Quyết định 3129 của Bộ Công Thương tạo cơ hội cho ngành nông, lâm, thủy sản của Bình Định phát triển
27/07/2010

 

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 3129/QĐ-BCT ngày 15/6/2010, phê duyệt “Quy hoạch phát triển công nghiệp sản xuất thiết bị chế biến (CNSXTBCB) nông, lâm, thủy sản (NLTS) giai đoạn đến năm 2015, có xét đến năm 2025”. Với 20 dự án được ưu tiên đầu tư trong các năm tới tại một số tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị có tổng vốn đầu tư của các dự án 1.695 tỷ đồng.

 

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 3129/QĐ-BCT ngày 15/6/2010, phê duyệt “Quy hoạch phát triển công nghiệp sản xuất thiết bị chế biến (CNSXTBCB) nông, lâm, thủy sản (NLTS) giai đoạn đến năm 2015, có xét đến năm 2025”. Với 20 dự án được ưu tiên đầu tư trong các năm tới tại một số tỉnh, thành phố, cơ quan, đơn vị có tổng vốn đầu tư của các dự án 1.695 tỷ đồng.

Bình Định có một dự án được Bộ Công Thương chọn quy hoạch là dự án “Chế tạo thiết bị phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và phụ tùng thay thế chế biến NLTS”. Dự án có tổng số vốn đầu tư 90 tỉ đồng. Mục tiêu của dự án là đến năm 2015 đáp ứng 70% nhu cầu thiết bị sơ loại nguyên liệu, máy phân cỡ, rửa; máy cắt đầu, vây, đuôi; máy bóc vỏ, lạng da, philê cá, chế biến tôm; các thiết bị sấy, trộn, nghiền, hấp… với tính năng hao hụt thấp, tiết kiệm năng lượng, giảm lao động trên sản phẩm…

Có thể nói, đây được xem là một tin vui và cũng là cơ hội cho ngành NLTS của Bình Định phát triển. Do đó, Sở Công Thương đang tiến hành nhiều giải pháp  tổng hợp để triển khai dự án như phổ biến quyết định 3129 đến tất cả các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, tạo sự nhận thức, để họ chủ động lập các dự án đầu tư phù hợp với năng lực kỹ thuật và tài chính của từng đơn vị; Xúc tiến ngay việc vận động thành lập Hiệp hội cơ khí cấp tỉnh để phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo mối liên kết, hợp tác chặt chẽ, phân công chuyên môn hóa sâu cho từng DN thành viên, đầu tư nghiên cứu thiết kế chế tạo phụ tùng thay thế và thiết bị đồng bộ cho từng lĩnh vực chế biến NLTS; Hướng dẫn các đơn vị đăng ký các đề tài khoa học công nghệ có liên quan. Trên cơ sở nghiệm thu các đề tài đạt kết quả của Hội đồng Khoa học công nghệ tỉnh, thông qua Quỹ Khoa học công nghệ của tỉnh hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các DN triển khai thực hiện đầu tư các dự án thiết thực và khả thi; Phối hợp với Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh và các địa phương giới thiệu và tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư được cho thuê đất đầu tư; Nghiên cứu đề xuất trình UBND tỉnh về cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này nhằm góp phần để hoạt động sản xuất NLTS của tỉnh ta ngày càng phát triển bền vững và lớn mạnh.

Theo Bộ Công Thương, mục tiêu đến năm 2025 đưa CNSXTBCB NLTS của Việt Nam trở thành một ngành có thế mạnh, đáp ứng phần lớn nhu cầu của thị trường trong nước; phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu các loại máy móc, TBCB NLTS trình độ tiên tiến của khu vực; ưu tiên cho phát triển các ngành: TBCB lúa gạo, sắn, cà phê, cao su, chè, mía đường, điều, thức ăn chăn nuôi, sản xuất cồn nhiên liệu, ván nhân tạo, thủy hải sản… Nội dung cụ thể của Quyết định, nhằm lựa chọn sản phẩm chủ lực; định hướng các lĩnh vực thiết bị; phát triển công nghiệp hỗ trợ; tổng hợp vốn đầu tư theo các kỳ kế hoạch (giá thực tế)… Trong số những sản phẩm chủ lực mà Bộ Công Thương yêu cầu lựa chọn có một số sản phẩm quan trọng, như máy phân loại hạt cà phê, gạo, điều nhân… bằng màu sắc ứng dụng công nghệ quang - cơ điện tử công suất 3-5 tấn/giờ; máy xát trắng gạo và máy đánh bóng gạo công suất 4-6 tấn/giờ; máy ly tâm tách bã sắn 80-100 m3/giờ; hệ thống thiết bị cắt tách vỏ cứng hạt điều công suất 1 tấn/giờ… Đối với từng loại thiết bị chế biến, Bộ Công Thương đều xác định rõ những mục tiêu cụ thể. Chẳng hạn, đối với TBCB lúa gạo, đến năm 2015 phải đáp ứng 70% nhu cầu thị trường thiết bị trong nước; đối với TBCB sắn, đến năm 2015 phải đáp ứng 80% nhu cầu nâng cấp thiết bị đang hoạt động và đến năm 2025 phải chế tạo được các dây chuyền chế biến tinh bột sắn công suất lớn, tự động hóa cao…

Hạnh Nguyên