Rà soát lại đầu tư ra nước ngoài
02/08/2010

 

Mục tiêu của việc rà soát lại tiến độ thực hiện 500 dự án đầu tư ra nước ngoài mà Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đang thực hiện là tăng cường kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp (DN) sau cấp phép, đồng thời tạo thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

 

Mục tiêu của việc rà soát lại tiến độ thực hiện 500 dự án đầu tư ra nước ngoài mà Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đang thực hiện là tăng cường kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp (DN) sau cấp phép, đồng thời tạo thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 6 tháng đầu năm 2010, có khoảng 60 dự án đầu tư ra nước ngoài của DN Việt Nam được cấp mới lẫn tăng vốn, với tổng vốn đạt 400 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2009, giá trị vốn đầu tư tuy có giảm, nhưng về chất, nhiều lĩnh vực chủ lực (công nghiệp, dịch vụ bán lẻ…) đã được đẩy mạnh. Sở dĩ vốn đăng ký năm 2009 cao là do riêng Dự án Sân golf và bất động sảnVientiane tại Lào (Công ty cổ phần đầu tư và Kinh doanh golf Long Thành làm chủ đầu tư) đã có số vốn trên 1 tỷ USD.

Cần nói thêm rằng, thời gian gần đây, ngoại trừ những tên tuổi quen thuộc trong việc “mang chuông đi đánh xứ người” như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) hay Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)…, một số DN lớn khác cũng bắt đầu có động thái.

Trước khi quyết định đầu tư ra nước ngoài, DN đã tìm hiểu kỹ thị trường, thậm chí, họ rất thận trọng khi đưa vốn “mồi” để thăm dò phản ứng của thị trường trước khi mở rộng đầu tư.

Trường hợp của Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành là một điển hình. Mới đây, đơn vị này đã ký biên bản ghi nhớ với phái đoàn Nam Phi về việc đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ tại Umshwathi (Nam Phi), với tổng giá trị trên 30 triệu USD. Ngoài ra, Trường Thành cũng có ý định trồng thêm 10.000 ha rừng nguyên liệu tại tỉnh Kwazulu Natal (Nam Phi). Tuy nhiên, ông Võ Trường Thành, Tổng giám đốc Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành cho biết, quyết định cuối cùng cần được Đại hội đồng cổ đông thông qua (dự kiến tháng 10/2010). “Dù Nam Phi có khá nhiều ưu đãi (chi phí) cho DN, cũng như thị trường này đang có ưu thế về lao động, nhưng cũng phải cân nhắc kỹ nên chọn hình thức xúc tiến thương mại hay đầu tư trực tiếp”, ông Thành nói.

Riêng với Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), sau 2 năm đặt vấn đề mua lại một khách sạn 252 phòng tại Sanfrancisco (Mỹ), đến nay, việc mua - bán giữa hai bên vẫn chưa ngã ngũ. Ông Nguyễn Hữu Thọ, Tổng giám đốc Saigontourist cho biết, hai bên chưa đạt được thỏa thuận về giá, bởi Saigontourist là DN nhà nước, nên mỗi quyết định đều phải hết sức thận trọng.

Theo phân tích của Saigontourist, khủng hoảng nợ trên thế giới vẫn chưa dừng lại, nếu chốt giá, những người trực tiếp đàm phán phải chịu trách nhiệm trong trường hợp giá bất động sản có khả năng tiếp tục đi xuống. Đại diện Saigontourist khẳng định vẫn theo đuổi việc mua - bán trên, vì đây là tiền đề cho hoạt động mua lại các bất động sản ở Nhật Bản và Hồng Kông thời gian tới.

Trên thực tế, để đảm bảo tính hiệu quả cho các dự án đầu tư ra nước ngoài, không riêng DN, các cơ quan quản lý đầu tư cũng đang có những động thái cụ thể. Nhìn nhận về vấn đề này, ông Vũ Văn Chung, Phó trưởng phòng Đầu tư ra nước ngoài (Cục Đầu tư nước ngoài) cho rằng, điều quan trọng không phải là có bao nhiêu dự án của các DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, mà là chất lượng và hiệu quả của các dự án đó mang lại. Theo đó, chuyện DN “xuất ngoại” là xu hướng và quy luật chung trên thế giới, song mục tiêu không chỉ đơn thuần dừng ở việc mở rộng thị trường, mà còn nhằm hỗ trợ các hoạt động kinh doanh trong nước, đặc biệt là các ngành nghề xuất khẩu.

Hiện tại, Cục Đầu tư nước ngoài đang tiến hành rà soát lại tiến độ thực hiện của 500 dự án đầu tư ra nước ngoài mà DN trong nước đã đăng ký, với tổng vốn khoảng 8 tỷ USD (đã có khoảng 200 DN báo cáo về tiến độ triển khai các dự án đầu tư bên ngoài lãnh thổ Việt Nam).

Song song đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang tập hợp thông tin, phản ánh từ phía DN để sửa đổi Nghị định 78/2006/NĐ-CP (về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài). Mục tiêu chủ yếu của sự điều chỉnh lần này là tăng cường kiểm tra hoạt động của DN sau cấp phép, chủ yếu là các dự án có sử dụng vốn nhà nước. Ngoài ra, để tạo thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài, sự điều chỉnh lần này còn nhằm hướng dẫn lập hồ sơ chuẩn, giúp DN đẩy nhanh công đoạn lập thủ tục đầu tư.

Nguồn: www.vir.com.vn