Khu Kinh tế Nhơn Hội – Điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư
28/07/2010

 

Khu kinh tế Nhơn Hội được biết đến như một địa chỉ đầy tiềm năng phát triển kinh tế ở khu vực Nam Trung bộ, còn với Bình Định đây sẽ là khu vực động lực thúc đẩy và tạo những đột phá trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh nhà. Trong thời gian qua, định hướng phát triển và những nổ lực đầy tham vọng của địa phương đã thực sự ghi dấu ấn sâu sắc trong suy nghĩ và tiềm thức của các đối tác, giới đầu tư và cả những ai đã từng một lần đến với quê hương Bình Định. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư xin giới thiệu bài viết về chủ đề này của ông Man Ngọc Lý - Trưởng BQL Khu Kinh tế tỉnh đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 13 tháng 7/2010.

 

Khu kinh tế Nhơn Hội được biết đến như một địa chỉ đầy tiềm năng phát triển kinh tế ở khu vực Nam Trung bộ, còn với Bình Định đây sẽ là khu vực động lực thúc đẩy và tạo những đột phá trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh nhà. Trong thời gian qua, định hướng phát triển và những nổ lực đầy tham vọng của địa phương đã thực sự ghi dấu ấn sâu sắc trong suy nghĩ và tiềm thức của các đối tác, giới đầu tư và cả những ai đã từng một lần đến với quê hương Bình Định.

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư xin giới thiệu bài viết về chủ đề này của ông Man Ngọc Lý - Trưởng BQL Khu Kinh tế tỉnh đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 13 tháng 7/2010.

Định hướng phát triển đa dạng, chiến lược đầu tư trọng tâm

Được Thủ tướng Chính phủ thành lập vào tháng 6/2005, Khu kinh tế Nhơn Hội nằm trên bán đảo Phương Mai có diện tích khoảng 12.000ha với mục tiêu phát triển từng bước trở thành hạt nhân tăng trưởng, trung tâm đô thị công nghiệp - dịch vụ - du lịch của vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung. Theo quy hoạch, Khu kinh tế Nhơn Hội gồm có hai khu chức năng chính: Khu phi thuế quan và Khu thuế quan.

Khu phi thuế quan có diện tích 530 ha, được chia thành nhiều phân khu chức năng, gồm có: Khu cảng phi thuế quan, Khu trung tâm điều hành, giao dịch, khu sản xuất cho các xí nghiệp sản xuất hàng hoá xuất khẩu, khu kho tàng để lưu giữ hàng hóa và trung chuyển. Các hoạt động trong khu phi thuế quan riêng biệt về không gian và ưu thế về thủ tục, ra vào bằng cảng riêng, lĩnh vực đầu tư phong phú; Khu thuế quan bao gồm Khu công nghiệp gần 1.400ha, Khu phong điện 283 ha, Khu đô thị mới 680ha, Khu cảng tổng hợp 170 ha, luồng dẫn được thiết kế tiếp nhận tàu có tải trọng 30.000 tấn, các khu du lịch trên 2.570 ha và nhiều khu dân cư, dịch vụ.

Nhằm tạo cơ sở đẩy nhanh tiến độ phát triển các dự án tại khu vực, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược xây dựng và phát triển Khu kinh tế ở thời kỳ đầu. Để sớm phát huy hiệu quả các công trình cơ sở, việc đầu tư được tập trung cho các công trình hạ tầng dùng chung và triển khai cơ bản, đồng bộ cho khu vực phát triển các dự án sản xuất công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ, trên cơ sở nguồn vốn từ ngân sách kết hợp với huy động nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Việc phát triển đồng thời các dự án công nghiệp với các dự án du lịch, nghỉ dưỡng cũng tạo được sự tương hỗ và nâng cao hiệu quả trong công tác thu hút đầu tư.

Lợi thế khác biệt về vị trí địa kinh tế

Cũng như các khu kinh tế khác, Khu kinh tế Nhơn Hội được quy hoạch phát triển đa ngành đa lĩnh vực, tuy nhiên vị trí xây dựng của nó là đặc điểm khác biệt tạo nên nhiều lợi thế phát triển mà không khu vực nào có điều kiện tương tự. Trong tổng thể 12.000 ha, Khu Kinh tế Nhơn Hội có quỹ đất phát triển sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 1.400 ha, có thể nói đây là khu công nghiệp tập trung, mặt bằng liên tục có quy mô lớn hàng đầu của cả nước. Về giao thông, khu kinh tế có vị trí thuận lợi giao lưu thương mại quốc tế, có thể kết nối theo đường bộ với Lào, Campuchia và vùng Đông - Bắc Thái Lan tạo thành hành lang Đông – Tây ở cực Nam vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; giao thương bằng đường biển đến các nước trong khu vực Đông Nam Á và quốc tế qua cụm cảng nước sâu Quy Nhơn hiện hữu với lượng hàng hóa thông qua hàng năm lớn hàng thứ 3 của Việt Nam và cảng Nhơn Hội sau này với quy hoạch công suất lớn gấp 3 lần cảng Quy Nhơn hiện nay; với đầy đủ các loại hình đường bộ, đường biển, đường sắt và đường hàng không và đều có kết nối đến Khu kinh tế Nhơn Hội cũng là thế mạnh về hạ tầng giao thông đối ngoại của khu vực này.

Khu Kinh tế chỉ cách trung tâm thành phố Quy Nhơn 7 km, nên ngay từ đầu nhà đầu tư có thể sử dụng những lợi thế hạ tầng kỹ thuật và xã hội sẵn có của một thành phố loại I để triển khai đầu tư phát triển, đồng thời cũng được đáp ứng các dịch vụ về nghỉ ngơi, giải trí và nhiều dịch vụ khác với chất lượng tốt. Thành phố Quy Nhơn có 02 trường đại học đào tạo đa ngành, nhiều trường cao đẳng kỹ thuật, sư phạm, y tế và các trường dạy nghề đủ năng lực đào tạo và cung cấp nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển các dự án. Lực lượng lao động của tỉnh rất có uy tín và được ưa chuộng ở nhiều tỉnh thành ở phía Nam đang có điều kiện sử dụng lao động công nghiệp như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương.

Quyết tâm và thành quả

Từ năm 2002 tuyến đường Quy Nhơn - Nhơn Hội huyết mạch nối liền thành phố Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai được khởi công xây dựng, mở ra một hướng đi ngắn nhất, thuận lợi nhất bằng đường bộ đến vùng đất nhiều triển vọng mà sau đó được định danh là khu kinh tế Nhơn Hội. Hơn bốn năm sau con đường dài gần 7 km, rộng hơn 14 m đã được xây dựng hoàn chỉnh và Lễ khánh thành cầu Thị Nại vào ngày 22/12/2006 cũng là ngày hội lớn của Bình Định, đã chính thức nối liền hai bờ đầm Thị Nại, rút ngắn cự ly từ 60 km (đường vòng qua huyện Tuy Phước) xuống còn 7 km, đồng thời tạo cơ sở thuận lợi để khởi công xây dựng đồng loạt nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế ngay sau đó.

Thực sự, các công trình tại khu kinh tế chỉ bắt đầu xây dựng từ năm 2007, tuy nhiên hiện nay, diện mạo mới của hệ thống hạ tầng đã hình thành cơ bản và rõ nét, các trục lộ giao thông chính dùng chung có quy mô mặt cắt ngang tử 40 m -:- 80 m với tổng chiều dài khoảng 20 km đã cơ bản hoàn thành, mạng lưới giao thông nội vùng các khu công nghiệp đã thông suốt và kết nối với giao thông đối ngoại của khu kinh tế, các công trình hạ tầng thiết yếu khác như cấp điện, cấp nước đã sẳn sàng cung ứng. Công trình cảng tổng hợp thuế quan và cảng phi thuế quan đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng do đó hàng hóa vận chuyển qua đường biển có thể sử dụng tạm thời cảng biển quốc tế Quy Nhơn ở phía đối diện, bên kia đầm Thị Nại. Với những nổ lực của tỉnh và sự hỗ trợ nhiệt tình của các tổ chức liên quan, trong năm 2009, tuyến bay thẳng Quy Nhơn - Hà Nội đã được thiết lập và hoạt động ổn định với tần suất 4 chuyến/tuần, tuyến Quy Nhơn - TP. Hồ Chí Minh cũng được cải thiện đạt 7 chuyến/tuần với các loại máy bay lớn, trong năm 2010 sẽ tăng tần suất bay trên các tuyến để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư và khách hàng. Các công trình bảo vệ môi trường tại Khu kinh tế cũng rất được quan tâm, dự án nhà máy xử lý nước thải đang được tích cực triển khai xây dựng, khu xử lý chất thải rắn đã hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư và sẽ khởi công xây dựng trong Quý II năm nay.

Nền tảng và tín hiệu khởi sắc

Tính đến nay, Khu kinh tế Nhơn Hội có 29 dự án được cấp Giấy CNĐT với tổng vốn đầu tư khoảng 21.631 tỷ đồng, trong đó vốn FDI khoảng 6.076 tỷ đồng chiếm 21 %, chủ yếu thuộc các lĩnh vực đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, công nghiệp năng lượng, công nghiệp nhẹ và du lịch. Hiện có 01 dự án đã hoàn thành xây dựng, đi vào hoạt động và 28 dự án khác đang triển khai đầu tư, đã giải ngân khoảng 1.050 tỷ đồng.

Đầu năm 2010, Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Bình Định với chủ đề “ Bình Định - Điểm đến hấp dẫn của các Nhà đầu tư” đã tổ chức thành công tốt đẹp vào ngày 20/01/2010 tại thành phố Quy Nhơn. Tại Hội nghị, đã có gần 600 khách của gần 200 tổ chức trong nước và ngoài nước đến tham dự, đã có nhiều Giấy chứng nhận đầu tư và Thỏa thuận hợp tác đầu tư được trao và ký kết. Trong đó, trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội có 09 dự án với tổng vốn đầu tư 8.733 tỷ đồng được trao Giấy CNĐT và 05 dự án khác, thuộc lĩnh vực lọc dầu, cảng biển nước sâu, khu đô thị mới,.. được ký kết Thỏa thuận hợp tác đầu tư với tổng vốn khoảng 6,5 tỷ USD. Có thể nói, những con số nêu trên đã phần nào phản ánh xu hướng đầu tư  trở lại của các doanh nghiệp sau thời kỳ suy thoái kinh tế thế giới, tuy nhiên, qua đó cũng khẳng định được cơ hội và thời điểm đầu tư tại Khu kinh tế Nhơn Hội đã thật sự chín mùi, bảo đảm cho sự đồng hành cùng các Nhà Đầu tư.

Khai thác lợi thế về vị trí địa kinh tế kết hợp với việc sớm đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng và triển khai mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, kết quả đến nay, các thông tin về Khu kinh tế Nhơn Hội đã đến được với nhiều nhà đầu tư và các tổ chức liên quan. Thêm vào đó, với sự phân cấp, ủy quyền mạnh của các cấp, đến nay, nói chung các thủ tục đầu tư chung, đầu tư xây dựng và hầu hết các thủ tục hành chính khác khi đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội đều được giải quyết theo cơ chế một cửa tại Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định, đồng thời, thời gian giải quyết cũng được rút ngắn rất nhiều so với quy định. Theo luật pháp hiện hành, một số mức ưu đãi có thay đổi giảm so với trước đây nhưng tại Khu kinh tế Nhơn Hội các dự án đầu tư vẫn tiếp tục được áp dụng chính sách ưu đãi ở mức cao nhất quy định cho khu vực có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn của Việt Nam và ưu đãi bổ sung của tỉnh Bình Định một cách ổn định, lâu dài bảo đảm quyền lợi và cơ hội kinh doanh.

Ước mơ và hiện thực

Có thể nói việc hoàn thành xây dựng công trình đường Quy Nhơn – Nhơn Hội mà điểm nhấn là cây cầu Thị Nại đã biến ước mơ của đông đảo nhân dân và nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh ta trở thành hiện thực, nó không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt giao thông, nối liền bán đảo Phương Mai với thành phố Quy Nhơn mà còn mở ra một triển vọng tốt đẹp, đẩy nhanh việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Định với khu vực động lực là Khu kinh tế Nhơn Hội. Từ vùng đất hoang sơ, hệ thống hạ tầng gần như phải đầu tư mới hoàn toàn nhưng với quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh và các cấp, ngành cùng sự đồng thuận của nhân dân địa phương, chỉ sau một thời gian không lâu, các điều kiện thiết yếu để xây dựng và phát triển các dự án tại Khu kinh tế đã được cải thiện đáng kể, cùng với đó là những nổ lực tạo mới và phát triển hạ tầng đối ngoại để gia tăng sự kết nối và tiện ích giữa bên ngoài với bên trong Khu kinh tế và đến nay đã hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Nếu như trước đây, điều kiện chung chỉ cho phép tiếp nhận một số dự án sản xuất nhỏ và ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng thì nay đã có thể tiếp nhận đầu tư trên nhiều lĩnh vực khác nhau với quy mô đa dạng, đồng thời hướng tới các dự án sản xuất có hàm lượng kỹ thuật và giá trị gia tăng cao.

Giờ đây, các yếu tố nhân tạo cơ bản cho sự cất cánh của khu kinh tế đã hội đủ, các lợi thế tự nhiên đang ngày càng được nâng cao giá trị, do vậy bức tranh kinh tế xã hội của tỉnh sẽ hoành tráng đến mức nào và lộ diện nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào lòng quyết tâm vẫn đang nung nấu trong mỗi chúng ta, dẫu biết rằng đã có sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của các bộ ngành Trung ương và hình ảnh Khu kinh tế Nhơn Hội đã và đang đem lại nhiều dấu ấn tốt đẹp cho kế hoạch đầu tư của các đối tác, tập đoàn kinh tế trong nước và nước ngoài.