Sở Kế hoạch - Đầu tư các địa phương là cơ quan được giao chức trách cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp. Hiện nay, tại nhiều địa phương đang xảy ra tình trạng “tắc nghẽn” việc thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dưới 49%. Hồ sơ được tiếp nhận nhưng rồi chồng chất lên nhau, còn giấy phép thành lập doanh nghiệp chưa biết đến bao giờ mới được giải quyết.
Sở Kế hoạch - Đầu tư các địa phương là cơ quan được giao chức trách cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp. Hiện nay, tại nhiều địa phương đang xảy ra tình trạng “tắc nghẽn” việc thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dưới 49%. Hồ sơ được tiếp nhận nhưng rồi chồng chất lên nhau, còn giấy phép thành lập doanh nghiệp chưa biết đến bao giờ mới được giải quyết. Tính riêng tại Hà Nội, hiện có hơn 800 bộ hồ sơ được tiếp nhận khá lâu, doanh nghiệp sốt ruột chờ đợi nhưng kết quả vẫn phải chờ ngày này qua ngày khác. Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm đều rơi vào tình cảnh tương tự. Nhiều doanh nghiệp lên tiếng “kêu cứu” nhưng đến nay tình trạng ách tắc nói trên vẫn chưa được giải quyết.
Phải chăng tình trạng này là do cơ quan cấp giấy phép có tiêu cực, nhũng nhiễu gây phiền hà. Không phải như vậy, có đủ căn cứ để khẳng định rằng: cơ quan chuyên trách không có tiêu cực, nguyên nhân hoàn toàn thuộc về sự trái ngược trong văn bản hướng dẫn thực hiện luật đã ban hành. Đó là sự “đá” nhau giữa Nghị định 139 về hướng dẫn Luật Doanh nghiệp và Nghị định 108 về hướng dẫn Luật Đầu tư. Cùng một vấn đề, cùng một đối tượng nhưng hai nghị định đưa ra hai quy định hoàn toàn khác nhau, cơ quan thực hiện rơi vào tình trạng làm theo nghị định này thì vi phạm nghị định khác. Nhà đầu tư nước ngoài khi hợp tác với phía Việt Nam để thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dưới 49% thì không phải trình dự án đầu tư khi xin phép thành lập doanh nghiệp. Đó là điều khoản được quy định trong Nghị định 139 về hướng dẫn Luật Doanh nghiệp. Theo đó, với trường hợp nói trên, việc thành lập doanh nghiệp được thực hiện như doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp (kể cả trong nước và đối tác nước ngoài) cho rằng quy định như vậy là phù hợp thực tế, tạo điều kiện cho việc thành lập cũng như hoạt động của doanh nghiệp. Thế nhưng, mặc dù cùng đối tượng và cùng điều kiện như nhau, Nghị định 108 về hướng dẫn Luật Đầu tư lại đưa ra quy định có tính chất trái ngược. Theo quy định của Nghị định 108, mặc dù vốn đầu tư nước ngoài dưới 49% và hợp tác với phía Việt Nam để thành lập doanh nghiệp thì nhà đầu tư nước ngoài vẫn phải trình dự án đầu tư. Trước sự chồng chéo, đá nhau như vậy, bản thân nhà đầu tư cũng như cơ quan chuyên trách cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp giống như đứng giữa ngã ba đường. Làm theo Nghị định 139 thì vi phạm Nghị định 108 và ngược lại. Cơ quan cấp giấy phép lựa chọn cách giải quyết an toàn nhất là không thực hiện cả hai nghị định, tình trạng thành lập doanh nghiệp bị “tắc nghẽn” phát sinh từ đó.
Hạnh Nguyên (Theo Báo Đại đoàn kết)