Bộ Kế hoạch và Đầu tư dựng kịch bản kinh tế 2011
10/09/2010

 

Những biến động khó lường của kinh tế thế giới, những diễn biến trái chiều của các đồng tiền mạnh, những dự báo khác biệt lớn về triển vọng kinh tế năm 2011, cùng những tiềm ẩn bất ổn vĩ mô trong nước dường như không ảnh hưởng đến mục tiêu đạt mức tăng trưởng cao hơn trong năm tới.

 

Những biến động khó lường của kinh tế thế giới, những diễn biến trái chiều của các đồng tiền mạnh, những dự báo khác biệt lớn về triển vọng kinh tế năm 2011, cùng những tiềm ẩn bất ổn vĩ mô trong nước dường như không ảnh hưởng đến mục tiêu đạt mức tăng trưởng cao hơn trong năm tới.

Tại báo cáo trình lên thường trực Chính phủ trong kỳ họp tháng 8 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dựng lên một kịch bản khá sáng sủa cho tăng trưởng năm 2011 của Việt Nam, với mức tăng GDP từ 7-7,5% so với năm 2010.

Ở kịch bản này, các ngành kinh tế trọng điểm đều tăng mức đóng góp vào tăng trưởng chung. Cụ thể, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản dự kiến tăng 2,8-3%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,5-8,2%; khu vực dịch vụ tăng 8,2-8,5%, trong khi con số tương ứng của năm 2010 dự kiến là 2,6%; 7,6% và 7,5%.

Hơn thế, những giả định về lạm phát bình quân năm chỉ tăng dưới 8%, tỷ giá VND/USD ở mức 20 nghìn đồng/USD cho cảm nhận khá ổn về tình hình kinh tế. Tuy nhiên, nhìn trên một số cán cân vĩ mô lớn, vẫn có những vấn đề còn đáng lưu ý.

Bội chi ngân sách khoảng 5,5% GDP

Liên quan đến chính sách tài khóa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2011 khoảng 612,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16,7% so với ước thực hiện năm 2010 và bằng khoảng 26,7% GDP.

Chỉ tiêu này tuy đã thấp hơn mức 28% GDP của năm 2010 nhưng lại chủ yếu dồn vào tăng thu nội địa (trong đó có thu từ doanh nghiệp, người thu nhập cao…), giảm thu từ dầu thô, thu viện trợ không hoàn lại và tăng thấp hơn ở thu xuất nhập khẩu.

Tổng chi ngân sách nhà nước dự kiến khoảng 735 nghìn tỷ đồng, tăng 17,5% so với thực hiện năm 2010, cao hơn so với mức tăng chi ngân sách tương ứng.

Nếu tính cả phần chuyển nguồn từ năm 2010 sang năm 2011, dự kiến khoảng 22 nghìn tỷ đồng, bội chi ngân sách nhà nước năm tới vào khoảng 123,4 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 5,5% GDP, báo cáo cho biết.

Như vậy, bội chi ngân sách so với GDP năm 2011 đã giảm hơn so với mức khoảng 6% của năm 2010, tuy vẫn còn khá cao so với mục tiêu khống chế bội chi ngân sách dưới 5% của cả thời kỳ.

Phần bội chi này thường được bù đắp bởi vay ODA từ các nhà tài trợ, phát hành trái phiếu… Trong bối cảnh lãi suất các khoản vay ODA đang tăng lên, cùng với gánh nặng nợ nước ngoài đã khá lớn thì bội chi ngân sách cao không có lợi.

Đầu tư vượt xa tiết kiệm

Theo báo cáo, tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011 vào khoảng 930 nghìn tỷ đồng, tăng 16,3% so với ước thực hiện năm 2010 và bằng khoảng 41-41,5% GDP, tương đương với chỉ tiêu này của năm 2010.

Tuy nhiên, so với tiết kiệm của nền kinh tế đang giảm đi, từ mức 30,4% GDP của con số ước thực hiện năm 2010 xuống mức 27,9-27,6% GDP dự kiến kế hoạch 2011, chi đầu tư đang đè nặng lên khả năng chịu đựng của nền kinh tế.

Bù đắp cho mất cân đối này, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dự kiến sẽ tăng 15,5% trong năm 2011, tương đương với 198,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,4% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội.

Trong khi đó, đối tượng doanh nghiệp và người dân (người có thu nhập cao) đối mặt với khả năng phải nộp ngân sách nhiều hơn, được “áp” mức tăng đầu tư 9,5% với doanh nghiệp nhà nước, tương đương 72,4 nghìn tỷ đồng; tăng 37,9% với doanh nghiệp ngoài nhà nước và dân cư, tương đương 344 nghìn tỷ đồng.

Vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trong năm 2011 dự kiến khoảng 65 nghìn tỷ đồng, tăng tới gần 18,2% so với ước thực hiện năm 2010.

Như vậy, có thể thấy tăng trưởng của nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào tăng vốn.

Nhập siêu khoảng 14,5 tỷ USD

Với lĩnh vực thương mại quốc tế, báo cáo tỏ ra thận trọng hơn trước những diễn biến chưa mấy lạc quan của thế giới. Sau con số ước tính tăng trưởng xuất khẩu khoảng 18,2% và nhập khẩu khoảng 16,5%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng hai chỉ tiêu này trong năm 2011 sẽ chỉ quanh mức tăng 10%.

Dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu năm tới đạt khoảng 74,25 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2010; kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 88,8 tỷ USD, tăng tương ứng 9%. Nhập siêu năm 2011 dự kiến khoảng 14,5 tỷ USD, bằng 19,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Như vậy, thâm hụt thương mại trong năm 2011 đã cao hơn so với ước thực hiện năm 2010. Nhập siêu duy trì ở mức cao trong bối cảnh cán cân thanh toán của Việt Nam có khả năng thâm hụt liên tiếp 2 năm 2009 và 2010, ở mức 8,8 tỷ USD và 4 tỷ USD, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá VND/USD ở những thời điểm nhất định, theo sau có thể là lạm phát và tăng lãi suất ngân hàng.

Cán cân thanh toán có thể thặng dư 500 triệu USD

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cán cân vãng lai năm 2011 có khả năng thâm hụt khoảng 10,9 tỷ USD do cán cân thương mại  thâm hụt khoảng 9,51 tỷ USD, dịch vụ thâm hụt 1,75 tỷ USD, thu nhập đầu tư thâm hụt 5,12 tỷ USD và chuyển tiền thặng dư 5,5 tỷ USD.

Số thâm hụt này được bù đắp bởi thặng dư trong cán cân vốn 11,8 tỷ USD, dẫn tới cán cân thanh toán tổng thể có khả năng thặng dư 500 triệu USD trong năm tới, báo cáo cho biết.

Tuy nhiên, một số ý kiến gần đây cho rằng, việc tính đầu tư gián tiếp vào cán cân thanh toán như hiện nay là không hợp lý do tính bất ổn định của dòng tiền này.

Ngoài ra, thu nhập đầu tư tăng mức thâm hụt cũng cho thấy trách nhiệm trả nợ nặng nề hơn và có thể một phần lợi nhuận của nhà đầu tư nước ngoài không được tái đầu tư ở trong nước mà chuyển ra khỏi Việt Nam.

Cân đối điện mong manh

Để đạt mức tăng trưởng GDP 7-7,5%, nhu cầu về điện năm 2011 dự báo sẽ tăng khoảng 14-15%, tương đương điện thương phẩm đạt khoảng 97 tỷ KWh, điện sản xuất và nhập khẩu khoảng 110,5 tỷ KWh.

Như vậy, công suất dự kiến hết năm 2010 là 10.295 MW, trong đó thủy điện là 8.158 MW; nhiệt điện 11.437 MW. Công suất dự kiến tăng thêm năm 2011 vào khoảng 4.585 MW, trong đó nhiệt điện là 1.680 MW, thủy điện 2.905 MW.

Cũng trong năm 2011, Việt Nam sẽ phải tính đến khả năng nhập khẩu điện từ Trung Quốc khoảng 700 MW và Lào khoảng 250 MW để bù đắp phần thiếu hụt từ sản xuất trong nước.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong điều kiện thủy văn bình thường, ít ảnh hưởng đến các nhà máy thủy điện và nhập khẩu điện theo đúng dự kiến thì khả năng có thể đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Tuy nhiên, phương án tính toán cân đối điện năm 2011 là rất mong manh nếu chỉ một dự án nguồn điện chậm tiến độ, hoặc thời tiết không thuận lợi, bộ này nhận định.

                                                                                           

            Khanh Ha (theo VnEconomy)