Dọn đường mở rộng đầu tư vào Lào
21/09/2010

 

Thống kê của cơ quan Tham tán Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Lào cho thấy, Việt Nam hiện xếp thứ 3 trong số 38 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Lào (tính tới tháng 5/2010), gồm 216 dự án đã được cấp phép, với tổng vốn đăng ký 2,413 tỷ USD. Các doanh nghiệp của tỉnh Bình Định đã có nhiều dự án đầu tư vào Lào từ rất sớm và đạt được hiệu quả bước đầu nhất định. 

 

Thống kê của cơ quan Tham tán Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Lào cho thấy, Việt Nam hiện xếp thứ 3 trong số 38 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Lào (tính tới tháng 5/2010), gồm 216 dự án đã được cấp phép, với tổng vốn đăng ký 2,413 tỷ USD. Các doanh nghiệp của tỉnh Bình Định đã có nhiều dự án đầu tư vào Lào từ rất sớm và đạt được hiệu quả bước đầu nhất định. 

Số lượng dự án và vốn đầu tư đến từ Việt Nam đã tăng nhanh trong vài năm gần đây. Đặc biệt, trong hai năm 2008 và 2009, Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu về đầu tư nước ngoài vào Lào (cả về số dự án và số vốn cam kết đầu tư). Hiện 16/17 tỉnh của Lào đã có nhà đầu tư Việt Nam triển khai dự án trong các lĩnh vực công nghiệp, nông - lâm nghiệp, dịch vụ, du lịch, khách sạn, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Tuy vậy, bên cạnh những dự án đang triển khai khá tốt, như thủy điện Sekaman 3, thủy điện Nậm Sam, thủy điện Nậm Ngừng 4 hay trồng cao su với hàng vạn héc-ta ở khu vực Nam Lào…, không ít nhà đầu tư đến từ Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, như thiếu thông tin, thiếu nhân lực để triển khai dự án, hay việc phải cần nhiều thời gian để giải quyết các thủ tục.

Theo tính toán, nhân lực sử dụng trong dự án khai thác quặng sắt, nhà máy phôi thép tại Xiêng Khoảng cần 2.000 lao động; dự án muối tại Savanakhet cần 2.000 người. Tuy nhiên, để có được nhân sự ngay tại chỗ, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư là không đơn giản.

Ngoài khó khăn về nhân lực, những khó khăn chính mà DN Việt Nam đầu tư vào Lào còn phải đối mặt gồm: thiếu thông tin, thủ tục đăng ký sử dụng lao động nước ngoài không rõ ràng, mất nhiều thời gian; cấp phép đầu tư còn chậm, các thủ tục xuất nhập cảnh vật tư cho các dự án vẫn còn khó khăn; thời gian cấp hợp đồng thuê đất số lượng lớn kéo dài; điều kiện cơ sở hạ tầng chưa được cải thiện (khu vực Bắc Lào)...

Tuy vậy, việc chậm triển khai dự án mà trách nhiệm từ phía nhà đầu tư cũng là một thực tế cần nhắc tới. Ông Hoàng Cung Thọ Nhân, Chủ tịch Hội DN Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào cho hay, việc đầu tư của các DN Việt Nam lớn, có tiềm lực tài chính diễn ra với tiến độ nhanh, trong khi ở nhiều DN khác có phần chậm hơn. Điều này khiến đầu tư của Việt Nam sang Lào những năm gần đây rất sôi động ở nhiều lĩnh vực, với nhiều dự án đa dạng, nhưng kết quả thu được lại chưa như mong đợi. Ngoài ra, khủng hoảng kinh tế năm 2008, chuyển đổi mô hình kinh tế từ DN nhà nước sang công ty TNHH một thành viên cũng khiến tiến độ triển khai một số dự án đầu tư tại Lào bị chậm lại.

Những khó khăn trên đã làm ảnh hưởng tới kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước. Tính đến hết tháng 6/2010, kim ngạch buôn bán giữa hai bên mới đạt hơn 212 triệu USD, trong khi mục tiêu đặt ra cho cả năm là 1 tỷ USD. “Phải có bước đột phá về chính sách, thì mới có thể thúc đẩy đầu tư của Việt Nam sang Lào” là nhận xét của nhiều DN Việt Nam đang hoạt động tại Lào. Thậm chí, một số đơn vị cho rằng, DN Việt Nam đã bỏ lỡ không ít cơ hội để gia tăng sự có mặt của mình tại Lào trong lĩnh vực thương mại.

Ông Dương Đình Bảng, đại diện Tập đoàn tư nhân Việt Phương cho biết, cả Viêng Chăn không có một chợ nào giới thiệu hàng Việt Nam, trong khi ở một số nước khác (Trung Quốc), có tới 2 chợ... “Từng có những vị trí đẹp ở thành phố lớn đã được dành cho DN Việt Nam làm trung tâm thương mại, tuy nhiên, đã 2 - 3 năm trôi qua, mà DN Việt Nam vẫn chưa triển khai được dự án, khiến hàng Việt Nam chưa có nhiều cơ hội đến với người dân Lào. Đó là chưa kể, hàng Việt Nam chưa tự tin cạnh tranh với hàng Thái Lan và hàng Trung Quốc; hay tâm lý cho rằng, thị trường Lào không lớn, nên không dốc sức để phát triển, thâm nhập”, ông Bảng phân tích.

Từ năm 1994, Công ty Dược – Trang thiết bị y tế Bình Định là doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh tiến hành đầu tư vào tỉnh Champasak - Lào trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm, tổng mức đầu tư 2 triệu USD. Hiện nay, nhà máy đang hoạt động sản xuất rất hiệu quả, các sản phẩm do nhà máy sản xuất không chỉ tiêu thụ tại Champasak mà còn được phân phối đến các tỉnh Sekong, Attapu và cả nước bạn Lào.

Trước thành công đó, năm 2006 Công ty Bidina đầu tư dự án trồng cây cao su lấy gỗ và xây dựng Nhà máy chế biến mũ cao su tại tỉnh Sekong với tổng vốn đầu tư thực hiện trên 120 tỷ đồng và Công ty Cao su Hữu nghị Lào - Việt cũng thực hiện dự án trồng cây cao su và xây dựng Nhà máy chế biến mũ cao su tại Sekong với mức đầu tư 10 triệu USD. Hai dự án này đang được triển khai khá hiệu quả. Đồng thời, một số doanh nghiệp khác của tỉnh cũng đang trong quá trình xin phép đầu tư vào các tỉnh Nam Lào. Điều này cho thấy, Lào đang là địa chỉ thu hút đầu tư của các doanh nghiệp tỉnh Bình Định nói chung và cả nước nói riêng. Tuy nhiên, cũng như các doanh nghiệp khác đang đầu tư tại Lào, các doanh nghiệp của tỉnh cũng gặp khó khăn về nguồn lao động tại chỗ trong khi chính quyền sở tại lại hạn chế số lượng lao động Việt Nam sang làm việc và áp dụng thuế suất thuế thu nhập cá nhân rất cao; việc tiếp cận, cập nhật các cơ chế chính sách vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế…

Hạnh Nguyên

(Có sự dụng nguồn của báo Đầu tư điện tử)