FDI 2010: Ba câu chuyện góp nhặt
30/12/2010

 

Thật khó nói chính xác việc vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2010 tăng ở con số thực hiện và giảm ở vốn cam kết là đáng mừng hay đáng lo. VnEconomy thuật lại ba câu chuyện gần đây với hy vọng đưa ra một góc nhìn chân thực hơn về các con số thu hút FDI gần 18,6 tỷ USD và giải ngân 11 tỷ USD của năm nay.

 

Thật khó nói chính xác việc vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2010 tăng ở con số thực hiện và giảm ở vốn cam kết là đáng mừng hay đáng lo. VnEconomy thuật lại ba câu chuyện gần đây với hy vọng đưa ra một góc nhìn chân thực hơn về các con số thu hút FDI gần 18,6 tỷ USD và giải ngân 11 tỷ USD của năm nay.

Câu chuyện thứ nhất

“Một điển hình về thu hút FDI năm nay là Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng khi tôi vào làm việc thì họ kêu trời về phân cấp”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nói trong một hội thảo gần đây tại Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Cuộc trao đổi của ông Thiên khi đó với lãnh đạo Bà Rịa - Vũng Tàu được ông thuật lại, liên quan đến 18 dự án thép được cấp phép tại địa phương này: “Tôi hỏi sao các ông ký lắm thế, trong quy hoạch thế nào? Họ bảo là quy hoạch của Bộ Công Thương có 6-7 cái thôi, tỉnh cho làm 6-7 cái, nhưng chết cái là khu công nghiệp cũng được quyền cấp dự án”.

Sự phân cấp thiếu phối hợp đã dẫn đến việc Bà Rịa - Vũng Tàu đánh đổi lợi thế quan trọng nhất của mình là biển để lấy các dự án thép, ông Thiên rút ra kết luận từ trường hợp này.

“Bây giờ muốn giảm cũng không được vì trao giấy phép mất rồi”, ông bình luân. “Nhưng cũng may là các dự án này chưa vào hết”.

 
Kết quả thu hút FDI giai đoạn 2001-2005 và 2006-2010.
 
Trong 6 tháng đầu năm nay, Bà Rịa - Vũng Tàu đã buộc phải thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 4 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Cuối tháng 8/2010, huyện Đất Đỏ đã kiến nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện thu hồi 7 dự án, huyện Xuyên Mộc cũng đề xuất thu hồi một số dự án “ngâm” nhiều năm mà không có động tĩnh gì.

Cũng liên quan đến việc phân quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư, theo thông tin tham khảo từ 10 dự án có số vốn đăng ký lớn nhất tính đến nay, với khu liên hợp thép Cà Ná vốn đầu tư gần 9,8 tỷ USD khởi công giai đoạn 1 vào cuối năm 2008, thì nay Ninh Thuận đang dự tính thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.

Hay Phú Yên mới đây công bố đang chuẩn bị thủ tục thu hồi dự án Thành phố sáng tạo Nam Tuy Hòa có vốn đăng ký 11,4 tỉ USD. Quảng Nam cũng đã mạnh tay ký quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án khu du lịch sinh thái Bãi Biển Rồng 4,15 tỉ USD. Dự án thép Formosa Hà Tĩnh cũng đã bị nhắc nhở nhiều lần vì triển khai quá chậm…

Câu chuyện thứ hai

“Về đầu tư nước ngoài, những năm gần đây chúng ta quan tâm nhiều đến con số giải ngân nhưng chưa quan tâm đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội của dự án, hiệu quả thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu kinh tế như thế nào”, Phó vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp của Văn phòng Chính phủ Nguyễn Tuấn Anh nói thêm từ ý của ông Thiên.

“Tôi lấy một ví dụ, có rất nhiều liên doanh, nhiều dự án đầu tư nước ngoài báo cáo lỗ”, ông nêu dẫn chứng. Nhưng có một điều rất đáng ngạc nhiên là tuy lỗ, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài luôn muốn mua lại phần vốn của Việt Nam... “Thế thì hiệu quả đầu tư nước ngoài như thế nào phải có đánh giá”, ông Nguyễn Tuấn Anh lưu ý.

Tăng trưởng khu vực FDI (đường màu xanh dương là tăng lao động)
Tại phiên chất vấn Quốc hội hôm 23/11, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cũng giải trình về vấn đề này. Theo Bộ trưởng Ninh, trong 3 năm gần đây, Bộ đã thực hiện thanh tra 127 doanh nghiệp FDI kêu lỗ. Kết quả cho thấy, nhiều doanh nghiệp lỗ ảo nhưng lãi thật, và phần lãi được chuyển sang công ty mẹ tại nước ngoài. Bộ Tài chính đã thực hiện truy thu 1.450 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp này.

“Chính sách đầu tư của chúng ra đã tạo ra hệ quả là việc chuyển giá của doanh nghiệp FDI. Nếu chúng ta không giảm thuế đầu vào nữa thì tự nhiên sẽ triệt tiêu động lực chuyển giá”, ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu quan điểm.

Theo ông Cung, không nên cố ngăn chặn chuyển giá mà cần tìm một đối tượng đầu tư khác. “Hai tiêu chí phải lấy lên hàng đầu trong thu hút đầu tư FDI: một là công nghệ, hai là có thặng dư ngoại tệ”, ông nói.

Câu chuyện thứ ba

Tính trong khoảng 20 năm nay, FDI có 3 điểm được, một là tăng về vốn, hai là tăng về số dự án và ba là tăng về lao động, trong đó lao động là tăng nhanh nhất, nhiều nhất, còn vốn thực hiện là tăng ít nhất. “Điều đó có nghĩa là FDI đổ vào các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động”, ông Nguyễn Đình Cung cho hay.

Tăng trưởng khu vực FDI (đường màu xanh dương là tăng lao động)


Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam do CIEM và Học viện Cạnh tranh Châu Á cùng thực hiện cũng rút ra một số kết luận quan trọng. Theo báo cáo, FDI vào Việt Nam có đóng góp đáng kể đến tăng trưởng xuất khẩu, góp phần tạo việc làm, nhưng không giúp tăng nhiều mức độ thịnh vượng của quốc gia ngoài việc tạo công ăn việc làm ở mức tiền lương tối thiểu trong khu vực chế tạo.

Nghiên cứu của các cơ quan thực hiện báo cáo cũng chỉ rõ: “Không thấy nhiều bằng chứng về tác dụng tràn của FDI đối với phần còn lại của nền kinh tế trong việc nâng cao năng suất và trình độ công nghệ”.

Cũng báo cáo cho rằng các lợi thế của Việt Nam trong thu hút FDI như lao động chi phí thấp đang dần mất đi, trong khi kỹ năng lao động chưa được cải thiện tương ứng. “Việt Nam cần một chiến lược mới nếu muốn thu hút FDI chất lượng cao, tạo nhiều giá trị hơn là chỉ tạo việc làm với mức lương tối thiểu”, báo cáo kết luận.

Lâu nay, mục tiêu quan trọng nhất đặt ra khi mở của đón đầu tư nước ngoài là thu hút vốn, công nghệ, trình độ quản lý nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam đã không còn được quan tâm đầy đủ. Những chuyển biến trong nhận thức của cơ quan quản lý, rõ nhất chỉ mới giới hạn ở hoán đổi chú ý đến vốn giải ngân, thay vì vốn đăng ký trước đây.

Bảo An (Nguồn: www.vneconomy.com.vn)