Cải thiện môi trường kinh doanh nhờ thực thi chính sách tốt và duy trì cải cách
19/11/2010

 

Giám đốc Khu vực IFC:Sự tăng bậc trên bảng xếp hạng môi trường kinh doanh thể hiện sự nỗ lực đáng ghi nhận của Chính phủ Việt Nam,  tuy nhiên quan trọng là phải tập trung vào việc triển khai các cải cách trên thực tế và duy trì động lực cải cách.

 

Giám đốc Khu vực IFC:Sự tăng bậc trên bảng xếp hạng môi trường kinh doanh thể hiện sự nỗ lực đáng ghi nhận của Chính phủ Việt Nam,  tuy nhiên quan trọng là phải tập trung vào việc triển khai các cải cách trên thực tế và duy trì động lực cải cách.

Môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện

Việt Nam đã tăng được 10 bậc từ vị trí thứ 88 theo bảng xếp hạng năm 2010 lên đứng thứ 78 trong 183 nền kinh tế về mức độ thuận lợi trong môi trường kinh doanh, và thay thế Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 11 trong khu vực.

Đây là kết quả báo cáo "Môi trường kinh doanh 2011" do Ngân hàng Thế giới (WB) và Công ty Tài chính quốc tế (IFC) vừa công bố.

Báo cáo cũng chỉ rõ: Tuy là nước có thu nhập mới đạt ngưỡng trung bình thấp trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, song, với vị trí  xếp hạng trên, Việt Nam được đánh giá có môi trường kinh doanh thuận lợi hơn Trung Quốc khi nước láng giềng này đứng ngay sau Việt Nam, xếp thứ 79 (tụt 1 bậc so với thứ hạng 78 của năm 2010).

WB đánh giá sự thuận lợi trong môi trường kinh doanh của các quốc gia qua 9 lĩnh vực liên quan đến các hoạt động thành lập, mở rộng, vận hành và giải thể doanh nghiệp. Cụ thể, các tiêu chí đánh giá gồm vấn đề thành lập doanh nghiệp, đăng ký tài sản, vay vốn tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư, cấp phép xây dựng, tuyển dụng lao động, nộp thuế…

Việt Nam là 1 trong 10 nền kinh tế có nhiều cải thiện nhất về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh 2011. Trong đó, 3 lĩnh vực có sự tiến bộ nổi bật nhất là thủ tục thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép xây dựng và vay vốn tín dụng.

Trong  5 năm qua, Việt Nam là nước có nhiều cải cách thứ hai về quy định kinh doanh theo hướng thuận lợi hơn  ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương (sau Trung Quốc).

Đặc biệt, Việt Nam được coi là nước năng động nhất trong cải cách lĩnh vực vay vốn tín dụng, người đi vay có thể được kiểm tra báo cáo tín dụng và có thể chỉnh sửa thông tin sai sót.

Với những cải cách mạnh mẽ, Việt Nam đang xếp thứ 4 trong khu vực Đông Á-Thái Bình Dương và thứ 15 trên thế giới về mức độ thuận lợi trong vay vốn tín dụng.

Những nỗ lực của Việt Nam tạo sự thông thoáng cho môi trường kinh doanh giúp làm giảm thủ tục, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Cụ thể, Việt Nam áp dụng cơ chế một cửa kết hợp thủ tục chứng nhận đăng ký kinh doanh với đăng ký mã số thuế và bỏ quy định xin giấy phép khắc dấu.

Trong lĩnh vực cấp giấy phép xây dựng, Việt Nam từ vị  trí thứ 70 tiến lên vị trí thứ 62 trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh 2011. Nguyên nhân là do việc cải cách  đã giảm  tới 50% lệ phí trước bạ nhà.

Tiếp tục động lực cải cách thủ tục hành chính

Điểm sáng trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam thời gian qua là Đề án 30 với việc đơn giản hóa gần 5.000 thủ tục hành chính. Theo tính toán, việc này sẽ tiết kiệm gần 30 nghìn tỷ đồng mỗi năm cho người dân và doanh nghiệp.

Ông Ngô Hải Phan, Tổ phó Thường trực Tổ công tác chuyên trách Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cũng đã cho rằng nếu phân tích kỹ hơn các chỉ số thì Việt Nam còn có thể tiến bộ hơn nữa về thứ hạng, đặc biệt, khi Đề án cải cách thủ tục hành chính đi vào giai đoạn thực hiện chắc chắn sẽ giúp Việt Nam cải thiện rất nhiều về môi trường kinh doanh.

Ví dụ, trong lĩnh vực vay vốn, Việt Nam cũng đã đề xuất bãi bỏ công chứng bắt buộc đối với hợp đồng thế chấp trong hoạt động vay vốn sẽ có thể tiết kiệm được chi phí hàng năm lên tới 130 triệu USD, tạo thêm nhiều thuận lợi cho DN.

Theo nhận định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội thảo “Cải thiện Môi trường Kinh doanh ở Việt Nam - Định hướng cải cách từ Môi trường Kinh doanh 2011”: Tuy đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên, trên thực tế, trong lĩnh vực kinh doanh, thủ tục vẫn còn gây bức xúc cho không ít doanh nghiệp.

Các cơ quan chức năng đang tích cực sửa đổi, cải cách các văn bản pháp luật nhưng vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và người dân rất quan trọng trong quá trình tham vấn để thiết kế chính sách và đưa chính sách thật sự đi vào cuộc sống.

“Việc thực thi chính sách là rất quan trọng, ban hành quy định  tốt là một chuyện nhưng việc thực thi không đàng hoàng thì cũng vô ích”. Bộ trưởng nhấn mạnh.

Còn Giám đốc Khu vực IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan Simon Andrews cho rằng: Sự tăng bậc trên bảng xếp hạng thể hiện sự nỗ lực đáng ghi nhận của Chính phủ Việt Nam,  tuy nhiên quan trọng là phải tập trung vào việc triển khai các cải cách trên thực tế và duy trì động lực cải cách.

Bảo An (Nguồn: Báo Điện tử)