Cần nhìn nhận sòng phẳng với các dự án FDI
04/10/2010

 

Với hai luồng ý kiến trái chiều đánh giá về vai trò của các dự án FDI tại VN, phóng viên Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Nhất Hoàng (ảnh) - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) - về những mặt trái trong thu hút FDI.

Thưa ông, tại nhiều diễn đàn kinh tế quan trọng được tổ chức gần đây, các chuyên gia kinh tế đều lên tiếng về hiện tượng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có dấu hiệu bất ổn, FDI “hứa nhiều làm ít”, FDI “ăn xổi, bám sâu”, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

 

Với hai luồng ý kiến trái chiều đánh giá về vai trò của các dự án FDI tại VN, phóng viên Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Nhất Hoàng (ảnh) - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) - về những mặt trái trong thu hút FDI.

Thưa ông, tại nhiều diễn đàn kinh tế quan trọng được tổ chức gần đây, các chuyên gia kinh tế đều lên tiếng về hiện tượng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có dấu hiệu bất ổn, FDI “hứa nhiều làm ít”, FDI “ăn xổi, bám sâu”, ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

- Tôi thực sự không đồng tình với những quan điểm đánh giá có phần cực đoan về đầu tư nước ngoài vào VN, thậm chí có ý kiến cho rằng: “Đã đến lúc nói không với FDI”. Thực tế thì thời gian qua, chúng ta không chỉ thu hút FDI về lượng mà đã có sự chọn lựa các dự án có chất lượng, không thu hút bằng mọi giá. Trong Luật Đầu tư đã quy định cụ thể các tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư để cấp phép. Vấn đề nằm ở khâu hậu kiểm sau cấp phép. Dù luật đã quy định, một trong những điều kiện để xem xét cấp phép đầu tư là dựa theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhưng vì sao vẫn có quá nhiều dự án thép ngoài quy hoạch, có quá nhiều sân golf? Đây là vấn đề năng lực thực thi của bộ máy, ai không làm đúng sẽ phải bị xử lý. Nếu thực sự các dự án tốt, đáp ứng đúng quy hoạch đề ra và tuân thủ việc giám sát, có chế tài nghiêm minh xử phạt, thì chắc chắn sẽ không xảy ra những sự việc tương tự.

Nếu nhìn vào hiện tượng thì rõ ràng đã có làn sóng “soán ngôi” các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, thay bằng đầu tư dự án bất động sản để sinh lời. Hơn thế, với việc cấp phép dễ dãi của các địa phương, bất tuân thủ quy hoạch được duyệt đang dẫn tới một số dự án nhà đầu tư chiếm đất quá lâu, nhưng không triển khai dự án, đang gây nhiều hệ luỵ?

- Trên thực tế, trong những năm gần đây, kể cả năm VN đạt kỷ lục về thu hút FDI (năm 2008 đạt 71,7 tỉ USD) thì tỉ trọng đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thế mạnh của các nhà ĐTNN. 9 tháng đầu năm nay, lĩnh vực này tiếp tục dẫn đầu trong các lĩnh vực thu hút đầu tư với 275 dự án đầu tư được cấp mới, tổng số vốn trên 3 tỉ USD và 106 lượt dự án mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 653,6 triệu USD, chiếm 30,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Kinh doanh bất động sản hiện đứng hàng thứ 3, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,75 tỉ USD, chiếm 22,6%. Một số dự án đầu tư lớn tại các địa phương bị rút giấy phép đầu tư cũng là việc bình thường. Quan điểm của tôi là phải thường xuyên sàng lọc nhà đầu tư. Nếu thực sự nhà đầu tư có khó khăn do khủng hoảng kinh tế, nhưng vẫn quyết tâm theo đuổi dự án hoặc dự án đầu tư quá lớn, cần giải ngân trong thời gian dài thì chính quyền địa phương cần xem xét, hỗ trợ nhà đầu tư, thậm chí có thể gia hạn dự án để nhà đầu tư thu xếp vốn. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư thực sự không có khả năng tài chính, cố giữ đất để có ý đồ khác thì phải kiên quyết rút giấy phép để có cơ hội cho các nhà đầu tư tiếp theo. Hiện Bộ KHĐT đã thống kê có khoảng 24 dự án trên 1 tỉ USD cần tiến hành rà soát, sàng lọc, theo các tiêu chí này thì việc sàng lọc các dự án sẽ càng làm cho môi trường đầu tư hấp dẫn.

Có một thực tế là nhiều địa phương do mắc bệnh thành tích nên khi buộc phải rút giấy phép các dự án tỉ đô đã tỏ ra khá chần chừ. Ninh Thuận là một ví dụ. Hiện dự án thép Cà Ná của nhà đầu tư Lion Group (Malaysia) liên doanh với Vinashin có tổng mức đầu tư tới 9,8 tỉ USD, nhưng nhà đầu tư đã bặt tăm. Đến nay, Ninh Thuận vẫn chưa công bố thu hồi giấy phép để cấp cho nhà đầu tư khác?

- Như tôi nói trên, hiện tượng dự án chậm triển khai, nguy cơ vốn ảo là có. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn ở khía cạnh do “bệnh thành tích” mà nhiều địa phương không quyết liệt trong việc rút giấy phép các dự án thì tôi không đồng tình. Tôi cho rằng, ở góc độ địa phương, thì gọi được nhà đầu tư lớn vào là đã có dấu hiệu tích cực, đánh thức tiềm năng của cả một vùng, miền. Nhiều địa phương gọi được các dự án lớn thì khả năng thu hút đầu tư khá sáng sủa, vì thấy có nhà đầu tư trước, nhà đầu tư sau cũng muốn vào tìm kiếm cơ hội đầu tư. Nhưng nếu là dự án vốn ảo, nhà đầu tư không có năng lực triển khai, thì buộc địa phương phải rút giấy phép.

Tuy nhiên, mỗi địa phương có cách làm khác nhau. Giả sử, trong 2 phương án rút phép ngay, hoặc để tìm một nhà đầu tư khác thay thế, thì nhiều địa phương vẫn thiên về phương án dùng chính nhà đầu tư cũ tìm nhà đầu tư mới thay thế. Trong trường hợp nhà đầu tư cũ không đủ sức để thực hiện dự án thì chính họ sẽ là “cánh tay nối dài” để tìm đối tác thay thế hoặc cùng góp vốn để tiếp tục thực hiện dự án. Ninh Thuận cũng thuộc các địa phương đi theo hướng này.

Việc phân cấp cho các địa phương trong thu hút đầu tư rõ ràng là đang rất bất cập, khi mà để “trải thảm đỏ” mời gọi nhà đầu tư, nhiều địa phương đã bất tuân quy hoạch ngành, không tham vấn bộ, ngành liên quan. Tới đây, cơ chế phân cấp đầu tư có cần chỉnh lại không, thưa ông?

- Phân cấp là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, đi kèm với phân cấp phải có chế tài làm rõ trách nhiệm của cơ quan thực hiện và sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương. Vì chủ trương cấp phép đã phân cấp triệt để cho các địa phương, nên phải để cho các địa phương tự củng cố, hoàn thiện năng lực của mình. Hiện trong luật cũng quy định địa phương nếu nghi vấn dự án vốn ảo thì yêu cầu nhà đầu tư ký quỹ. Đến thời hạn triển khai dự án mà không thực hiện thì mất tiền đặt cọc.

Tuy nhiên, đây cũng là quy định mở, trường hợp nhà đầu tư vì lý do chính đáng chậm triển khai, thì cơ quan quản lý địa phương cũng được quyền gia hạn dự án đầu tư, quy định là 12 tháng và có thể gia hạn thêm so với quy định này. Vừa qua, tôi thấy công tác kiểm tra giám sát của các cấp, các ngành, của địa phương đã làm nhưng chưa đủ và chúng ta chưa cương quyết xử lý mạnh mẽ đối với các dự án vi phạm pháp luật. Mặt khác, cũng do chế tài còn thấp, chưa đủ mức răn đe. Cục Đầu tư nước ngoài đang trình Bộ trưởng KHĐT văn bản đề nghị các địa phương báo cáo tình hình triển khai các dự án FDI trong vòng một tháng để Bộ tập hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, vào tháng 5, Bộ KHĐT đã chấn chỉnh bằng văn bản đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra giám sát dự án FDI.

Xin cảm ơn ông.

                                                                                               KH (Nguồn: Báo Lao động)