Sáng ngày 17/8/2010, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cùng các sở, ngành của tỉnh đã làm việc với Đoàn công tác của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) do bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế cao cấp làm trưởng đoàn nhằm tìm hiểu về các kinh nghiệm và các thực tiễn tốt trong cải thiện tính minh bạch đối với môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Bình Định.
Sáng ngày 17/8/2010, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cùng các sở, ngành của tỉnh đã làm việc với Đoàn công tác của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) do bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế cao cấp làm trưởng đoàn nhằm tìm hiểu về các kinh nghiệm và các thực tiễn tốt trong cải thiện tính minh bạch đối với môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Bình Định.
Nội dung tìm hiểu lần này của đoàn công tác là nội dung liên quan đến thủ tục đầu tư, chính sách và vai trò của các hiệp hội, thủ tục về thuế, cách thức thực hiện Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính, việc xây dựng và vậ hành website của tỉnh…
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư xin giới thiệu nội dung liên quan đến thủ tục đầu tư tại tỉnh do Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại buổi làm việc như sau:
1. Cách thức đăng tải, thông tin về thủ tục đầu tư cho các nhà đầu tư tiềm năng
Áp dụng theo tiêu chuẩn ISO9001: 2000, toàn bộ thông tin về dự án mời gọi đầu tư, thủ tục đầu tư (chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, cấp thành lập Văn phòng đại diện, chi nhánh vốn FDI, thủ tục đầu tư ra nước ngoài) đều được Sở Kế hoạch và Đầu tư đăng tải kịp thời đầy đủ trên trang tin thông tin điện tử bằng 2 thứ tiếng Việt và Anh (www.binhdinhinvest.gov.vn). Mặt khác, các thông tin về thủ tục đầu tư còn được cung cấp đầy đủ, chi tiết theo yêu cầu của các nhà đầu tư qua trao đổi email, điện thoại, tờ rơi, ấn phẩm, CD, tạp chí và các cơ quan thông tấn khác...
2. Quy trình đổi mới, cải cách thủ tục đầu tư tại địa phương
Quy trình đổi mới, cải cách thủ tục đầu tư tại địa phương được thể hiện rõ trong các năm gần đây, nhất là trong năm 2010 bằng việc UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản nhằm cải cách thủ tục và cải thiện môi trường đầu tư tại địa phương, như:
- Quyết định số 159/QĐ-UBND ngày 08/4/2010 của UBND tỉnh Quy định về trình tự và cơ chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng của doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp và khu kinh tế trên địa bàn, trong đó quy định rõ trách nhiệm và thời hạn của các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh trong việc thực hiện các thủ tục hành chính đối với công dân, tổ chức;
- Quyết định số 12/2010/QĐ-UBND ngày 28/6/2010 của UBND tỉnh ban hành Quy định về phối hợp giải quyết công việc giữa các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh.
- Quyết định số 06/2010/QĐ-UBND ngày 5/4/2010 của UBND tỉnh ban hành Quy định một số chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh (trừ các khu công nghiệp thuộc Khu Kinh tế Nhơn Hội).
- Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 22/02/2010 ngày 22/02/2010 của UBND tỉnh về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh.
Cùng với thực hiện Luật DN, những năm qua UBND tỉnh đã thực hiện cơ chế chính sách thông thoáng, hỗ trợ đầu tư phát triển như ưu đãi về giá cho thuê đất, hỗ trợ kinh phí đào tạo công nhân, kinh phí cho DN tham gia Hội chợ triển lãm quốc tế; thực hiện cơ chế "một cửa, một đầu mối": Nhà đầu tư khi đầu tư vào tỉnh Bình Định, liên hệ trực tiếp với cơ quan 2 cơ quan đầu mối là Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư) hoặc Ban quản lý Khu kinh tế đối với các dự án trong Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp để được hướng dẫn, giúp đỡ và giải quyết các thủ tục hình thành và triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định của Nhà nước Việt Nam:
Thời gian thụ lý và hỗ trợ thủ tục hành chính trong lập và triển khai dự án đầu tư được quy định cụ thể. Thời hạn cấp giấy chứng nhận đầu tư được rút ngắn hơn so với quy định của Chính phủ.
3. Cách thức tiến hành cải tiến thủ tục đầu tư (phối hợp các sở, ngành, tổ công tác giải quyết vướng mắc…)
Cách thức tiến hành cải tiến thủ tục đầu tư của tỉnh Bình Định thể hiện cụ thể ở 2 văn bản sau:
3.1. Quyết định số 159/QĐ-UBND ban hành Quy định về trình tự và cơ chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng của doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp và khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Định được ra đời sau khi UBND tỉnh Bình Định và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) ký kết Bản ghi nhớ hợp tác. IFC đã cùng các chuyên gia tư vấn đã bắt tay ngay vào việc điều tra, khảo sát và từng bước xây dựng nên dự thảo Quy trình thủ tục và cơ chế phối hợp liên ngành trong giải quyết thủ tục đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh (trừ khu công nghiệp và khu kinh tế). Ngày 08/4/2010, UBND tỉnh Bình Định đã chính thức ban hành Quy định về trình tự và cơ chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng của doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp và khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Đây là lần đầu tiên tỉnh Bình Định ban hành một quy định đồng bộ, hoàn chỉnh về trình tự, thủ tục hành chính cũng như cơ chế phối hợp liên ngành trong giải quyết thủ tục đầu tư bao gồm: thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng và các thủ tục liên quan đến việc hình thành và triển khai dự án đầu tư của doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp và khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Định. Trước đây, các cơ quan của tỉnh cũng đã xây dựng dự thảo quy chế phối hợp liên ngành trong giải quyết thủ tục đầu tư nhưng chưa thật hoàn chỉnh nên quy định chưa được ban hành, do đó cả nhà đầu tư và các cơ quan của tỉnh không khỏi lúng túng khi thực hiện các trình tự, thủ tục đầu tư và thủ tục hành chính liên quan.
Điểm tiến bộ của Quy định mới ban hành là đã nêu rõ các nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính là công khai, minh bạch, tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả theo cơ chế một cửa; cơ quan chủ trì thụ lý thủ tục phải chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan khác để giải quyết trong thời hạn quy định, nhà đầu tư không phải liên hệ với từng cơ quan để được giải quyết; thời hạn để các sở, ban, cơ quan thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan đến dự án tham gia ý kiến là 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ và đề nghị cho ý kiến của cơ quan chủ trì, nếu quá thời hạn mà không có văn bản trả lời thì coi như đồng thuận đối với nội dung được đề nghị cho ý kiến. Đồng thời, Quy định cũng nêu rõ tính ưu tiên trong việc xử lý hồ sơ dự án đầu tư, theo đó hồ sơ hợp lệ của các dự án đầu tư được ưu tiên xử lý về mặt thời gian so với các nhiệm vụ thường xuyên cùng thời điểm của các sở, ban, UBND huyện, thành phố và cơ quan, đơn vị liên quan, đảm bảo theo đúng thời hạn đã định.
Hiện tại, qui định này mới được áp dụng trong thời gian ngắn, các cơ quan liên quan đến giải quyết các thủ tục cho người dân sẽ có trách nhiệm theo dõi, đánh giá những mặt được cũng như những điểm còn hạn chế, đặc biệt là sự phối hợp giữa các ngành về mặt thời gian để đảm bảo tính minh bạch và một cửa mà cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh đã cam kết.
3.2. Quyết định 12/QĐ-UBND được thực hiện trên nguyên tắc tuân thủ theo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đảm bảo kỷ cương, kỷ luật, tuân thủ đúng nội dung, phương thức và thời gian phối hợp. Thực hiện nguyên tắc đồng thuận giữa các sở, ban, ngành với nhau trong giải quyết công việc. Những vấn đề không đạt được sự đồng thuận, có nhiều ý kiến khác nhau giữa các sở, ngành thì cơ quan chủ trì tổng hợp ý kiến, trình UBND tỉnh hoặc Chủ tịch UBND tỉnh xem xét giải quyết; đồng thời đề xuất phương án giải quyết của cơ quan mình. Việc chủ trì tổ chức thực hiện công tác phối hợp sẽ được giao cho sở, ban, ngành có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan nhiều nhất đến lĩnh vực hoặc nhiệm vụ cần phối hợp hoặc do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo trực tiếp. Ý kiến của cán bộ, công chức do cơ quan phối hợp cử tham gia được xem là ý kiến của Thủ trưởng cơ quan đó.
Trường hợp phối hợp bằng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản, nếu quá thời hạn quy định tham gia ý kiến mà đơn vị phối hợp không có ý kiến trả lời thì được xem là đồng thuận với ý kiến của cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm liên đới với cơ quan chủ trì. Về phương thức phối hợp, tùy theo tính chất, nội dung và điều kiện cụ thể của công việc, cơ quan chủ trì quyết định việc áp dụng các phương thức phối hợp như lấy ý kiến bằng văn bản; tổ chức hội họp, hội nghị, hội thảo; khảo sát, điều tra; lập tổ chức phối hợp liên cơ quan (Ban Chỉ đạo, Tổ công tác) để triển khai thực hiện nội dung công việc.
4. Các sáng tạo, cải tiến về quy trình đầu tư của tỉnh so với Trung ương
Quy trình và thủ tục đầu tư luôn được UBND tỉnh thực hiện đúng và đủ theo quy định của Trung ương. Tuy nhiên để thực hiện được một dự án đầu tư nhà đầu tư phải trải qua rất nhiều thủ tục liên quan đến nhiều cơ quan hành chính, từ chủ trương đầu tư đến giới thiệu địa điểm, chứng nhận đầu tư, giao đất - cho thuê đất, cấp phép xây dựng và thủ tục về môi trường… Trong các thủ tục đó, cái nào thực hiện trước, cái nào thực hiện sau? Hồ sơ cho từng thủ tục gồm những gì? Thời gian phải chờ đợi cụ thể là bao lâu? Nhà đầu tư có phải cùng lúc hay lần lượt gặp các cơ quan chuyên môn của tỉnh hay không…luôn là những câu hỏi được doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả cơ quan quản lý quan tâm.
Hiện nay, các vấn đề này được tỉnh thể hiện một cách minh bạch, rõ ràng, cải tiến hơn thông qua việc ban hành văn bản hành chính (Quyết định 159 và Quyết định 12 của UBND tỉnh), cụ thể là:
- Về kết nối quy trình đầu tư:
+ Trước đây không có quy định nào để kết nối các quy trình riêng rẽ như: xin Chấp thuận chủ trương - Cấp Giấy chứng nhận đầu tư - Chấp thuận địa điểm - Quyết định thu hồi đất - Lập phương án bồi thường GPMB - Thiết kế cơ sở - Phê duyệt ĐTM/CK BVMT - Quyết định thuê đất - Thảo thuận tiền sử dụng đất, tiền thuê đất - Hợp đồng thuê đất + GCN QSDĐ - Giấy phép xây dựng. Do đó, số lần Nhà đầu tư đến cơ quan nhà nước ước tính 30 lần.
+ Hiện nay quy trình này được thực hiện song song, kết hợp: Chấp thuận chủ trương đầu tư và giới thiệu địa điểm – Thỏa thuận tiền sử dụng đất, thuê đất + Quy hoạch xây dựng chi tiết – cấp Giấy chứng nhận đầu tư + Thiết kế cơ sở + Các thủ tục về đất đai - Phê duyệt ĐTM/CK BVMT - Giấy phép xây dựng. Số lần Nhà đầu tư đến cơ quan nhà nước ước tính chỉ 20 lần.
- Về cách thức thực hiện: Nhà đầu tư không phải tự mình đến liên hệ với từng sở, ngành để làm thủ tục đầu tư mà chỉ cần đến Bộ phận của Sở Kế hoạch và Đầu tư nộp hồ sơ theo đúng yêu cầu và sẽ nhận lại kết quả tại đây. Nhà đầu tư không phải tốn nhiều thời gian đi lại.
- Về số lượng hồ sơ: Trước đây, số lượng hồ sơ Nhà đầu tư phải nộp theo thống kê là 57 loại giấy tờ. Hiện nay, theo quyết định 159 số lượng hồ sơ chỉ còn từ 24 đến 26 loại.
- Về thời gian hoàn tất thủ tục đầu tư: Thời gian theo quy định của TW phải mất từ 150 – 190 ngày, thời gian theo quy định của tỉnh từ 69 – 107 ngày, tiết kiệm trên 48% thời gian.
Như vậy, với Quyết định số 159 và Quyết định số 12 UBND tỉnh đã cho thấy sự minh bạch về trình tự các bước thực hiện; cho phép nhà đầu tư thực hiện song song, kết hợp một số thủ tục đầu tư; đầu mối tiếp xúc chỉ cụ thể và duy nhất; thành phần hồ sơ được quy định cụ thể tránh trùng lặp; quy định cụ thể thời gian giải quyết công việc ở tất cả mọi khâu của quy trình, từ khi tiếp nhận hồ sơ, lấy ý kiến của các cơ quan hữu quan, trình UBND tỉnh phê duyết đến khi trả kết quả; rút ngắn thời gian; quy trình làm việc được trao đổi chuyên ngành, có sự phối hợp của IFC, có sự thỏa thuận của các sở, ban, ngành.
Ngoài ra, các nội dung đăng ký quản lý theo tiêu chuẩn ISO, tỉnh Bình Định đã thực hiện rút ngắn thời gian thực hiện ở các thủ tục đầu tư rất nhiều so với quy định của Trung ương.
NB