Hiện đại hóa Cảng Quy Nhơn
27/08/2010

 

Nhiều năm liền Cảng Quy Nhơn luôn đạt mức tăng trưởng và sản lượng dẫn đầu các cảng biển miền trung. Năm 2009, với sản lượng 3,9 triệu tấn hàng hóa thông quan, Cảng vượt công suất thiết kế tới 78%. Nhiều năm liên tục các chỉ tiêu cơ bản, các dự án đầu tư nâng cấp theo hướng hiện đại hóa đều vượt kế hoạch, tạo nền tảng phát triển bền vững góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển của Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

 

Nhiều năm liền Cảng Quy Nhơn luôn đạt mức tăng trưởng và sản lượng dẫn đầu các cảng biển miền trung. Năm 2009, với sản lượng 3,9 triệu tấn hàng hóa thông quan, Cảng vượt công suất thiết kế tới 78%. Nhiều năm liên tục các chỉ tiêu cơ bản, các dự án đầu tư nâng cấp theo hướng hiện đại hóa đều vượt kế hoạch, tạo nền tảng phát triển bền vững góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển của Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Tăng trưởng cao qua từng năm

Năm 2009, thách thức do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới nặng nề nhưng sản lượng hàng hóa thông quan qua Cảng Quy Nhơn vẫn đạt mức cao nhất từ trước tới nay - hơn 3,9 triệu tấn, tăng gần 20% so với năm trước đó. Trong đó, hàng xuất khẩu đạt 2,03 triệu tấn, hàng nhập khẩu đạt 838 nghìn tấn và hàng nội địa đạt 1,029 triệu tấn. Trong năm, có 1.510 lượt tàu cập cảng, và Cảng Quy Nhơn là một trong số những cảng biển có hiệu suất khai thác cầu cảng cao nhất nước (4.746 tấn/m - vượt 78% công suất thiết kế).

Giám đốc Cảng Quy Nhơn  Nguyễn Tín Dân cho biết: Ngay từ đầu năm, Cảng triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm tăng cường cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị, công nghệ, xây dựng các giải pháp khai thác tốt cầu, bến; giải phóng tàu nhanh; tăng năng suất xếp dỡ; thực hành tiết kiệm, giảm chi phí sản xuất... Bằng nguồn vốn tự bổ sung, Cảng đã đầu tư hơn 80 tỷ đồng mua sắm  thiết bị phục vụ sản xuất. Từ năm 2005 đến nay, tập trung từ nhiều nguồn vốn, Cảng đầu tư 232,9 tỷ đồng nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh theo hướng hiện đại hóa. Trong đó, Nhà nước đầu tư xây dựng thêm cầu tàu phía nam cảng với vốn 59,5 tỷ đồng (nâng tổng chiều dài của cảng lên 820 m). 173 tỷ đồng được huy động trong cán bộ, công nhân và vốn tự bổ sung của doanh nghiệp được đầu tư mua sắm các thiết bị công nghệ hiện đại và hệ thống kho tàng, bến bãi. Trong hai năm 2006 và 2009, Cảng Quy Nhơn trang bị mới hai cần cẩu hiện đại GOTTWAND của Ðức sức nâng 100 tấn và 60 tấn (trị giá 114 tỷ đồng) cùng hàng loạt thiết bị làm hàng tiên tiến, như xe nâng, máy xúc..., góp phần nâng cao năng suất, giải phóng tàu nhanh. Ngoài ra, Cảng xây dựng thêm hệ thống kho tàng, bãi công-ten-nơ. Ðến nay, Cảng có  hơn 20 nghìn m2 kho và hơn 100 nghìn m2 bãi... Do tăng cường đầu tư thiết bị, công nghệ và không ngừng nâng cao tay nghề và tinh thần trách nhiệm của người lao động cho nên Cảng tăng năng suất xếp dỡ, giải phóng tàu nhanh (kể cả thu hút được hàng siêu trường, siêu trọng)... các chủ tàu, chủ hàng đến với Cảng Quy Nhơn ngày càng nhiều. Nhờ vậy, sản lượng hàng hóa của Cảng qua từng năm ngày càng tăng cao. Năm năm gần đây, tỷ lệ tăng sản lượng và các chỉ tiêu chủ yếu của Cảng đều ở mức hơn 15%. Theo quy hoạch, đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, dự báo đến năm 2015 cụm Cảng Quy Nhơn mới đạt sản lượng năm triệu tấn, nhưng đến nay, cụm cảng đã gần đạt mức sản lượng nói trên. Năm 2009, thu nhập bình quân của người lao động đạt mức 7,64 triệu đồng/người/tháng.

Vươn lên tầm cao mới

Cảng Quy Nhơn được Chính phủ quy hoạch là một trong mười cảng trọng điểm của cả nước, là Cảng được quan tâm đầu tư nhằm bảo đảm phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền trung và Tây Nguyên. Cảng cũng được xem là đầu mối quan trọng trên trục hành lang Ðông Tây, là cửa ngõ ra Biển Ðông của tiểu vùng sông Mê Công (gồm đông bắc Thái-lan, nam Lào và đông bắc Cam-pu-chia) thông qua quốc lộ 18 B (Lào), nối với quốc lộ 19 (Việt Nam).

Do vậy, Cảng Quy Nhơn có vai trò là đầu mối giao lưu hàng hóa quan trọng của khu vực.

Trong điều kiện mặt bằng hẹp, tình trạng tàu chờ hàng hóa ùn tắc thường xuyên luôn là nỗi trăn trở của lãnh đạo Cảng Quy Nhơn. Trước mắt, Cảng sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư thiết bị để giải phóng tàu nhanh; quy hoạch các cầu tàu hiện có thành cầu tàu chuyên dụng cho từng nhóm hàng để có thể đầu tư thiết bị phù hợp, nâng cao năng lực xếp dỡ của Cảng. Ðồng thời, Cảng đang triển khai dự án đầu tư xây dựng thêm một cầu cảng công-ten-nơ chuyên dụng 30 nghìn DWT dài 200 m; lấn biển, xây dựng bãi công nghệ sau cầu cảng rộng 12 héc-ta cùng các thiết bị xếp dỡ công-ten-nơ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Dự án có tổng giá trị đầu tư 550 tỷ đồng này khi hoàn thành, đưa vào khai thác vào cuối năm nay sẽ góp phần nâng công suất của Cảng Quy Nhơn lên gần gấp hai lần so với hiện nay. Ðây là dự án được triển khai thực hiện bởi Công ty cổ phần Tân Cảng Quy Nhơn, đơn vị thành viên mới của Cảng Quy Nhơn, thông qua việc huy động vốn trong cán bộ, công nhân và các đối tác của Cảng Quy Nhơn. Bên cạnh việc nâng cấp, phát triển hạ tầng, Cảng Quy Nhơn sẽ tiếp tục bổ sung nguồn nhân lực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua việc tuyển chọn thêm đội ngũ cán bộ, công nhân có trình độ cao và cử cán bộ kỹ thuật và công nhân đi đào tạo tại nước ngoài.

Mới đây, Cục Hàng hải đã khởi công dự án nâng cấp tuyến luồng vào Cảng Quy Nhơn nhằm đồng bộ với kết cấu hạ tầng cầu - bến và phương tiện, công nghệ đã có tại Cảng Quy Nhơn, bảo đảm năng lực tiếp nhận các tàu trọng tải lớn từ 30 nghìn tấn đến 50 nghìn tấn vào làm hàng tại Cảng. Tuyến luồng mới có giá trị đầu tư gần 75 tỷ đồng này hoàn thiện sẽ góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, thu hút tàu hàng đến với Cảng Quy Nhơn.

Nguồn: Báo Nhân dân Online