Như tin đã đưa, nhằm rà soát, đánh giá kết quả thực hiện hợp tác giữa tỉnh Bình Định với Hà Tĩnh giai đoạn 2005 - 2010 và xây dựng Chương trình hợp tác trong giai đoạn 2011 - 2015, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh của mỗi tỉnh, chiều ngày 7/8/2010, tại Khách sạn Sài Gòn Quy Nhơn, UBND hai tỉnh Bình Định và Hà Tĩnh sẽ tổ chức Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển giữa hai địa phương.
Như tin đã đưa, nhằm rà soát, đánh giá kết quả thực hiện hợp tác giữa tỉnh Bình Định với Hà Tĩnh giai đoạn 2005 - 2010 và xây dựng Chương trình hợp tác trong giai đoạn 2011 - 2015, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh của mỗi tỉnh, chiều ngày 7/8/2010, tại Khách sạn Sài Gòn Quy Nhơn, UBND hai tỉnh Bình Định và Hà Tĩnh sẽ tổ chức Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển giữa hai địa phương. Tham dự buổi Lễ có Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Vũ Hoàng Hà, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định xin giới thiệu toàn văn Bản Thỏa thuận hợp tác này.
Hà Tĩnh và Bình Định là hai tỉnh nằm trong khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, có bề dày truyền thống cách mạng, lịch sử và văn hóa. Mối quan hệ giữa Đảng bộ, nhân dân hai tỉnh được thiết lập từ lâu và chính thức kết nghĩa từ năm 1960. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh đã dành cho nhau sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân hai tỉnh tiếp tục gìn giữ và phát huy mối quan hệ truyền thống, đoàn kết, quan tâm, động viên, ủng hộ, giúp đỡ nhau về mọi mặt.
Để thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của mỗi tỉnh; phát huy những kết quả đạt được theo thỏa thuận hợp tác phát triển từ năm 2005 - 2010, đồng thời rút kinh nghiệm từ những hạn chế trong quá trình thực hiện 5 năm vừa qua, hai tỉnh Bình Định và Hà Tĩnh tiếp tục tăng cường hợp tác trên cơ sở phát huy lợi thế của mỗi tỉnh, phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập.
I. NGUYÊN TẮC HỢP TÁC
1. Đảm bảo sự bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với qui định của pháp luật.
2. Hợp tác trên tinh thần tự nguyện của các tổ chức, doanh nghiệp; có bước đi thích hợp từ thấp đến cao, theo từng giai đoạn cụ thể.
II. NỘI DUNG HỢP TÁC:
Đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực và giữa các cấp, các ngành và doanh nghiệp của 2 tỉnh, với những nội dung sau đây:
1. Về chính trị :
- Hàng năm cần duy trì việc lãnh đạo cao cấp hai tỉnh thăm và làm việc lẫn nhau, tham dự các sự kiện lớn của mỗi tỉnh.
- Chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh cũng như công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
2. Về kinh tế - xã hội
2.1. Quy hoạch, kế hoạch:
Trao đổi kinh nghiệm trong hoạch định chiến lược phát triển, quy hoạch, kế hoạch, quản lý điều hành nền kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các khu, cụm công nghiệp, cảng biển.
2.2. Lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản:
- Trao đổi kinh nghiệm về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng CNH - HĐH, sản xuất hàng hóa, kinh nghiệm thâm canh, chuyên canh, xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm sản.
- Trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ phục vụ cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, chế biến nông, lâm sản.
- Trao đổi kinh nghiệm về thành lập và hoạt động của Trung tâm khuyến nông, ngư, kinh nghiệm trên lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt và chế biến, xuất khẩu thủy hải sản.
- Làm cầu nối để giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và các nhà đầu tư tiếp cận, tìm hiểu để hợp tác đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nông, lâm sản trên địa bàn hai tỉnh.
- Phối hợp và tạo điều kiện hỗ trợ để các doanh nghiệp cùng tham gia các Hội chợ triển lãm về nông, lâm, thủy sản.
2.3. Lĩnh vực công thương:
- Trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước về công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại; phối hợp trong công tác quản lý thị trường và các hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm soát thị trường, phát hiện và xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm; nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cung cấp thông tin thị trường, ngành hàng liên quan đến doanh nghiệp.
- Trao đổi kinh nghiệm trong việc thống kê, phân tích đánh giá và dự báo tình hình phát triển ngành công thương. Tổ chức tham quan, trao đổi, học tập để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.
- Trao đổi kinh nghiệm về thành lập và hoạt động của Trung tâm khuyến công.
- Hợp tác xây dựng Nhà máy sản xuất các loại sản phẩm từ vật liệu composit.
- Bình Định hợp tác với Hà Tĩnh trên lĩnh vực trồng rừng, tổ chức sản xuất chế biến gỗ, đá Granite. Hà Tĩnh chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với Bình Định nâng cao hiệu quả kinh tế trên lĩnh vực khai thác, chế biến quặng ilmenite.
- Tùy theo quy mô hội chợ triển lãm khi tổ chức trên địa bàn, hai tỉnh xem xét dành ít nhất là 2 gian hàng để tỉnh bạn giới thiệu tiềm năng và thế mạnh để mời gọi vốn đầu tư, kinh doanh.
- Phối hợp tổ chức kêu gọi đầu tư, kinh doanh thông qua các hội nghị, hội thảo theo kế hoạch năm của ngành Công thương.
2.4. Lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ và du lịch:
- Trao đổi kinh nghiệm trong việc vận động thu hút đầu tư, cải tiến thủ tục, chính sách ưu đãi đầu tư, khuyến khích phát triển; phối hợp tuyên truyền, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá du lịch giữa 2 địa phương.
- Hai tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn của mỗi tỉnh. Bình Định khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến gỗ ra đầu tư tại Hà Tĩnh.
- Liên kết website về kêu gọi đầu tư của Bình Định (www. binhdinh.gov.vn) và (www.binhdinhinvest.gov.vn) lên website của Hà Tỉnh (www.hatinh.gov.vn) và ngược lại. Tương tự liên kết cho các website giữa các ngành của hai địa phương với nhau.
- Phối hợp vận động, hướng dẫn, hỗ trợ các dự án ODA, đầu tư trong và ngoài nước.
- Tổ chức Hội nghị, hội thảo hằng năm nhằm khai thác khách MICE (du khách tham gia loại hình du lịch kết hợp hội nghị hội thảo).
- Thường xuyên trao đổi kinh nghiệm về mọi mặt giữa BQL Khu kinh tế tỉnh Bình Định với BQL Khu kinh tế Vũng Áng, BQL Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và khu công nghiệp khác của Hà Tĩnh.
- Hợp tác làm đầu mối để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tổ chức các tour du lịch nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh du lịch của 2 tỉnh như: Tour du lịch văn hóa - lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng: Bảo tàng Quang Trung, thành Hoàng Đế, hệ thống tháp Chàm, khu du lịch Hầm Hô, tuyến du lịch đường Quy Nhơn – sông Cầu, tuyến du lịch Phương Mai – Núi Bà, các bãi biển... (Bình Định) với khu lưu niệm Cố Tổng Bí thư Trần Phú, Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, khu lưu niệm Nguyễn Du, Lê Hữu Trác, khu di tích Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, thắng cảnh Hồng Lĩnh - Sông Lam, Đèo Ngang, biển Xuân Thành, Thiên Cầm... (Hà Tĩnh).
2.5. Lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin: Hợp tác phát triển chính phủ điện tử; trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông, phát triển internet; phối hợp nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng các mô hình, các tiến bộ về khoa học và công nghệ.
2.6. Lĩnh vực giáo dục đào tạo, văn hoá - xã hội:
- Phối hợp tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, giảng dạy đối với giáo viên các bậc học; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực.
- Hưởng ứng tham gia các lễ hội văn hoá do mỗi bên tổ chức. Phối hợp, tổ chức các cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao. Giới thiệu về phong tục, tập quán giữa hai địa phương nhằm nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau. Phối hợp xuất bản các ấn phẩm văn hóa liên quan đến truyền thống, văn hoá, lịch sử và cách mạng của hai tỉnh.
- Phối hợp, hỗ trợ nhau trong việc phòng, chống các tệ nạn xã hội.
- Tiếp tục phối hợp, hợp tác hỗ trợ cho các bệnh viện trọng điểm trong công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ các khoa chuyên sâu. Phối hợp chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, tiêu thụ thuốc chữa bệnh và thiết bị y tế.
- Trao đổi kinh nghiệm trong công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; vận động các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm và các doanh nghiệp giúp đỡ cho tỉnh trong việc khắc phục hậu quả thiên tai, khám chữa bệnh cho người nghèo...
- Phối hợp trong công tác tìm kiếm, xác minh quy tập hài cốt liệt sĩ, tạo điều kiện để đưa hài cốt liệt sĩ quê Hà Tĩnh đang an nghỉ tại các nghĩa trang ở Bình Định về quê nhà nếu gia đình liệt sĩ có yêu cầu.
- Tỉnh Bình Định sẽ hỗ trợ cho tỉnh Hà Tĩnh xây dựng 01 cơ sở phúc lợi xã hội với kinh phí khoảng 700 – 800 triệu đồng.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Giao cho các Sở, ban, ngành, các địa phương, các doanh nghiệp hai tỉnh phối hợp cụ thể hóa các nội dung ký kết bằng các chương trình, kế hoạch và thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện cho UBND hai tỉnh biết để có hướng chỉ đạo, điều chỉnh bổ sung kịp thời.
2. Giao hai Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan thường trực kết nối các hoạt động giữa hai tỉnh.
3. Thường xuyên cung cấp thông tin và chỉ đạo các ngành, các doanh nghiệp nghiên cứu, khảo sát, đầu tư trên địa bàn của nhau.
4. Định kỳ 5 năm 2 lần, lãnh đạo hai tỉnh tổ chức đánh giá việc thực hiện các nội dung hợp tác để rút kinh nghiệm tăng cường chỉ đạo các quan hệ hợp tác ngày càng hiệu quả hơn.
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các doanh nghiệp trên cơ sở định hướng, lĩnh vực hợp tác chung của 2 tỉnh để xác định, triển khai những nội dung hợp tác cụ thể, đảm bảo hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Ngoài các nội dung hợp tác cụ thể được nêu ở phần trên, trong quá trình triển khai thực hiện nếu có những lĩnh vực hợp tác cần bổ sung hoặc điều chỉnh thì các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan của hai tỉnh chủ động bàn bạc để đưa ra nội dung, hình thức hợp tác cụ thể trình lãnh đạo hai tỉnh xem xét, quyết định.
Bản thỏa thuận hợp tác này được lập thành 4 bản có giá trị pháp lý như nhau, có hiệu lực kể từ ngày ký, mỗi bên được giữ hai bản để tổ chức thực hiện./.
TM. UBND TỈNH HÀ TĨNH CHỦ TỊCH Đã ký Võ Kim Cự | TM. UBND TỈNH BÌNH ĐỊNH CHỦ TỊCH Đã ký Nguyễn Văn Thiện |