Ngày 27.12, tại TP Quy Nhơn, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của ngành KH-ĐT Việt Nam (31.12.1945 – 31.12.2010), 35 năm ngày thành lập Sở KH-ĐT Bình Định và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì… Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy đã đến dự.
* Từ Ủy ban Kế hoạch đến Sở KH-ĐT
Trong buổi lễ ngành KH-ĐT đón nhận Huân chương Sao Vàng vào ngày 4.11.2000, Thủ tướng Phan Văn Khải đã quyết định lấy ngày 31.12.1945 (ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 78-SL thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch) là ngày truyền thống của ngành KH-ĐT. Kể từ đây, ngành KH-ĐT đã lấy ngày 31.12 hàng năm là ngày lễ chính thức của mình.
Đối với Bình Định, sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Ủy ban (UB) Kế hoạch tỉnh Bình Định ra đời được một thời gian ngắn thì có sự hợp nhất hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi thành tỉnh Nghĩa Bình. Theo đó, UB Kế hoạch tỉnh Nghĩa Bình ra đời và tồn tại trong thời gian 14 năm (từ 1976 đến 1989). Năm 1989, khi tỉnh Bình Định được tái lập thì UB Kế hoạch tỉnh lại trở về với tên trước đây của mình. Ngày 23.3.1996, theo Quyết định số 526/QĐ-UB của UBND tỉnh, UB Kế hoạch tỉnh Bình Định được tổ chức lại và đổi tên thành Sở KH-ĐT tỉnh Bình Định.
Sở KH-ĐT Bình Định là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về kế hoạch và đầu tư, gồm: tổng hợp về quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH; tổ chức thực hiện và đề xuất cơ chế, chính sách quản lý KT-XH trên địa bàn tỉnh; đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài ở địa phương; quản lý nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); đấu thầu; đăng ký kinh doanh trong phạm vi địa phương; tổng hợp và thống nhất quản lý các vấn đề về doanh nghiệp (DN), kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân; tổ chức cung ứng các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở theo quy định của pháp luật.
Qua nhiều thế hệ, ngành KH-ĐT Bình Định đã xây dựng và duy trì được một tập thể có truyền thống đoàn kết, gắn bó, luôn tương trợ, giúp đỡ nhau và tận tâm với công việc. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành luôn cố gắng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ và nắm bắt thực tiễn để từng bước phát triển và trưởng thành, thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó.
* Góp phần phát triển KT-XH
Ngay từ ngày đầu thành lập, ngành KH-ĐT đã làm tốt vai trò tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng và thực hiện kế hoạch khắc phục hậu quả và tái thiết kinh tế sau chiến tranh. Những năm tiếp theo, ngành đã chủ trì xây dựng các phương án, kế hoạch tổ chức lại nền sản xuất xã hội, phân bố lại lực lượng sản xuất, quy hoạch phát triển dài hạn một số ngành kinh tế…. Nhờ vậy mà tỉnh Nghĩa Bình nói chung và sau này tỉnh Bình Định tái lập đã có những bước phát triển đúng hướng trong từng lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn tiếp theo.
Từ sau Đại hội VI của Đảng, ngành Kế hoạch tỉnh đã đi đầu trong thực hiện đường lối đổi mới mà khâu đầu tiên là đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đổi mới công tác kế hoạch hóa… Công tác kế hoạch đã từng bước định hình nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch và các cơ chế, chính sách thích hợp. Công tác kế hoạch đã góp phần đổi mới hệ thống quản lý, gắn yêu cầu đổi mới với tăng trưởng kinh tế, mở rộng quan hệ thị trường, sắp xếp và nâng cao hiệu quả kinh tế quốc doanh, đổi mới DN nhà nước, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đồng thời phát triển các lĩnh vực xã hội, nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường… Qua đó, ngành KH-ĐT đã góp phần quan trọng cùng cả tỉnh hoàn thành toàn diện và vượt mức các mục tiêu đề ra như: duy trì tăng trưởng GDP với tốc độ khá cao, tăng sản lượng lương thực, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách và huy động các nguồn lực cho đầu tư; đồng thời đảm bảo an sinh xã hội và từng bước cải thiện mức sống của nhân dân.
Với chức năng quản lý đăng ký kinh doanh, làm đầu mối giải quyết thủ tục đầu tư, quản lý công tác xúc tiến đầu tư và hợp tác của tỉnh, Sở KH-ĐT luôn quan tâm đến công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nhằm đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu của các DN, nhà đầu tư và đối tác; là đơn vị đi đầu của tỉnh trong cải cách thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đầu tư, thẩm định dự án đầu tư, thẩm định đấu thầu… Công tác hợp tác trong nước, hợp tác với các tỉnh Nam Lào cũng được Sở KH-ĐT quan tâm, tham mưu cho UBND tỉnh các nội dung, chương trình hợp tác thiết thực, tích cực hỗ trợ các DN triển khai hợp tác, đầu tư, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH, vừa nâng cao vị thế của tỉnh Bình Định ở trong nước và nước ngoài.
Những thành tích trong công tác cải cách thủ tục hành chính mà Sở KH-ĐT tỉnh đạt được trong những năm qua luôn gắn liền với việc xây dựng, quảng bá hình ảnh, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh của tỉnh. Bên cạnh việc phát huy những yếu tố lợi thế truyền thống về vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng, Bình Định còn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng những yếu tố “mềm” như chính sách, cách làm, tinh thần, thái độ nhằm tạo dựng môi trường đầu tư - kinh doanh thật sự thông thoáng, thân thiện với cộng đồng doanh nghiệp cả trong nước cũng như nước ngoài. Nhờ vậy, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bình Định từ lần đầu tiên được công bố năm 2005 đến nay luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.
* Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Đến nay, tỉnh ta đã hoàn thành thắng lợi những mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2006-2010, đồng thời bắt đầu triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Với mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương (GDP) bình quân hàng năm 13% - 14%, tạo tiền đề để đến năm 2020 Bình Định cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp; để góp phần đạt được mục tiêu này, trong năm 2011 và những năm sắp tới, Sở KH-ĐT tỉnh tập trung những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, nâng cao năng lực phân tích, dự báo và tầm nhìn để tham mưu tốt nhất cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh về định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH toàn tỉnh; xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh các quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, lĩnh vực… để triển khai đồng bộ, làm cơ sở thu hút đầu tư, tranh thủ và huy động các nguồn vốn hỗ trợ cũng như các nguồn lực khác trong và ngoài nước.
Hai là, làm tốt chức năng tham mưu xây dựng và điều hành kế hoạch đầu tư phát triển hài hòa, hợp lý, đảm bảo phát triển gắn với tăng trưởng toàn diện cả kinh tế lẫn văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội.
Ba là, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình quảng bá hình ảnh và xúc tiến đầu tư thiết thực, hiệu quả, tạo chuyển biến về thu hút đầu tư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, tăng cường lắng nghe, đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN làm ăn và phát triển…
35 năm qua, nhất là trong hơn 20 năm đổi mới, ngành KH-ĐT đã có nhiều cố gắng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh. Tổng sản phẩm xã hội (GDP) của tỉnh tăng trưởng liên tục, bình quân thời kỳ 1991-1995 là 8,5%, thời kỳ 1996-2000 là 8,6%, thời kỳ 2001-2005 là 9% và thời kỳ 2006-2010 là 10,9%. Trong những năm gần đây, cơ sở hạ tầng của tỉnh không ngừng được cải thiện. Các công trình giao thông, thủy lợi, cấp điện, cấp nước, viễn thông, hạ tầng Khu kinh tế Nhơn Hội, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch, thương mại, dịch vụ, hạ tầng đô thị và nông thôn của tỉnh đã và đang được đầu tư, nâng cấp.
Nguyên Vũ
Báo Bình Định