Giải ngân FDI tiến sát mốc 10 tỷ USD
26/11/2010

 

Cùng với việc cơ cấu đăng ký FDI chuyển dịch theo hướng tích cực, một điểm sáng khác trong bức tranh về FDI vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố là lượng vốn được giải ngân.

 

Cùng với việc cơ cấu đăng ký FDI chuyển dịch theo hướng tích cực, một điểm sáng khác trong bức tranh về FDI vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố là lượng vốn được giải ngân.

Cụ thể, trong tháng 11, đã có thêm 950 triệu USD vốn FDI được giải ngân, nâng tổng số vốn giải ngân từ đầu năm đến nay lên 9,95 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2009.

Tuy nhiên, lượng FDI đăng ký lại không được khả quan như vậy khi tính từ đầu năm đến 20/11, mới có thêm 13,3 tỷ USD, bằng 60% so với cùng kỳ năm 2009 và thấp hơn so với mục tiêu thu hút 22-25 tỷ USD trong năm nay.

Trong tháng 11, có 74 dự án đăng ký mới với tổng vốn 512 triệu USD và không có dự án nào xin tăng vốn.

Có thể lý giải tình trạng này bằng việc phục hồi không đồng đều của nền kinh tế toàn cầu và chậm hơn dự báo ở một số nước. Tuy vậy, cơ cấu đăng ký FDI lại chuyển dịch tích cực theo hướng tập trung nhiều hơn vào các ngành sản xuất, chế tạo, thay vì đầu tư quá nhiều vào bất động sản, dịch vụ lưu trú, ăn uống…

Cụ thể, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành có số vốn đăng ký lớn nhất kể từ đầu năm, với hơn 4,37 tỷ USD. Tiếp đến là các lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa với 2,94 tỷ USD, kinh doanh bất động sản với hơn 2,85 tỷ USD…

Xét theo đối tác, Hà Lan đứng vị trí thứ nhất về số vốn đăng ký với 2,32 tỷ USD. Xếp theo sau lần lượt là Hàn Quốc với 2,28 tỷ USD và Hoa Kỳ  với 1,92 tỷ USD.

Tính theo địa phương, Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương thu hút được nhiều FDI nhất từ đầu năm với 2,47 tỷ USD, kế đến là Quảng Ninh với 2,2 tỷ USD và TP.HCM với 1,83 tỷ USD.

Hạnh Nguyên (Theo VGP News)