Trong 45 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam từ đầu năm 2008 đến nay chỉ có 0,5% vốn dành cho lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Tỷ lệ này là quá thấp và đang rất cần những lời giải ở cả cấp vĩ mô và vi mô.
Trong 45 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam từ đầu năm 2008 đến nay chỉ có 0,5% vốn dành cho lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Tỷ lệ này là quá thấp và đang rất cần những lời giải ở cả cấp vĩ mô và vi mô.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: 7 tháng đầu năm 2008, cả nước đã thu hút được 45,28 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2007. Vốn đăng ký mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dịch vụ (22,84 tỷ USD) chiếm 51,34% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (21,45 tỷ USD) chiếm 48,2% tổng vốn đầu tư. Số còn lại thuộc lĩnh vực nông-lâm-ngư (0,5%).
Đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu cho chế biến nông sản, thực phẩm 53,7% tổng số vốn, trồng rừng và chế biến lâm sản 24,7%, chăn nuôi và chế biến thức ăn gia súc 12,7%, trồng trọt 8,9%. Tỷ trọng đầu tư cho ngành thấp và có xu hướng giảm, hiệu quả hoạt động của các dự án chưa cao, chưa phát huy đầy đủ tiềm năng của đất nước. Phân bổ không đồng đều giữa các vùng miền. Các quốc gia lớn chưa thực sự đầu tư vào nông nghiệp, thiếu tính đa dạng.
Trong 5 tháng đầu năm 2008, FDI vào ngành nông lâm nghiệp có 11 dự án, quy mô vốn đầu tư trung bình 7,2 triệu USD/dự án, cao hơn so với mức bình quân cùng kỳ năm 2007 là 4,7 triệu USD/dự án. Đáng chú ý trong thời gian này, ngành công nghiệp thực phẩm thu hút được 15 dự án, với tổng số vốn FDI đăng ký đạt 153 triệu USD, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2007.
Trên thực tế nhu cầu thu hút vốn đầu tư, đặc biệt vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp là rất cần thiết song với mức bình quân của các dự án đầu tư vào nông nghiệp hiện nay là rất thấp nên chưa phát huy tối đa tiềm năng cùa các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh một số doanh nghiệp FDI sản xuất kinh doanh có hiệu quả vẫn tồn tại nhiều doanh nghiệp triển khai dự án chậm, không đầu tư hết vốn theo thoả thuận đăng ký kinh doanh, một số dự án rút giấy phép đầu tư vì nhiều lý do khác nhau, thậm chí có một số dự án đầu tư không mang lại hiệu quả như mong đợi đã gây nên dư luận không tốt về môi trường đầu tư tại Việt Nam.
TS Lê Thế Hoàng- Viện chính sách và chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn ( Bộ NN&PTNT) cho biết: Phần lớn các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông lâm nghiệp là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có mức vốn thấp, chủ yếu là các doanh nghiệp có mức vốn dưới 2 triệu, thậm chí có mức vốn dưới 500.000 USD như Công ty TNHH Shin Wall của Hàn Quốc đóng tại huyện Phúc Thọ ( Hà Tây cũ), vốn kinh doanh chỉ có 160.000 USD. Các doanh nghiệp đầu tư từ 5 triệu USD trở lên không nhiều, chỉ chiếm khoảng 18% tổng số doanh nghiệp. Trong đó doanh nghiệp liên doanh có mức vốn bình quân gấp 1,81 lần so với doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, hiện nay đang diễn ra một thực trạng là vốn thực tế hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực nông lâm nghiệp còn rất thấp so với vốn đăng ký kinh doanh.
Nhiều công ty nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam cũng mắc phải tình trạng trên như Công ty TNHH Trương Thái Việt Nam-Bảo Lâm-Lâm Đồng ( Đài Loan), doanh nghiệp này đăng ký kinh doanh với mức vốn là 1 triệu USD vào năm 2004 nhưng đến hết năm 2006 mới chỉ đầu tư được 570 ngàn USD; Công ty TNHH Nông súc Trực Điền (Hàn Quốc) đăng ký kinh doanh từ năm 2000 với tổng vốn đăng ký xấp xỉ 8 tỷ USD và đến năm 2002 doanh nghiệp này mới thực hiện vốn đầu tư và đến năm 2005 mới đầu tư được khoảng 6 tỷ đồng.
Đại diện các nhà đầu tư cho rằng: nguyên nhân của tình trạng trên chính là do công tác tổ chức triển khai chậm, nhiều doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư thăm dò thị trường tiêu thụ cũng như lựa chọn công nghệ thích hợp vào Việt Nam và đặc biệt là các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng và thủ tục hành chính quá rườm rà và phức tạp. Nhiều nhà đầu tư muốn có đất phải thương lượng với dân nên phải mất từ 1 đến 2 năm, thậm chó 3 đến 4 năm mới nhận được đất để triển khai dự án. ÔNg Phạm Minh Trí-Giám đốc nhân sự- Công ty TNHH Cargill- Đồng Nai cho biết: “ Thủ tục đầu tư rất rườm rà và phức tạp, không thống nhất giữa các địa phương, thậm chí hồ sơ được duyệt ở tỉnh này nhưng khi mang bộ hồ sơ tương tự sang tỉnh khác lại không được duyệt, điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ đầu tư của doanh nghiệp.”
Bên cạnh đó, vấn đề nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng là vấn đề được các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm trước khi quyết định đầu tư vào Việt Nam. Tại cuộc Hội thảo “ Cơ hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh mới” tổ chức ngày 19/8 vừa qua tại Hà Nội, GS-TS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang cho biết: Nông dân Việt Nam vẫn quen trồng cây nguyên liệu một cách tự phát, tuỳ thuộc vào nhu cầu của thị trường mà không quan tâm đến sự phát triển lâu dài bền vững của các loại cây nguyên liệu cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến. Trong thời gian tới, để khắc phục tình trạng trên, các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản cần gắn với vùng nguyên liệu có thể nghiên cứu, thí điểm xây dựng mô hình công ty cổ phần với điều kiện trong thành phần cổ đông sáng lập có hộ nông dân là cổ đông góp vốn bằng giá trị chế biến( đường, rau quả, chè, cà phê, tiêu, điều, thuỷ sản, gỗ, giấy...) sẽ có điều kiện xây dựng được vùng nguyện liệu ổn định, vững chắc, gắn bó chặt chẽ với nông dân, tạo được mô hình doanh nghiệp gắn chắc giữa công nghiệp với nông nghiệp, giữa nông dân sản xuất nguyên liệu với công nhân chế biến, hỗ trợ cho nông dân làm giàu và góp phần xây dựng nông thôn phát triển.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có 3 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vốn FDI vào ngành nông nghiệp thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực khác:
Thứ nhất, chưa có chiến lược thu hút và quy hoạch sử dụng FDI cho phát triển nông nghiệp và nông thôn. Chưa có cơ chế chọn lựa đề xuất các dự án FDI ưu tiên trong ngành, mong muốn của ngành chưa thể hiện thành chính sách ưu đãi. Chưa có cơ quan của ngành theo dõi và giúp đỡ giải quyết vướng mắc trong quá trình xúc tiến và thực hiện các dự án FDI. Chưa có cơ chế phối hợp ngành - địa phương.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng và tay nghề ở khu vực nông thôn chưa đủ để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Rủi ro khi đầu tư vào nông nghiệp và khu vực nông thôn cao. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn chưa đủ năng lực để chủ động kêu gọi FDI theo ý đồ phát triển sản phẩm và thị trường của riêng mình.
Thứ ba, những nguyên nhân bắt nguồn từ thủ tục hành chính, chính sách chung của Nhà nước. Chưa thực sự ưu đãi cho đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào khu vực nông nghiệp và nông thôn. Chính sách đất đai, thuế và các chế độ ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp và các vùng nông thôn chưa rõ và chưa thống nhất.
Làm thế nào để khắc phục những tồn tại trên, đẩy mạnh tăng cường thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực nông lâm nghiệp cần thiết phải có những chính sách thúc đẩy các dự án, tăng cường triển khai thực hiện vốn và thu hút những dự án lớn vào những ngành nghề kém hấp dẫn đầu tư. Bên cạnh đó cần cải tiến các thủ tục hành chính cho phù hợp với xu thế phát triển và điều kiện của các doanh nghiệp. Các địa phương cần linh hoạt hơn trong công tác thẩm định dự án đầu tư để tránh phiền hà, mất thời gian, tiền của, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
Nguồn: CPV