội; lấp đầy các dự án của các Khu Công nghiệp Nhơn Hòa (huyện An Nhơn), Khu công nghiệp Hòa Hội (huyện Phù Cát); tập trung triển khai đồng bộ các dự án du lịch ven biển đã được phê duyệt…
Cảng biển: Động lực quan trọng
Ngày 12.8.2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1085/QĐ-TTg, phê duyệt quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (vùng KTTĐMT - vùng Trung Trung Bộ) đến năm 2025. Quy hoạch xác định Quy Nhơn sẽ là trung tâm tăng trưởng kinh tế phía của vùng, là đầu mối giao thông đường bộ và cảng biển phục vụ trực tiếp cho vùng Tây Nguyên, thu hút nguồn vốn, cơ hội đầu tư trong nước và quốc tế.
Để thực hiện được vai trò đầu tàu, động lực trong vùng kinh tế trọng điểm, việc thực hiện chiến lược phát triển hệ thống cảng biển ở Bình Định là một yếu tố có vai trò then chốt. Trong thời gian tới hệ thống cảng biển ở Bình Định sẽ được tập trung đầu tư nâng cấp cảng hiện có và quy hoạch xây dựng thêm hệ thống cảng mới đáp ứng nhu cầu phát triến kinh tế theo hướng hội nhập quốc tế, mở rộng giao thương. Với việc thực hiện quy họach này, dự kiến đến năm 2020, Bình Định sẽ có một trung tâm cảng biển có quy mô và tầm cỡ trong cả nước và là động lực quan trọng để thành phố Quy Nhơn trở thành đầu tàu kinh tế phía Nam của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đồng thời là một trung tâm giao thương quốc tế của hành lang kinh tế Đông – Tây qua đường 19 và cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum).
Một trong những mũi nhọn mang tính động lực, đột phá là cần đẩy mạnh và phát huy hiệu quả các tiềm năng và lợi thế của cụm cảng Quy Nhơn; phấn đấu nâng sản lượng hàng hóa thông qua từ trên 5 triệu tấn/năm hiện nay, lên gấp hai, ba lần trong 5 năm tới, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư và nhu cầu vận chuyển hàng hóa đường biển ngày càng lớn của Bình Định và khu vực.
Đã có lộ trình phát triển
Hiện tại, Bình Định đã có hai cảng biển tại Quy Nhơn hoạt động rất hiệu quả là Cảng Quy Nhơn và Cảng Thị Nại. Trong thời gian tới hai cảng này sẽ tiếp tục được đầu tư nâng cấp để tăng công suất và năng lực hoạt động. Dự kiến, sau khi được đầu tư nâng cấp, hai cảng này sẽ có tổng công suất hàng hoá thông qua lên đến 8 triệu tấn/năm vào năm 2020.
Bình Định còn có hai dự án xây dựng cảng đã được triển khai. Đó là dự án Cảng nước sâu Nhơn Hội tại Khu kinh tế Nhơn Hội) được qui hoạch xây dựng trên diện tích 165 ha, đảm bảo cho tầu có trọng tải 3 vạn tấn vào cập cảng và dự kiến hàng hoá thông qua cảng đạt 3 triệu tấn/năm; Dự án Cảng tổng hợp thuế quan tại khu kinh tế Nhơn Hội sẽ được xây dựng trên diện tích 119 ha, với tổng chiều dài tuyến bến 2.117 m, trong đó có bến cho tàu container dài 1.180 để phục vụ cho tàu trọng tải từ 2-3 vạn tấn cập bến và xây dựng bến bách hoá dài 937 m phục vụ cho tàu trọng tải từ 1- 3 vạn tấn; với năng lực 1,5 - 2 triệu tấn hàng hoá thông qua cảng/năm…
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Định còn qui hoạch xây dựng một số cảng mới ở địa phương như cảng Tam Quan (Hoài Nhơn) với 3 bến tàu, tiếp nhận tàu trọng tải 3 nghìn tấn và công suất đạt gần 1 triệu tấn/năm; cảng Đề Gi (Phù Cát) với 5 bến tàu, tiếp nhận tàu có trọng tải 2 vạn tấn cập bến và xây dựng khu neo đậu tàu thuyền quy mô 20 ha cho 800 tàu cá trú bão, dự kiến công suất đạt 3 triệu tấn vào năm 2020; xây dựng cảng Đống Đa và cảng Xăng dầu (Quy Nhơn), tiếp nhận tàu trọng tải 1 vạn tấn cập bến.
Trong thời gian tới, việc thực hiện quy hoạch xây dựng cụm cảng Quy Nhơn - Nhơn Hội - Thị Nại - Đống Đa sẽ được hiện thực hóa và là cụm cảng biển quốc tế có quy mô lớn trong hệ thống cảng biển của Việt Nam. Đặc biệt, sau khi KKT Nhơn Hội hình thành và đi vào hoạt động, cụm cảng Quy Nhơn - Nhơn Hội - Thị Nại - Đống Đa sẽ trở thành đầu mối trung chuyển và trung tâm giao thương, kinh tế của Tiểu vùng Mê Kông và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong giai đoạn từ 2011 đến 2020, mục tiêu Bình Định phải đạt được là đầu tư xây dựng hệ thống cảng theo quy hoạch, đáp ứng cho tàu có trọng tải 5 vạn tấn cập bến và dự kiến sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt từ 11,5 – 12 triệu tấn vào năm 2020.
Trong khoảng 10 năm gần đây, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển của Quy Nhơn đã tăng trưởng rất nhanh. Đến năm 2010, Cảng Quy Nhơn đã đạt sản lượng hàng hóa thông qua 4,5 triệu tấn/năm, cụm cảng biển Quy Nhơn đã trên 5 triệu tấn/năm. Điều đó khẳng định vai trò đầu mối giao thương hàng hóa ra biển của hệ thống cảng biển tại Quy Nhơn. Bình Định là một đầu tàu tăng trưởng của khu vực kinh tế trọng điểm của miền Trung thì vai trò của cụm cảng Quy Nhơn lại càng quan trọng, nhất là trong việc tạo động lực, góp phần thúc đẩy việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là Khu kinh tế Nhơn Hội.
Hạnh Nguyên (Theo báo Bình Định)