Khai thác lợi thế đầu tư ở châu Phi
23/08/2010
Vừa qua, trong hội nghị gặp gỡ giữa tham tán thương mại Việt Nam tại các nước châu Phi với doanh nghiệp do trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM tổ chức, ông Lý Quốc Hùng, vụ trưởng vụ Thị trường châu Phi – Tây Á – Nam Á (Bộ Công Thương) đánh giá, châu Phi là thị trường tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam mở hướng xuất khẩu trong tương lai.
Vừa qua, trong hội nghị gặp gỡ giữa tham tán thương mại Việt Nam tại các nước châu Phi với doanh nghiệp do trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM tổ chức, ông Lý Quốc Hùng, vụ trưởng vụ Thị trường châu Phi – Tây Á – Nam Á (Bộ Công Thương) đánh giá, châu Phi là thị trường tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam mở hướng xuất khẩu trong tương lai.
Mỗi năm châu Phi nhập hơn 1 tỉ USD gạo, trong đó gạo Việt Nam chiếm một nửa. Trong năm năm tới, gạo vẫn là mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam vào châu Phi. Kế đến là hàng dệt may, thuỷ hải sản, càphê… Nhu cầu của người dân ở 54 quốc gia châu Phi còn rất cao, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới tập trung xuất ở hơn mười nước. Doanh nghiệp có thể khai thác thêm một kênh xuất khẩu khác sang châu Phi là bán hàng viện trợ cho các tổ chức quốc tế hoặc các tập đoàn lớn của châu Âu, Mỹ viện trợ nhân đạo cho châu Phi. Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, vụ Thị trường châu Phi – Tây Á – Nam Á đã mở cổng thương mại Việt Nam – châu Phi www.vinafrica.com.vn.
Các tham tán thương mại cho rằng, cách thâm nhập thị trường châu Phi ít rủi ro và tận dụng nhiều ưu đãi nhất là đầu tư sản xuất tại các nước châu Phi, cung cấp hàng hoá tại chỗ. Doanh nghiệp dệt may hợp tác đầu tư với châu Phi tận dụng nguồn bông tại chỗ, công lao động thấp, xuất sản phẩm sang Mỹ và EU được miễn hạn ngạch và miễn thuế nhập khẩu. Các nước Nam Phi, Tanzania, Bờ Biển Ngà, Senegal có nguồn gỗ nguyên liệu phong phú trong khi công nghiệp chế biến gỗ chưa phát triển, nên thường xuất gỗ nguyên liệu sang châu Âu và nhập trở lại đồ gỗ thành phẩm. Đầu tư vào chế biến gỗ ở các nước trên, doanh nghiệp có thể sản xuất đồ gỗ tại chỗ hoặc đưa gỗ sơ chế về nước.
Mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ châu Phi là hạt điều thô (106,8 triệu USD năm 2009). Trong khi các nước châu Phi không có khả năng đầu tư nhà máy chế biến hạt điều thì đây là lĩnh vực có thể mang lại lợi nhuận tốt cho doanh nghiệp Việt Nam. Thương vụ Nam Phi đề nghị, doanh nghiệp ngành dược nên nghiên cứu lập liên doanh sản xuất dược phẩm đặt ở Nam Phi vì hiện nay nhu cầu thuốc ở châu Phi rất lớn, nhiều loại thuốc họ nhập từ châu Âu với giá cao hơn nhiều so với giá thuốc cùng loại mà Việt Nam sản xuất được. Đồ nhựa gia dụng cũng là ngành nên đầu tư sản xuất tại chỗ vì nhu cầu mua sắm mặt hàng này ở châu Phi còn rất lớn.
Nguồn: SGTT Media