Bàn về thu hút FDI thời gian qua, ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT cho rằng, không nên nghĩ cơ quan quản lý nhà nước không biết làm việc. Không chỉ nói suông, những nhận thức về FDI đã được luật hoá, và bước đầu triển khai.
Bàn về thu hút FDI thời gian qua, ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT cho rằng, không nên nghĩ cơ quan quản lý nhà nước không biết làm việc. Không chỉ nói suông, những nhận thức về FDI đã được luật hoá, và bước đầu triển khai.
Ông Thắng cho rằng việc phân cấp đầu tư là đúng hướng nhưng cũng có những bất cập. Tuy nhiên, những việc này chỉ mang tính hiện tượng. Năm 2008, giải ngân được 12 tỷ USD đã là một thành công trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Không quốc gia nào có thể hấp thụ lượng FDI khổng lồ chỉ trong một năm.
FDI tăng: VN đang đi đúng hướng
- Tại sao trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn tiếp tục đổ vào VN?
Trong 8 tháng qua, vốn đăng ký FDI đạt trên 47 tỷ USD và trong cả năm 2008 có thể đạt 50 tỉ USD. Điều đó khẳng định các nhà đầu tư quốc tế tiếp tục lựa chọn VN là điểm đến để đầu tư. Đó cũng là tín hiệu tích cực cho thấy chúng ta đã đi đúng hướng trong việc khắc phục những khó khăn hiện tại của nền kinh tế.
Không chỉ riêng VN phải đối mặt với những khó khăn kinh tế, nhưng lợi thế so sánh của chúng ta là sự ổn định chính trị xã hội và quyết tâm của Đảng, Chính phủ VN trong việc hoàn thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.
Rõ ràng trước khi đầu tư vào VN, nhà đầu tư nước ngoài đều phải so sánh VN với các nước trong khu vực. Phải công bằng nhìn nhận Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng đã chỉ đạo hết sức sát sao, quyết liệt đối với tình hình kinh tế chính trị, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng. Những điểm yếu vẫn bị các nhà đầu tư kêu ca nhiều như nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng yếu kém, dù chưa phải đã hoàn thiện nhưng cũng bước đầu được khắc phục.
Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.
Không nước nào có thể hấp thụ lượng FDI khổng lồ chỉ trong 1 năm
- Nhưng 47 tỷ USD dù sao mới chỉ là những con số đăng ký. Điều mà các chuyên gia đặt dấu hỏi là liệu khả năng hấp thu nguồn vốn của nền kinh tế VN tới đâu? Báo cáo mới nhất của Citigroup cho rằng khả năng hấp thu nguồn vốn của VN còn kém. Bằng chứng là con số giải ngân dự kiến chỉ đạt 12 tỷ USD trong năm nay.
Chúng tôi vẫn luôn xác định: việc giải ngân nguồn FDI mới là quan trọng. Bên cạnh việc thu hút các nguồn dự án mới gối đầu cho các năm sau, Bộ KHĐT và các cơ quan quản lý nhà nước khác đều tập trung đẩy mạnh tốc độ giải ngân.
Nhưng không một quốc gia nào có thể hấp thụ khối lượng vốn lớn như vậy trong một thời gian ngắn. Ngay công tác đền bù giải phóng mặt bằng đã mất vài tháng, rồi việc xây dựng nhà máy cũng phải tính thời gian cả năm. Việc hấp thụ vốn, do đó phải mất vài năm.
Từ trước đến nay, chưa bao giờ trong 1 tháng chúng ta có thể giải ngân được 1 tỉ USD. Đó là một con số không nhỏ so với khả năng của chúng ta hiện nay.
"Không nên nghĩ cơ quan quản lý NN không biết làm việc"
- Có nhiều ý kiến lo ngại rằng lượng vốn đăng ký đầu tư vào các dự án sinh lời lớn như bất động sản tăng vọt trong khi các dự án thực sự tạo ra tăng trưởng và việc làm cho nền kinh tế như sản xuất công nghiệp, nông nghiệp thì tăng chậm. Ý kiến của ông?
Nói như vậy chưa chuẩn xác. Trong 8 tháng đầu năm, số dự án đăng ký vào công nghiệp rất lớn, 455 dự án với tổng vốn đầu tư 22,5 tỷ USD trong khi vào dịch vụ ít hơn, với 282 dự án.
Về bất động sản, chỉ có 3 dự án xây dựng khu đô thị mới, 22 dự án xây cao ốc, văn phòng, 21 dự án vào khách sạn, du lịch. Số còn lại tập trung vào các ngành dịch vụ khác hết sức cần thiết.
Ngay trong bất động sản, chúng ta cũng phải xem xét thực tiễn các nhà đầu tư đầu tư vào đâu? Có phải chỉ ở Hà Nội và TP.HCM? Hay các dự án này được đặt ở các khu vực cũng cần phát triển như Bà Rịa Vũng Tàu, các tỉnh miền Trung? Các tỉnh miền núi như Sa Pa (Lào Cai) nếu có KS 5 sao thì tốt quá chứ sao?
- Mặc dù vậy, quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng VN đã qua thời cần phải thu hút FDI bằng mọi giá. Đã đến lúc VN cần tỉnh táo, biết thu hút đầu tư có chọn lọc và dám nói KHÔNG với những dự án đầu tư gây ô nhiễm môi trường, lãng phí điện năng.
Đúng là trong hàng nghìn dự án FDI vẫn có các dự án như vậy. Nhưng tôi cho rằng đó chỉ là hiện tượng. Không nên nghĩ rằng, các cơ quan quản lý nhà nước không biết làm việc.
Trong thu hút FDI, tất cả các cơ quan quản lý đều quan tâm đến môi trường, an sinh xã hội và phát triển bền vững. Chúng tôi không nói suông mà điều đó đã được quy định trong Luật Đầu tư 2006. Và các cơ quan khi thẩm định, cấp phép đầu tư đều hiểu rõ trách nhiệm của họ.
- Nhưng chính việc phân cấp trong công tác cấp phép đầu tư, trao quyền cho các địa phương đang bắt đầu bộc lộ ra hiện tượng các địa phương đua nhau thu hút đầu tư theo thẩm quyền phân cấp của mình, dẫn tới tình trạng cấp phép ồ ạt và dễ dãi?
Vấn đề nào cũng có hai mặt. Phân cấp là bước đi đúng đắn, góp phần thu hút đầu tư trong 3 năm qua.
Trong quá trình đó, việc phân cấp cũng đã bộc lộ ra những hạn chế như cấp phép ồ ạt, nằm ngoài quy hoạch, chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề môi trường…đã xảy ra. Nhưng tôi vẫn cho rằng, đó chỉ là hiện tượng.
Trên tinh thần nhìn thẳng vào hạn chế đó, Bộ KHĐT đã cử các đoàn về các địa phương để rà soát, báo cáo tình hình sau 1 năm phân cấp đầu tư theo đó đề ra các việc: một là tuân thủ các quy trình và quy định của văn bản pháp luật trong việc tiếp nhận đầu tư; hai là tăng cường sự phối hợp giữa trung ương với địa phương trong cấp phép, đặc biệt là cơ chế phối hợp và chế độ báo cáo thống kê để kịp thời tổng hợp tình hình, giải quyết vướng mắc ở tầm vĩ mô.
Hiện nay có quá nhiều đầu mối để cấp phép, ở các tỉnh cũng như ban quản lý khu công nghiệp gây khó khăn cho tổng hợp định kỳ. Thậm chí, Tp. HCM còn uỷ quyền tiếp cho sở Kế hoạch - Đầu tư cấp phép thêm. Nhiều đầu mối và báo cáo thống kê chưa nghiêm gây khó cho đánh giá và báo cáo kịp thời hàng tháng.
Phá vỡ quy hoạch: Quan ngại nhưng chưa lo ngại
- Liệu quá nhiều đầu mối cấp phép như vậy chính là nguyên nhân gây ra chuyện phá vỡ những qui hoạch tổng thể?
Đó là vấn đề gây quan ngại và đáng được quan tâm, nhưng chưa đáng lo ngại. Hiện nay ta có quy hoạch ngành, vùng, địa phương, lãnh thổ. Với quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, là một điều kiện thuận lợi cho địa phương tiếp nhận đầu tư, địa phương cứ căn cứ theo đó để thực hiện.
- Việc “loạn” cấp phép sân golf có thể xem là ví dụ của việc phá vỡ quy hoạch?
Hiện nay VN mới chỉ có khoảng 13 sân golf chính thức hoạt động và số cấp phép là hơn 78 sân golf. Quan trọng nhất là sân golf chiếm diện tích canh tác lúa không lớn.
Chúng tôi đã kiến nghị lên Thủ tướng về việc thu hồi giấy phép các dự án sử dụng diện tích canh tác lúa và kiên quyết không cấp phép cho các dự án dạng này.
Thực tế các sân golf đang hoạt động đều ở vị trí không thể canh tác được hoặc không thể làm gì tốt hơn. Đơn cử, sân golf Đồng Mô chỉ có thể trồng sim, bạch đàn, sân golf Hoà Bình nằm trong hẻm núi…
- Nhiều người đặt vấn đề lập sân golf để phục vụ ai? Liệu chúng ta có cấp phép quá nhiều dự án sân golf hay không?
Nhiều hay ít phải căn cứ theo cung cầu. Từ 15 năm trước, Malaysia đã có hàng trăm sân golf và đều hoạt động hiệu quả, tạo công ăn việc làm, xử lý được vấn đề môi trường.
Với VN, dù đã cấp phép 78 dự án sân golf nhưng thực hiện được hay không là một vấn đề. Ta đang rà soát lại, theo hướng khuyến khích, đẩy nhanh các dự án trên đồi cát, không vi phạm đất canh tác. Muốn có đánh giá cuối cùng cần những điều tra xem xét kĩ lưỡng.
Giải ngân 12 tỷ USD, tăng trưởng có thể giữ được mức 7-7,5%
- Trở lại với tốc độ giải ngân FDI. Theo ông, vướng mắc lớn nhất của các địa phương là gì?
Cái vướng lớn nhất là giải phóng mặt bằng, giao đất cho nhà đầu tư. Vướng thứ hai là các vấn đề nhân sinh, giải quyết bài toán tái định cư. Đây là những vấn đề cần phải giải quyết sớm.
Điều đáng mừng là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các nhà đầu tư vẫn có kế hoạch triển khai vốn tại VN. Chúng ta vẫn có thể đạt mục tiêu giải ngân 12 tỷ USD trong năm nay.
- 12 tỷ USD vẫn là con số khiêm tốn so với vốn cam kết lên tới 50 tỷ USD của năm nay?
Với khả năng của nền kinh tế hiện nay, đạt 12 tỷ USD đã là thành công rồi. Đạt được mức này, ta có thể đạt mục tiêu giữ tăng trưởng ở mức 7-7,5% trong năm 2008.
Tất nhiên, nếu chúng ta làm được nhiều hơn thì sẽ tốt hơn, nhưng so với yêu cầu vốn đầu tư nước ngoài đưa vào ở mức 180.000 tỷ đồng (12 tỷ USD), chúng ta đạt được là đáng mừng. Không thể đòi hỏi quá lớn.
Nguồn: Website: www.tuanvietnam.net