Nhà nước và tư nhân hợp tác phát triển hạ tầng
21/08/2008

 

Hội thảo "Hợp tác Nhà nước và Tư nhân: Kinh nghiệm của Nhật Bản và sự lựa chọn chính sách đối với Việt Nam," diễn ra ngày 20/8 tại Hà Nội, là diễn đàn để các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp trao đổi về hiện trạng chính sách cũng như khả năng áp dụng mô hình này ở Việt Nam.

 

Hội thảo "Hợp tác Nhà nước và Tư nhân: Kinh nghiệm của Nhật Bản và sự lựa chọn chính sách đối với Việt Nam," diễn ra ngày 20/8 tại Hà Nội, là diễn đàn để các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp trao đổi về hiện trạng chính sách cũng như khả năng áp dụng mô hình này ở Việt Nam.

Hội thảo, do Bộ Kế hoạch Đầu tư và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức, nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp về vai trò quan trọng của mô hình Nhà nước và tư nhân hợp tác huy động mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng (PPP).

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Bích Đạt khẳng định Nhà nước Việt Nam chủ trương huy động mọi nguồn lực từ khu vực tư nhân để tham gia phát triển kết cấu hạ tầng và các lĩnh vực khác.

Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện các quy định về hình thức đầu tư theo hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT), xây dựng-chuyển giao-kinh doanh (BTO) và xây dựng-chuyển giao (BT), Chính phủ chủ trương xây dựng một khung chính sách thích hợp nhằm đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực này.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã cùng thảo luận về mô hình hợp tác PPP và kinh nghiệm của các nước châu Á, cụ thể là kinh nghiệm của Nhật Bản trong áp dụng mô hình này.

Bộ Kế hoạch Đầu tư đánh giá cao các kinh nghiệm của phía Nhật Bản và coi đó là gợi ý quan trọng và hữu ích để tham khảo xây dựng chính sách áp dụng mô hình PPP ở Việt Nam.

Dù đang từng bước được cải thiện nhờ việc huy động ở mức cao nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cũng như của các nhà tài trợ quốc tế nhưng hệ thống kết cấu hạ tầng ở Việt Nam vẫn còn nhiều yếu kém. Việc thu hút đầu tư tư nhân dưới các hình thức BOT, BTO, BT cũng tồn tại một số hạn chế, do nhiều yếu tố khách quan  (chi phí đầu tư lớn, độ rủi ro cao) và chủ quan (bất cập trong hệ thông pháp luật, chính sách).

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam