Từ 1-9-2008: Sẽ bỏ ít nhất 200 giấy phép con
01/09/2008

 

Theo Luật doanh nghiệp 2005 và nghị định 139/NĐ-CP, những giấy phép (GP), điều kiện kinh doanh không có trong luật, không được Chính phủ ban hành sẽ hết hiệu lực từ 1-9-2008. Hàng trăm GP hiện hành chưa được các bộ trình lên Chính phủ, vậy việc thực hiện sẽ thế nào? Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Hữu Huỳnh - trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN - nói: 

 

Theo Luật doanh nghiệp 2005 và nghị định 139/NĐ-CP, những giấy phép (GP), điều kiện kinh doanh không có trong luật, không được Chính phủ ban hành sẽ hết hiệu lực từ 1-9-2008. Hàng trăm GP hiện hành chưa được các bộ trình lên Chính phủ, vậy việc thực hiện sẽ thế nào? Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Hữu Huỳnh - trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN - nói: 

Nghị định 139 là cần thiết, trong bối cảnh cứ xóa lại mọc thêm các yêu cầu phải xin GP mà chúng ta vẫn gọi là GP con.

Nhưng đáng ra các GP, điều kiện kinh doanh (ĐKKD) không có trong danh mục các luật, nghị định của Chính phủ phải bãi bỏ ngay từ năm 2005, khi Luật doanh nghiệp có hiệu lực thi hành. Nghị định 139 đã nới thời gian thực hiện đến 1-9-2008. Hi vọng đây sẽ là thời hạn cuối cùng.

Hạn chót đã gần nhưng để cắt những GP, ĐKKD do các bộ ngành, địa phương ban hành sẽ không dễ vì nó khá phức tạp?

GP đang ẩn mình dưới nhiều hình thức. Chỉ ở dạng chấp thuận bằng văn bản đã có hàng loạt giấy như: chứng chỉ hành nghề, chứng nhận đạt tiêu chuẩn, chứng nhận đăng ký, kinh doanh, chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định... Luật doanh nghiệp 2005 đã quy định các bộ ngành, địa phương không được quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện và ĐKKD. Thủ tướng cũng đã yêu cầu các bộ ngành rà soát cắt giảm nhưng thực tế chúng ta chưa cắt giảm được bao nhiêu. Vì vậy, thời hạn 1-9 là bước ngoặt đối với doanh nghiệp, họ sẽ được kinh doanh những gì luật không cấm, muốn hạn chế quyền đó phải cấp Thủ tướng mới quyết định được.

Vậy theo ông, từ 1-9 sẽ có bao nhiêu loại GP có thể bỏ ngay?

Hiện có nhiều loại GP như: chấp nhận khuyến mãi, GP đăng ký nhượng quyền thương mại, có địa phương yêu cầu tất cả điểm vá xe phải đăng ký kinh doanh, photocopy phải có GP, kinh doanh lữ hành quốc tế phải làm đơn xin Tổng cục Du lịch và ký quỹ 250 triệu... Theo tôi, có rất nhiều GP con, ĐKKD có thể bãi bỏ hoặc sửa lại. Cái gì thật sự cần quản mới đặt ra phải xin phép.

Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy mỗi lần cắt giảm với quyết tâm từ trên xuống dưới, họ cắt được tới 50% tổng GP, ĐKKD. Với nền kinh tế đang chuyển đổi như VN, tôi nghĩ khả năng cắt được không kém nếu không muốn nói là cao hơn. Với con số Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương thống kê được gần đây là 400 nhưng nếu căn cứ vào thực tế, tôi nghĩ VN có thể cắt được ít nhất 200 GP, ĐKKD.

Thủ tướng từng yêu cầu rà soát, loại bỏ GP con nhưng thực tế sau đó GP lại mọc ra. Vậy cần làm gì để cắt hẳn được những GP không cần thiết?

Khi quy định cấp Thủ tướng mới được ban hành ĐKKD, Luật doanh nghiệp 2005 đã muốn loại bỏ việc tự tiện ra các quy định về GP của các bộ, ngành, địa phương. Tôi nghĩ khi mỗi GP muốn được thông qua phải được thảo luận ở Chính phủ thì những GP không hợp lý sẽ chịu nhiều điều kiện khắc nghiệt hơn. Theo tôi, nên đưa ra tư duy đã đặt ra GP thì Nhà nước phải hậu kiểm được, nếu không thể hậu kiểm thì không nên đặt ra. Chứ như hiện nay các khâu xin phê chuẩn quy hoạch khu đô thị rất phức tạp, cái vỉa hè phải làm thế nào có khi phải sửa mấy lần. Nhưng sau đó doanh nghiệp bỏ hẳn vỉa hè, thậm chí bỏ hẳn hạng mục trường học cũng không sao thì không nên.

Nhưng hiện tại các bộ, ngành chưa trình Chính phủ ban hành những GP vẫn phải thực hiện sau 1-9-2008. Doanh nghiệp sẽ phải ứng xử như thế nào trước thực tế này, thưa ông?

VN là một nhà nước pháp quyền nên sau 1-9, tôi nghĩ doanh nghiệp có quyền áp dụng đúng luật mà không cần phải chờ cơ quan nhà nước có hành động hay không. Chính phủ nên có một nghị định riêng về các GP, ĐKKD bởi theo một tài liệu của Ban nghiên cứu thủ tướng (cũ), nếu cải cách tốt hệ thống quy chế hành chính có thể giảm chi phí kinh doanh khoảng 3% GDP! Con số này tương đương hơn 1 tỉ USD.

Ông NGUYỄN ĐÌNH CUNG (thành viên tổ thi hành Luật doanh nghiệp):

Doanh nghiệp có quyền khởi kiện, nếu...

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, VN có 400 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thể hiện ở hơn 300 loại GP và gần 100 hình thức khác. Trong đó, 84 loại ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại luật, nghị định nhưng ĐKKD lại được quy định ở thông tư, văn bản cấp bộ. 28 ngành nghề kinh doanh, thông tư đã quy định chặt hơn ĐKKD quy định ở luật, pháp lệnh, nghị định. Từ 1-9-2008, các GP, ĐKKD không có trong luật, nghị định thì đương nhiên hết hiệu lực. Cơ quan nào vẫn yêu cầu, gây khó khăn cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp có thể khởi kiện. Họ hoàn toàn có thể thắng kiện và được đền bù thiệt hại nếu có

Nguồn: Tuoi tre Online