EPC - Một hình thức quản lý mới trong triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình (Bài 2)
12/10/2010

 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trang tin xúc tiến đầu tư và hợp tác tỉnh Bình Định sẽ liên tục đăng tải các thông tin mới nhất liên quan về vấn đề thực hiện gói thầu EPC - Hình thức quản lý mới trong triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình.

 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trang tin xúc tiến đầu tư và hợp tác tỉnh Bình Định sẽ liên tục đăng tải các thông tin mới nhất liên quan về vấn đề thực hiện gói thầu EPC - Hình thức quản lý mới trong triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình.

Bài 2. Quy trình xét thầu gói thầu EPC

Để rộng đường dư luận đối với vấn đề lựa chọn nhà thầu EPC đã đăng tải trên một số báo trong thời gian gần đây, bài viết này giúp bạn đọc hiểu rõ khâu nào quyết định đến chất lượng của cuộc thầu, đâu là điểm cần “soi” khi nghiên cứu hiện tượng “Bẫy thầu giá rẻ”.

Trước hết về mặt tổng quát theo thông lệ chung, sau khi có dự án được phê duyệt thì bước tiếp theo là triển khai công tác đấu thầu bao gồm các bước: lập Kế hoạch đấu thầu (KHĐT); tổ chức lựa chọn nhà thầu theo tiến độ, phương thức và hình thức đã được phê duyệt trong KHĐT; ký kết hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn; nhà thầu tiến hành thực hiện hợp đồng với sự giám sát của chủ đầu tư; và cuối cùng là khâu nghiệm thu, bàn giao và đưa sản phẩm vào sử dụng.

Ở Việt Nam, quy trình tổng quát cũng tương tự như vậy, tuy nhiên đã được cụ thể hoá hơn ở quy trình thực hiện đấu thầu. Cụ thể là sau khi KHĐT được người có thẩm quyền phê duyệt thì trình tự thực hiện đấu thầu đối với một gói thầu nói chung (bao gồm cả đấu thầu EPC) gồm 7 bước: (1) chuẩn bị đấu thầu; (2) tổ chức đấu thầu; (3) đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT); (4) thẩm định và phê duyệt kết quả đấu thầu; (5) thông báo kết quả đấu thầu; (6) hoàn thiện hợp đồng; và (7) ký kết hợp đồng (Khoản 4 Điều 4 và Mục 3 Chương III của Luật Đấu thầu).

Trước khi đi vào một số bước cụ thể của quy trình đấu thầu gói thầu EPC chúng tôi xin điểm qua một số nội dung cơ bản ở khâu lập KHĐT. Tại khâu này, việc phân chia gói thầu được tiến hành theo trình tự thời gian, tính chất kỹ thuật và quy mô giá trị. Theo đó, đối với toàn bộ các công việc thuộc một dự án đòi hỏi tính đồng bộ cao, chất lượng phải được yêu cầu quản lý tốt, giảm rủi ro khi thực hiện và sự gắn kết chặt chẽ từ khâu thiết kế đến công nghệ chế tạo máy móc, vật tư, thiết bị rồi tới khâu lắp đặt và vận hành cũng như quá trình bảo hành, bảo trì cần do một nhà thầu đảm nhận hoặc chịu trách nhiệm (độc lập nếu đủ năng lực hoặc với vai trò tổng thầu) thì được gọi là gói thầu EPC. Như vậy, đối với việc xây dựng các nhà máy công nghiệp (điện, than, dầu khí, xi măng, hoá chất, luyện kim, cấp nước, xử lý rác thải…) và các công trình về công nghệ thông tin (IT) quy mô lớn thì theo tập quán và thông lệ chung thường được thực hiện theo hình thức gói thầu EPC.

Đối với một gói thầu cụ thể, đặc biệt là gói thầu EPC thì 2 bước trong trình tự thực hiện đấu thầu được coi là quan trọng nhất, ảnh hưởng đến sự thành bại của gói thầu đó là Bước 1- Chuẩn bị đấu thầu và Bước 3- Đánh giá HSDT. Để bạn đọc có bức tranh rõ hơn về quy trình đấu thầu EPC, chúng tôi xin đề cập những nội dung căn bản của hai bước thuộc quy trình.

Chuẩn bị đấu thầu

 Tại bước này, theo quy định của pháp luật về đấu thầu của Việt Nam, chủ đầu tư có trách nhiệm như sau: Lập Hồ sơ mời thầu (HSMT), Sơ tuyển nhà thầu (nếu cần), Mời thầu. Đối với các gói thầu EPC thường có tính chất kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi nhà thầu phải có năng lực tốt, kinh nghiệm sâu rộng thì mới bảo đảm quá trình thực hiện thành công gói thầu nên thường được tiến hành sơ tuyển nhà thầu (lựa chọn danh sách nhà thầu tham gia đấu thầu). Việc lập hồ sơ mời sơ tuyển, bao gồm các mức yêu cầu về năng lực (kỹ thuật, tài chính), kinh nghiệm (thực hiện các hợp đồng tương tự, số năm hoạt động trong lĩnh vực đang mời thầu…) là hoàn toàn thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư. Do vậy, đối với các trường hợp một số bài báo nêu về sự thiếu năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu EPC, trong đó có một số nhà thầu Trung Quốc dẫn tới sự chậm trễ, kéo dài quá trình thực hiện hợp đồng thì việc đầu tiên phải quy trách nhiệm của các chủ đầu tư vì Luật đã phân cấp trách nhiệm rõ ràng. Ngoài ra, khi đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu, các chủ đầu tư (đại diện là bên mời thầu) thường căn cứ vào các thông tin được kê khai cụ thể trong hồ sơ dự sơ tuyển (gồm cả công chứng, chứng thực và thậm chí xác nhận của chủ đầu tư trước mà nhà thầu đã hợp tác) để chứng minh năng lực, kinh nghiệm của mình mà không thể cho rằng chỉ cần thuê người lập hồ sơ theo cách “thi hộ, làm bài hộ” còn mình không cần năng lực, kinh nghiệm gì cũng được trúng thầu như báo nêu là không có cơ sở. Còn nếu quả thực chủ đầu tư nào bị nhà thầu “qua mặt” theo cách đó thì cần xem xét lại hoặc là năng lực hoặc là đạo đức công chức của mình.

Bên cạnh công tác sơ tuyển (nếu có) thì một việc hết sức quan trọng của bước Chuẩn bị đấu thầu đó là lập HSMT. Do việc lập HSMT, đặc biệt là đối với các gói thầu EPC, đòi hỏi sự am hiểu thực sự, chuyên môn sâu cả về quy định đấu thầu và lĩnh vực chuyên ngành của gói thầu nên theo quy định nếu chủ đầu tư đủ năng lực thì tự lập HSMT, nếu không đủ năng lực có thể thuê tư vấn lập HSMT. Có thể nói rằng HSMT là “linh hồn” của một cuộc đấu thầu, trong đó “tiêu chuẩn đánh giá- TCĐG” thuộc HSMT có vai trò hết sức quan trọng. Việc thành hay bại, nhanh hay chậm, tốt đẹp hay không tốt đẹp của một cuộc thầu phụ thuộc vào tính khoa học, rõ ràng và đầy đủ của TCĐG. Theo quy định tại Điều 29 của Luật Đấu thầu thì phương pháp đánh giá HSDT phải được thể hiện thông qua TCĐG HSDT. TCĐG HSDT bao gồm tiêu chuẩn về năng lực, kinh nghiệm (trường hợp không sơ tuyển); tiêu chuẩn đánh giá về mặt kỹ thuật và các nội dung để xác định giá đánh giá trên cùng một mặt bằng kỹ thuật, tài chính, thương mại để so sánh xếp hạng các HSDT. Đối với gói thầu EPC, sử dụng phương pháp chấm điểm hoặc đánh giá “đạt/không đạt” để đánh giá về mặt kỹ thuật; và khi xây dựng TCĐG về mặt kỹ thuật theo thang điểm thì phải xác định mức điểm tối thiểu không thấp hơn 70% tổng số điểm, đối với trường hợp gói thầu có yêu cầu kỹ thuật cao thì mức điểm yêu cầu tối thiểu không được quy định thấp hơn 80%. Như vậy, như đã đề cập ở trên thì các gói thầu EPC thường là có yêu cầu kỹ thuật cao nên TCĐG theo thang điểm phải được quy định không thấp hơn 80% tổng số điểm (có nghĩa là có thể quy định 85%, 90%, 95%). Để cụ thể hoá hơn đối với gói thầu EPC thì trong HSMT TCĐG lại được chia làm 3 nội dung đánh giá quan trọng gồm: TCĐG đối với phần E (thiết kế), TCĐG đối với phần P (cung cấp vật tư, thiết bị) và TCĐG đối với phần C (xây dựng). Tuy nhiên không dừng lại như vậy, nhiều gói thầu EPC còn được đánh giá các các nội dung khác như: vận hành thử, chạy thử nghiệm, hoàn thành, bàn giao, bảo hành, bảo trì dài hạn… Việc xây dựng TCĐG đối với từng nội dung công việc cụ thể cũng phải được xây dựng theo nguyên tắc nêu trên. Bên cạnh đó, trong HSMT bao giờ cũng có một nội dung khác rất quan trọng đó là Dự thảo Hợp đồng (bao gồm điều kiện chung và điều kiện cụ thể của hợp đồng). Sau khi có kết quả đấu thầu, đây là nội dung sẽ được chủ đầu tư (đại diện bên mua) và nhà thầu (bên bán) thương thảo, hoàn thiện để đi đến thống nhất, ký kết hợp đồng và từ đó ràng buộc trách nhiệm giữa hai bên.

Đánh giá HSDT (trình tự xét thầu)

Tại bước này, Tổ chuyên gia (được thành lập theo quyết định của chủ đầu tư hoặc do tư vấn đấu thầu được chủ đầu tư thuê) tiến hành đánh giá các HSDT theo trình tự như sau:

Đánh giá sơ bộ (kiểm tra tính hợp lệ, sự đầy đủ của HSDT và loại bỏ các HSDT không đáp ứng các điều kiện tiên quyết nêu trong HSMT và đánh giá năng lực và kinh nghiệm (trong trường hợp gói thầu không thực hiện sơ tuyển). Việc sơ tuyển hay việc đánh giá về năng lực, kinh nghiệm tại bước này với mục đích chính là nhằm xác định được nhà thầu có đầy đủ năng lực (kỹ thuật, công nghệ, máy móc thiết bị, cơ sở vật chất nhà xưởng, nhân sự và tài chính…) để bảo đảm có khả năng thực hiện được gói thầu (khả năng làm được việc) và kinh nghiệm (đã từng làm thành công một việc có tính chất, quy mô tương tự) để bảo đảm tăng tính khả thi cho việc thực hiện gói thầu đang được mời thầu. Các nhà thầu được đánh giá là đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm mới được xem xét đánh giá ở bước tiếp theo là về mặt kỹ thuật.

Đánh giá về mặt kỹ thuật: Căn cứ vào TCĐG về mặt kỹ thuật, các yêu cầu về kỹ thuật và các nội dung khác trong HSMT, Tổ chuyên gia có trách nhiệm đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật đối với từng nội dung của gói thầu EPC gồm các phần E, P và C hoặc các phần khác như đề cập ở trên. Theo đó, từng nội dung phải được đánh giá đạt hoặc vượt mức yêu cầu tối thiểu (có thể là điểm tối thiểu) và điểm trung bình (có thể là tính bình quân gia quyền, theo trọng số của từng phần) của các phần phải đạt hoặc vượt mức tối thiểu chung thì mới được coi là đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật.

Đánh giá về tài chính - thương mại và xác định giá đánh giá: Các nhà thầu vượt qua bước đánh giá về mặt kỹ thuật thì mới được chuyển sang bước đánh giá về tài chính- thương mại và xác định giá đánh giá (trong đó, giá dự thầu của nhà thầu là một trong nhiều nội dung được đánh giá tại bước này).

Quy trình đánh giá như trên là tương đối cụ thể theo thông lệ chung và từng bước công việc được pháp luật về đấu thầu của Việt Nam quy định rõ ràng song một số người lại nhầm lẫn hoặc giả không hiểu biết nên dẫn tới quy cho “sơ tuyển” và đánh giá về mặt “kỹ thuật” đều là một. Điều này thật đáng tiếc thay khi một vấn đề cụ thể, chuyên môn sâu đòi hỏi những người bàn về nó phải có am hiểu cần thiết thì thực tế nhiều trường hợp lại không như mong muốn, nhưng vẫn được gọi là “chuyên gia về đấu thầu”. 

Như vậy, có thể tóm lại rằng với quy trình xét thầu này thì việc đầu tiên là phải qua vòng xem xét về “hình thức bài vở” sau đó đến “nội dung bài thi”. Nếu ai đó cho rằng một nhà thầu chỉ mới thành lập có thể thuê người khác làm bài thì có hay chăng cũng chỉ được đẹp về “hình thức bài vở” còn không thể qua mặt được Tổ chuyên gia, Bên mời thầu (những người có hiểu biết và có năng lực, kinh nghiệm tổ chức đấu thầu) về “nội dung bài thi”. Trong việc xem xét nội dung bài thi trong đấu thầu thì bao giờ cũng phải tìm được nhà thầu (như thí sinh dự thi) có khả năng làm được việc và đã từng làm một việc tương tự rồi mới được xem xét đến mặt kỹ thuật. Khi mặt kỹ thuật đã được đánh giá là đáp ứng yêu cầu, nghĩa là hàng hoá, công trình, dịch vụ đáp ứng được yêu cầu về chất lượng thì mới được chuyển sang xem xét về mặt tài chính - thương mại và xác định giá đánh giá (trong đó có giá dự thầu). Điều này khẳng định rằng, quy định về đấu thầu của Việt Nam chưa bao giờ đưa tiêu chí “giá rẻ” để lựa chọn nhà thầu và giá cả chỉ được xem xét khi chất lượng (hàng hóa, công trình, dịch vụ) đã đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là một số cá nhân (có thể do hiểu biết hạn chế hoặc cố tình lờ vấn đề đi vì mục đích nào đó) khi đề cập đến đấu thầu lại khẳng định “quy định về đấu thầu của Việt Nam thực chất là đấu giá” thì thực sự là không chuẩn xác. Không hiểu những người đó đã từng tham gia lập HSMT, đã từng chấm thầu một gói thầu nào chưa mà dám khẳng định như vậy!?

Cuối cùng khi xem xét để đề nghị một nhà thầu trúng thầu Luật đấu thầu quy định phải căn cứ vào các tiêu chí như: có HSDT hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu; kỹ thuật đáp ứng yêu cầu; có giá đánh giá thấp nhất; và giá đề nghị trúng thầu (là giá dự thầu đã được Tổ chuyên gia sửa lỗi (nếu có) và hiệu chỉnh các sai lệch (nếu có) để đưa về cùng một mặt bằng phạm vi công việc phải thực hiện) không vượt giá gói thầu hoặc dự toán được duyệt.

Toàn bộ các công việc nêu trên và các bước trong quy trình đấu thầu đều thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư như việc lựa chọn ai (tổ chức, cá nhân) làm bên mời thầu, thành lập Tổ chuyên gia đấu thầu rồi đến quyết định tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm thẩm định cho mình trước khi chủ đầu tư phê duyệt kết quả đấu thầu. Và cuối cùng chủ đầu tư cũng là người chịu trách nhiệm ký kết hợp đồng và giám sát việc thực hiện hợp đồng của nhà thầu. Như vậy, việc lựa chọn nhà thầu từ đâu, như thế nào và việc thành - bại, nhanh - chậm, hiệu quả - kém hiệu quả của việc thực hiện gói thầu phần lớn phụ thuộc vào năng lực và ý thức trách nhiệm của chủ đầu tư. Theo đó, nói như Tiến sĩ Nguyễn Quang A trên diễn đàn VNR500 ngày 01/9/2010 thì “nếu chủ đầu tư ngớ ngẩn để nhà thầu “giăng bẫy”, thì chắc chắn việc bổ nhiệm cán bộ có vấn đề, hay trình độ họ kém thì là lỗi của ông chủ của chủ đầu tư. Có thể sa thải người, cất nhắc người hay phải đào tạo lại họ. Còn nếu chủ đầu tư “đi đêm” với nhà thầu để tự giăng bẫy thì vô phương, chỉ có cách dẹp ông “chủ đầu tư” ấy đi thôi”.

 

NB

Nguồn MPI