Cam kết mạnh mẽ từ các nhà tài trợ cho sự phát triển của Việt Nam
09/12/2010

 

Bế mạc Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG), chiều nay (8/12), cộng đồng các nhà tài trợ đã cam kết hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của Việt Nam với mức hỗ trợ ODA là 7,905 tỷ USD (năm ngoái 8,063 tỷ USD). Ảnh: Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ

 

Bế mạc Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG), chiều nay (8/12), cộng đồng các nhà tài trợ đã cam kết hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của Việt Nam với mức hỗ trợ ODA là 7,905 tỷ USD (năm ngoái 8,063 tỷ USD). Ảnh: Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ

Tin tưởng vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam

Ngân hàng Thế giới (WB) là nhà tài trợ lớn nhất với cam kết hơn 2,6 tỷ USD. Tiếp đó là Nhật Bản với hơn 1,7 tỷ USD, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tài trợ 1,5 tỷ USD, Hàn Quốc hơn 411 triệu USD, các tổ chức phi chính phủ quốc tế hơn 270 triệu USD, Pháp hơn 221 triệu USD...

Như vậy, qua 18 kỳ tài trợ, số vốn tài trợ kể cả lần này là trên 64 tỷ USD cam kết, thể hiện sự tin tưởng của các nhà tài trợ đối với nền kinh tế Việt Nam.

Các đối tác tài trợ của Việt Nam cũng đánh giá cao việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Việt Nam trong những năm qua. Tốc độ giải ngân tương đối tốt, đạt 4,1 tỷ USD vào năm 2009 và 3,5 tỷ USD vào năm 2010.

Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, ngoài những thành tựu ấn tượng về phát triển kinh tế, Việt Nam vẫn phải giải quyết  nhiều khó khăn, thách thức về cơ sở hạ tầng hạn chế, nguồn nhân lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế, thể chế, tình hình lạm phát, cán cân thương mại,…

Hơn nữa, thời gian tới, việc phát triển lên nước có thu nhập trung bình, lượng viện trợ không hoàn lại và các khoản vay ưu đãi khác dành cho Việt Nam sẽ dần bị thu hẹp… điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với Việt Nam trong việc hoàn thành các mục tiêu của Thiên niên kỷ về bảo vệ môi trường, chống lại căn bệnh HIV/AIDS,…

Do đó, theo bà Victoria Kwakwa, với việc các nguồn tiền sẽ trở nên “đắt hơn”, ngay từ bây giờ, Việt Nam sẽ phải tính đến sự bền vững về nợ.

Tăng cường hiệu quả sử dụng vốn ODA

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, theo thông lệ quốc tế, tài trợ vốn ODA được dành nhiều hơn cho các nước thu nhập thấp. Do vậy, chính sách tài trợ cho Việt Nam đang và sẽ thay đổi về quy mô, cơ cấu và các điều kiện cho vay.

Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, viện trợ không hoàn lại sẽ giảm, vốn ODA ưu đãi cũng giảm nhưng vốn vay ODA kém ưu đãi sẽ tăng. Đây là những thách thức trong hợp tác phát triển mà Việt Nam và các đối tác phát triển phải tìm cách vượt qua.

Chính phủ cũng đã tính đến bảo đảm an toàn nợ công trong phạm vi an toàn, đồng thời  hoàn thiện thể chế, các văn bản pháp luật đặc biệt Nghị định về ODA, thực hiện thí điểm hợp tác công tư (PPP) trong các dự án cơ sở hạ tầng để đa dạng hóa nguồn vốn.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định, Việt Nam là quốc gia sử dụng tốt ODA và Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn  hỗ trợ này.

Hạnh Nguyên (Theo VGP News)