Kinh tế biển: Nhiều cơ hội đầu tư
05/08/2010

 

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Lĩnh vực cảng biển Việt Nam thời gian vừa qua đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

 

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Lĩnh vực cảng biển Việt Nam thời gian vừa qua đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Xuất hiện nhiều tập đoàn tên tuổi

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết: Chỉ tính riêng tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã có tới 10 cảng container lớn đầu tư bằng vốn nước ngoài. Cụ thể, khu vực Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), một trong những điểm được xác định sẽ phát triển mạnh hệ thống các cảng biển nước sâu, đã có khoảng 20 nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, trong đó có sự xuất hiện của các tên tuổi lớn trên thế giới như: HIT của Hồng Kông (Trung Quốc), SSA của Mỹ, CMA-CGM của Pháp xin đầu tư xây dựng cảng,…

Khu vực Hiệp Phước - huyện Nhà Bè – TP.HCM tuy mới đang trong giai đoạn nạo vét, thông luồng sông Soài Rạp, song tập đoàn tàu biển lớn thứ 2 thế giới Dubai Ports World (DP World) cũng đã có mặt và đã hoàn thành thành giai đoạn 1 của dự án xây dựng Cảng Container trung tâm Sài Gòn (SPCT).

Tại phía Bắc, với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về phát triển cụm cảng cửa ngõ Lạch Huyện - Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cảng Lạch Huyện sẽ trở thành cảng cửa ngõ quốc tế khu vực miền Bắc. Tàu 6.000 TEU hoặc tàu chở hàng tổng hợp 80.000 tấn trở lên có thể ra vào cảng thuận tiện. Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện các nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm đến cụm cảng này.

Cụ thể, tháng 3/2010, Tập đoàn Itochu (Nhật Bản) cũng đã chính thức đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải về việc hợp tác với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đầu tư xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Hải Phòng. Theo đó, nhà đầu tư Nhật Bản sẽ cùng Vinalines bỏ vốn đầu tư vào Hợp phần B – xây dựng 2 bến container có tổng mức đầu tư 165 triệu USD theo hình thức PPP.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng: Sự xuất hiện của các tập đoàn cảng biển lớn trên thế giới tại Việt Nam thời gian vừa qua là một tín hiệu rất tích cực cho ngành cảng biển Việt Nam nói riêng và ngành kinh tế biển nói chung. Bởi, chính các tập đoàn này, với tầm ảnh hưởng mang tính quốc tế của mình sẽ thu hút một lượng khách hàng lớn đến Việt Nam, kết nối Việt Nam với thế giới.

Cơ hội vẫn còn…

Tuy nhiên, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư kinh tế biển Việt Nam 2010 vừa diễn ra vào tháng 7/2010 tại Hải Phòng, nhiều chuyên gia cho rằng biển Việt Nam phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.

Theo lý giải của các chuyên gia, ở Việt Nam cứ trung bình khoảng 100km­­2 đất liền thì có 1km2 chiều dài bờ biển, cao gấp 6 lần so với mức trung bình của thế giới. Tuy nhiên, theo ước tính, quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân mới chỉ đạt 47-48% GDP của cả nước, trong đó GDP của kinh tế thuần biển đạt 20-22% của cả nước. Đặc biệt, trong các ngành kinh tế biển, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, thủy sản, hàng hải, du lịch biển,… các ngành kinh tế có liên quan trực tiếp tới khai thác biển như đóng và sửa chữa tàu biển, chế biến dầu khí, chế biến thủy sản, thông tin liên lạc,… bước đầu đã có sự phát triển nhưng quy mô vẫn còn nhỏ bé, chỉ chiếm khoảng 2% kinh tế biến và 0,4% tổng GDP của Việt Nam. Vì thế, nền kinh tế biển Việt Nam vẫn đang mở rộng, và vẫn còn rất nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài nào quan tâm tới các ngành kinh tế liên quan tới biển của Việt Nam như: Du lịch biển, chế biến thủy hải sản, thông tin liên lạc trên biển,...

Đặc biệt, với Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển,…, đặt mục tiêu nền kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước.

Trên cơ sở đó, nhiều địa phương sở hữu bờ biển dài của Việt Nam như Hải Phòng, Quảng Ninh, các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung bao gồm TP. Đà Nẵng và các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM,…, đã có các chính sách ưu tiên thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển.

Cụ thể, theo ông Đan Đức Hiệp, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng: Một trong những lĩnh vực được ưu tiên thu hút đầu tư tại Hải Phòng đó là các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) ven biển nhằm hình thành một hệ thống các KKT, KCN  chủ đạo, có vai trò dẫn dắt sự phát triển công nghiệp thành phố. Trong đó, KKT Đình Vũ - Cát Hải trở thành một trong những trung tâm kinh tế giao thương quốc tế hiện đại của  miền Bắc và cả nước.

Ông Trịnh Minh Vân - Trung tâm Xúc tiến đầu tư Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng cho biết: Không chỉ ưu tiên đầu tư vào các ngành kinh tế liên quan tới biển, mà bất cứ nhà đầu tư nước ngoài nào có đủ tiềm năng và muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đều được ưu tiên hỗ trợ các thủ tục pháp lý về đầu tư,…/.

Nguồn: Báo kinh tế Việt Nam