Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 (gọi tắt là Đề án 30) được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xác định là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá của cải cách hành chính trong giai đoạn 2007 - 2010.
Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 – 2010 (gọi tắt là Đề án 30) được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xác định là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá của cải cách hành chính trong giai đoạn 2007 – 2010. Việc thực hiện thành công Đề án 30 có ý nghĩa chính trị và kinh tế hết sức to lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao tính chuyên nghiệp của bộ máy hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch việc giải quyết thủ tục hành chính, góp phần phòng chống tham nhũng, củng cố lòng tin của nhân dân.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc triển khai Đề án 30 tại các địa phương, Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của tỉnh được thành lập ngày 06/8/2008, gồm có 5 thành viên: tổ trưởng, tổ phó công tác theo chế độ kiêm nhiệm, 3 thành viên chuyên trách được trưng tập từ các Sở, chính thức hoạt động từ ngày 8/9/2008.
Công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện
Triển khai Đề án 30 theo sự hướng dẫn của Tổ công tác chuyên trách, UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị rà soát và lập danh mục thủ tục hành chính làm cơ sở cho công tác thống kê và rà soát thủ tục hành chính sau này. Để hướng dẫn và hỗ trợ các đơn vị, Tổ công tác đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai cùng nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn cụ thể trong công tác thống kê và rà soát thủ tục hành chính; tổ chức các buổi tập huấn tập trung với thành phần là lãnh đạo, chuyên viên các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn; tập huấn trực tiếp tại các sở, ban, ngành và các địa phương được chọn làm điểm nhằm quán triệt nội dung Đề án 30 và hướng dẫn cách thức, phương pháp thống kê, rà soát thủ tục hành chính, yêu cầu nội dung việc điền các biểu mẫu đến từng cán bộ chuyên môn. Để kịp thời nắm rõ tình hình, các thành viên chuyên trách thường xuyên làm việc trực tiếp với các đơn vị để trao đổi nghiệp vụ, giải đáp thắc mắc, cùng đề ra biện pháp tháo gỡ đối với công tác thống kê rà, soát cụ thể tại đơn vị.
Tại các đơn vị sở, ban, ngành và thành phố, tổ công tác thực hiện đề án 30 cũng đã được thành lập nhằm giúp cho lãnh đạo các đơn vị triển khai hiệu quả đề án. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố được chọn làm điểm đã tổ chức phổ biến, hướng dẫn triển khai thực hiện đề án 30 đến các phòng, ban chuyên môn, xã, phường, thị trấn; tổ chức các cuộc họp hội thảo để đánh giá, thảo luận đi đến thống nhất các nội dung cần thống kê, rà soát của từng thủ tục hành chính; đồng thời sau khi có kết quả thống kê, thực hiện việc niêm yết công khai nội dung thủ tục, mẫu đơn, mẫu tờ khai và giải quyết công việc theo đúng bộ thủ tục hành chính đã được UBND tỉnh công bố.
Kết quả thực hiện:
Công tác thống kê:
Thực hiện giai đoạn thống kê thủ tục hành chính, tỉnh Bình Định đã tiến hành triển khai ở cả 3 cấp trên địa bàn tỉnh: tại tất cả các cơ quan chuyên môn trực thuộc tỉnh và các huyện, xã được chọn làm điểm: Quy Nhơn, Hòai Nhơn, Vĩnh Thạnh, Phù Mỹ, Tuy Phước. Hoàn thành giai đoạn 1 của Đề án 30, tỉnh Bình Định đã thống kê được 1310 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chuyên môn trực thuộc tỉnh, 197 thủ tục hành chính chung áp dụng tại đơn vị cấp huyện và 135 thủ tục hành chính chung áp dụng tại đơn vị cấp xã. Toàn bộ các thủ tục hành chính của 3 cấp, đính kèm 1657 mẫu đơn, mẫu tờ khai đã được nhập vào phần mềm máy xén và gửi dữ liệu về trung ương để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia.
Kết thúc giai đoạn thống kê, UBND tỉnh đã hoàn tất và công bố 19 bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành chuyên môn trực thuộc tỉnh, 01 bộ thủ tục hành chung áp dụng tại đơn vị cấp huyện và 01 bộ thủ tục hành chung áp dụng tại đơn vị cấp xã. Theo hướng dẫn của Tổ công tác chuyên trách, để tăng cường tính minh bạch và tuyên truyền thủ tục hành chính đến người dân, doanh nghiệp, các bộ thủ tục hành chính này đã được in ấn để phổ biến rộng rãi tại các điểm một cửa tiếp nhận thủ tục hành chính của các đơn vị cấp xã và cấp huyện, được các đơn vị sở, ban, ngành công bố công khai trên các trang web của sở, ban, ngành.
Kết quả ban đầu đạt được sau giai đoạn thống kê có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, giảm phiền hà, tốn kém cho công dân, đồng thời tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp cùng góp phần giám sát quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, thực hiện yêu cầu công khai, minh bạch hoạt động quản lý Nhà nước.
Công tác rà soát thủ tục hành chính:
Trong thời gian đầu triển khai giai đoạn rà soát thủ tục hành chính, các đơn vị trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do khối lượng công việc cấp bách nhiều, phải giải quyết hậu quả do bão lụt, dịch bệnh xảy ra liên tiếp trên địa bàn. Tuy nhiên với sự phấn đấu, nỗ lực của các đơn vị và Tổ công tác thực hiện đề án 30 của tỉnh, đến nay, công tác rà soát các thủ tục hành chính đã hoàn tất. Ngày 30/3/2010, UBND tỉnh đã ký Quyết định số 146/QĐ-UBND công bố Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Định. Trong tổng số 1558 thủ tục hành chính được rà soát, tỉnh đã đưa ra kiến nghị đơn giản hóa 746 thủ tục hành chính chiếm 47,8%, trong đó có 674 thủ tục hành chính được kiến nghị sửa đổi bổ sung, 58 thủ tục hành chính được kiến nghị bãi bỏ và 13 thủ tục hành chính được kiến nghị thay thế. Nội dung, chất lượng kiến nghị đơn giản hóa khá đa dạng, kiến nghị đơn giản nhiều nội dung khác nhau của thủ tục hành chính như: hủy bỏ thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, cắt giảm thành phần hồ sơ không cần thiết; sửa đổi, hoàn thiện các mẫu đơn, mẫu tờ khai không rõ ràng, khó hiểu, phân cấp việc giải quyết thủ tục; Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính được xây dựng trên tinh thần kiến nghị sửa đổi những quyết định, quy định còn bất hợp lý, không phù hợp với hoàn cảnh của địa phương trong quá trình triển khai TTHC đến người dân, tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản nhất cho người dân và doanh nghiệp, mà vẫn đảm bảo mục tiêu quản lý của nhà nước.
Trong số các thủ tục hành chính đã được thống kê trước 30/9/2009, có 82 thủ tục thuộc lĩnh vực đất đai, nhà ở và môi trường đã bị thay thế và hủy bỏ theo Nghị định 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ và Thông tư 17/2009/TT-BTNMT ngày 21/10/2009; Thông tư 04/2008/TT-BTNMT ngày 19/8/2008 (hết hiệu lực 31/12/2009) của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các thủ tục này các đơn vị không tiến hành rà soát, mà đang tiến hành cập nhật công bố, bổ sung, sửa đổi theo đúng quy định
Việc triển khai công tác thống kê và rà soát thủ tục hành chính tại địa phương không chỉ góp phần làm tăng cường tính minh bạch, đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân mà còn giúp cho chính các cán bộ, công chức nắm rõ công việc hơn, nâng cao tính chuyên nghiệp, nâng cao ý thức cải cách thủ tục trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Thông qua công tác thống kê và rà soát thủ tục hành chính, các cán bộ, công chức được hệ thống hóa công việc thông qua bộ thủ tục hành chính, nắm rõ các căn cứ pháp lý của thủ tục, luôn biết cập nhật những thay đổi của văn bản bản quy phạm pháp luật, xây dựng quy trình giải quyết công việc hợp lý từ đó nâng cao được hiệu quả giải quyết công việc, tạo nên tính chuyên nghiệp của bộ máy chính quyền.
Công tác tuyên truyền:
Với những kết quả đạt được qua quá trình thống kê thủ tục hành chính tại các đơn vị sở, ban, ngành, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, UBND tỉnh đã tổ chức buổi lễ công bố công khai các bộ thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, cấp huyện và cấp xã, thông qua các cơ quan thông tấn báo chí để tuyên truyền đến các doanh nghiệp và công dân kết quả đạt được và tiếp nhận ý kiến đóng góp về đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Toàn bộ các thủ tục hành chính của 3 cấp bao gồm: 1310 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chuyên môn trực thuộc tỉnh, 197 thủ tục hành chính chung áp dụng tại đơn vị cấp huyện và 135 thủ tục hành chính chung áp dụng tại đơn vị cấp xã, đính kèm 1657 mẫu đơn, mẫu tờ khai đã được nhập vào phần mềm máy xén và gửi dữ liệu về trung ương để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và công dân tra cứu, tìm hiểu quy định về thủ tục hành chính.
Sau khi UBND tỉnh ký quyết định công bố, các bộ thủ tục hành chính này đã được in ấn để phổ biến rộng rãi tại các điểm một cửa tiếp nhận thủ tục hành chính của các đơn vị sở, ban, ngành, các đơn vị cấp xã và cấp huyện; đồng thời các thông tin về thủ tục hành chính được các đơn vị sở, ban, ngành công bố công khai trên các trang web của sở, ban, ngành để tiện cho việc tìm hiểu của doanh nghiệp và công dân.