10 năm Luật Doanh nghiệp: Doanh nghiệp tư nhân đang ở đâu?
30/12/2010

 

Với nhan đề “Vươn tới tầm cao mới”, báo cáo đặc biệt về nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tư nhân trong thập niên tới của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã đưa ra những nhận định và kiến giải đáng chú ý về lĩnh vực này. Chúng tôi xin trích một số nội dung của báo cáo này trong bối cảnh kỷ niệm 10 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp, văn bản mở đường cho sự phát triển của kinh tế tư nhân.

 

Với nhan đề “Vươn tới tầm cao mới”, báo cáo đặc biệt về nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tư nhân trong thập niên tới của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã đưa ra những nhận định và kiến giải đáng chú ý về lĩnh vực này. Chúng tôi xin trích một số nội dung của báo cáo này trong bối cảnh kỷ niệm 10 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp, văn bản mở đường cho sự phát triển của kinh tế tư nhân.

Tăng trưởng tốt, nhưng tích lũy thấp

Trong 10 năm qua, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân chủ yếu tập trung vào tăng trưởng về mặt số lượng đăng ký thành lập doanh nghiệp mới. Sau khi Luật Doanh nghiệp 1999 được áp dụng, nới lỏng các hạn chế và điều kiện gia nhập thị trường chính thức, số lượng đăng ký kinh doanh đã tăng nhanh chóng và liên tục qua các năm.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 3 năm từ 2000-2002 cộng lại đã vượt qua tổng số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong 10 năm trước đó.

Đáng chú ý là so sánh mối liên hệ giữa đầu tư và sản lượng GDP của ba khu vực doanh nghiệp thông qua hệ số ICOR (đo lường số đơn vị đầu tư tính theo % GDP để tạo ra một đơn vị tăng trưởng GDP - PV) cho thấy khu vực tư nhân vẫn có hiệu quả đầu tư cao nhất.

Năm 2001, để tạo ra 1 đơn vị giá trị GDP doanh nghiệp tư nhân cần 2,63 đơn vị đầu tư; trong khi doanh nghiệp Nhà nước cần tới 7,42 đơn vị và đầu tư nước ngoài cần 6,29 đơn vị. Năm 2007, hệ số ICOR của khu vực tư nhân có tăng lên 3,74, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với 8,28 và 4,99 của doanh nghiệp Nhà nước và đầu tư nước ngoài.

Mặc dù vậy, khi tính các chỉ số doanh thu/tổng tài sản và lợi nhuân trên tài sản, vốn chủ sở hữu và doanh thu lại cho những kết quả khác biệt. Khu vực tư nhân luôn có thể tạo ra nhiều doanh thu hơn với cùng một giá trị tài sản. Trong khi 1,0 tỷ đồng tài sản tạo ra được 1,18 tỷ đồng doanh thu thì doanh nghiệp Nhà nước chỉ tạo ra được 0,80 tỷ đồng và đầu tư nước ngoài tạo ra 0,89 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các chỉ số liên quan đến lợi nhuận của khu vực tư nhân lại kém hơn nhiều so với hai khu vực còn lại. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của khu vực tư nhân vào năm 2008 chỉ đạt 3.7%, thấp hơn rất nhiều với mức lãi suất ngân hàng.

Hiện tượng không bình thường này do nhiều nguyên nhân. Một số lượng lớn các doanh nghiệp tư nhân thua lỗ, tức lợi nhuận âm hoặc đang hoạt động ở mức hòa vốn. Doanh nghiệp tư nhân đang chịu gánh nặng về chi phí đầu vào cao so với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác do họ không được hưởng những ưu đãi về đất đai, tín dụng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân không có khả năng tiếp cận hạn chế hơn tới các thương quyền, cơ hội kinh doanh và tham gia vào những những ngành có khả năng tham gia những ngành lợi nhuận cao như viễn thông, hoặc tham gia vào các hoạt động cung ứng trong các hợp đồng mua sắm cho khu vực công.

Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân phần lớn là nhỏ, tính liên kết thấp và do vậy không tận dụng được những lợi thế theo quy tắc hiệu quả nhờ quy mô và trình độ công nghệ thường thấp hơn do mức độ vốn thấp và do vậy các doanh nghiệp này chủ yếu là thâm dụng lao động trong khi chi phí lao động ngày một tăng.

Ngoài ra, còn một số ý kiến cho rằng các doanh nghiệp tư nhân có khuynh hướng “giấu bớt” thu nhập của mình trong khi các doanh nghiệp nhà nước lại có xu hướng ngược lại. Dù bất kỳ lý do gì, về tỷ suất lợi nhuận hết sức thấp của khu vực doanh nghiệp cũng phản ánh khá chính xác bức tranh toàn cảnh của các doanh nghiệp tại khu vực này.

Vấn đề là, tỷ suất lợi nhuận quá thấp có thể đưa lại những hệ lụy xấu. Tỷ suất lợi nhuận quá thấp đe dọa tới sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp tư nhân. Trong khi say sưa về số lượng các doanh nghiệp được đăng ký thành lập mỗi năm, sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh lại chưa được chú ý đúng mức. Tỷ suất lợi nhuận quá thấp này báo hiệu sẽ có rất nhiều doanh nghiệp buộc phải rút lui khỏi thị trường hoặc thể hiện một môi trường kinh doanh không thuận lợi và quá khó khăn tại Việt Nam.

Tỷ suất lợi nhuận quá thấp không hỗ trợ tốt cho quá trình tích lũy vốn của các doanh nghiệp. Tỷ suất lợi nhuận quá thấp cũng là lý do tại sao nhiều doanh nghiệp tư nhân đã không thể nâng cấp quy mô của mình thành vừa - một bước đệm cần thiết để trở thành lớn.

Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận thấp là một điểm quan trọng trong cả một vòng luẩn quẩn đối với doanh nghiệp nhỏ. Lợi nhuận thấp nên không thể mở rộng quy mô, và do vậy không thể đầu tư mở rộng thị trường, nâng cấp công nghệ, đầu tư vào con người, cải tiến sản phẩm, và do vậy lợi nhuận tiếp tục thấp. 

Ưu đãi đầu tư: Khi “nhà nước” thắng thế

Báo cáo cho rằng hệ thống ưu đãi đầu tư hiện nay đạt được kết quả nhất định trong việc thúc đấy phát triển doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, dường doanh nghiệp tư nhân chịu thiệt thòi hơn trong các chính sách đầu tư và hỗ trợ của nhà nước.

Một số ngành công nghiệp được Nhà nước đầu tư nhiều nguồn lực hoặc bảo hộ đầu tư là các ngành công nghiệp nặng, với định hướng “thay thế nhập khẩu” và hướng vào các thành phần ưu tiên như doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực dầu khí, đóng tầu, các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực chế tạo ôtô, điện tử... Doanh nghiệp tư nhân trong nước không có sự chuẩn bị và nguồn lực để tham gia vào các chương trình này nếu không nói là bị bỏ rơi.

Việc Chính phủ đầu tư nhiều tiền vào Vinashin với mong muốn phát triển một ngành đóng tàu Việt Nam lớn mạnh cũng được coi là yếu tố kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân, tạo ra xu hướng ngược lại là công ty tư nhân tìm cách “khoác áo” tập đoàn như nhiều công ty đóng tàu tư nhân tìm mọi cách khoác áo Vinashin cách đây 3-4 năm.

Chính sách ưu tiên phát triển các tập đoàn với kỳ vọng sẽ trở thành các “quả đấm thép” của nền kinh tế. Nhưng thực tế đây lại được xem là những “lỗ đen” hút các nguồn lực của xã hội (như vốn, đất đai, thị phần…) và sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp tư nhân.

Điều đáng lưu ý là chính sách này tạo ra các lệch lạc về mặt chính sách như tạo ra hàng rào thuế quan để bảo hộ cho một ngành không có sức cạnh tranh hay đầu tư vào một số ngành không có tương lai. Khi tạo ra các tập đoàn, tổng công ty quá lớn (thực ra là một sự lắp ghép cơ học) thì cơ hội cho khu vực kinh tế tư nhân bị thu hẹp.

Trong bối cảnh đó, mức độ liên kết, lan tỏa của khu vực doanh nghiệp Nhà nước và FDI đối với doanh nghiệp dân doanh lại quá thấp. Dù khu vực FDI chiếm tỷ trọng ngày càng lớn ở Việt Nam nhưng chỉ 6,9% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có quan hệ làm ăn với các doanh nghiệp FDI (theo kết quả điều tra 9.890 doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam), phản ánh mức độ lan tỏa và ảnh hưởng của khu vực FDI đối với các doanh nghiệp dân doanh trong nước rất thấp.

Đối với khu vực doanh nghiệp Nhà nước cũng vậy: mức độ lan toả và kết nối của các doanh nghiệp nhà nước đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng còn yếu kém. Theo điều tra năm 2009 của VCCI thì chỉ có 15% doanh nghiệp dân doanh có quan hệ hợp tác, làm ăn với các doanh nghiệp Nhà nước.

* Theo kế hoạch đầu tư phát triển dự kiến năm 2011 vừa được Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội, vốn ngân sách rót cho năm tập đoàn, tổng công ty 91 trong năm tới dự kiến là 5.180 tỷ đồng, tăng thêm 235 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2010. Trong số 5.200 tỷ đồng kể trên, vốn trong nước dự kiến là 4.080 tỷ đồng và vốn nước ngoài là 1.100 tỷ đồng.

Bảo An (Nguồn: www.vneconomy.com.vn)