TP Quy Nhơn: Trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh Bình Định
29/07/2010

 

Thành phố Quy nhơn nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Bình Định, Đông giáp biển Đông, Tây giáp huyện Vân Canh, Bắc giáp huyện Tuy Phước, Phù Cát, Nam giáp huyện Sông Cầu tỉnh Phú Yên, có diện tích tự nhiên 285 km2, dân số trên  30 vạn người. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư xin giới thiệu bài viết về chủ đề này của ông Thái Ngọc Bích - Chủ tịch UBND Thành phố Quy Nhơn đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 13 tháng 7/2010.

 

Thành phố Quy nhơn nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Bình Định, Đông giáp biển Đông, Tây giáp huyện Vân Canh, Bắc giáp huyện Tuy Phước, Phù Cát, Nam giáp huyện Sông Cầu tỉnh Phú Yên, có diện tích tự nhiên 285 km2, dân số trên  30 vạn người. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Quy Nhơn đã chiến đấu anh dũng quật cường, làm nên những chiến công oanh liệt ngay trên quê hương mình và giải phóng Quy Nhơn vào ngày 31/3/1975, góp phần cùng cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc. Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, và UBND tỉnh, sự ủng hộ, giúp đỡ của các sở, ban, ngành, các huyện trong tỉnh, Đảng bộ và nhân dân Quy Nhơn ra sức phấn đấu hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, từng bước đưa Quy Nhơn trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh và đã trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư xin giới thiệu bài viết về chủ đề này của ông Thái Ngọc Bích - Chủ tịch UBND Thành phố Quy Nhơn đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 13 tháng 7/2010.

Quy Nhơn vươn lên từ những ưu thế

Quy Nhơn là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa. Lịch sử hình thành và phát triển trên 400 năm của Quy Nhơn được gắn với nền văn hóa Chămpa ở thế kỷ XI, triều đại Tây Sơn và cảng Thị nại thế kỷ XVIII. Quy Nhơn có vị trí địa lý, tự nhiên khá thuận lợi, là đầu mối giao thông thủy bộ quan trọng của vùng Nam Trung bộ, là cửa ngõ vùng Tây nguyên, Nam Lào, Đông bắc Campuchia, Thái Lan ra biển Đông. Quy Nhơn được thiên nhiên ưu đi một địa hình phong phú, đa dạng, có đủ núi – rừng – biển cùng những danh lam thắng cảnh tuyệt tác và bờ biển dài trên 42 km.

Quy Nhơn có 21 đơn vị hành chính gồm: 16 phường và 5 xã; là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Định. Trên địa bàn thành phố có trụ sở của cơ quan Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể của tỉnh và các lực lượng vũ trang, các cơ quan Trung ương, cơ quan thong tấn, báo chí. Được Chính phủ xác định nằm trong nhóm đô thị lớn, cực lớn và là một trong 12 đô thị trung tâm cấp vùng của cả nước; là một trong 3 trung tâm thương mại và du lịch của vùng Duyên hải Nam trung bộ, có vị trí quan trọng trong giao lưu với khu vực và quốc tế, điểm chốt cuối cùng của hành lang kinh tế Đông - Tây hướng ra biển, cửa ngõ quan trọng của vùng Duyên hải miền Trung và Tây nguyên.

Một góc Hoàng Gia Resort bên bờ biển Quy Nhơn
Trong lịch sử phát triển lâu dài, Quy Nhơn còn giữ được cho mình những công trình kiến trúc đặc sắc như Tháp Đôi (di tích cấp Quốc Gia; được xây dựng từ cuối TK 12 đầu TK 13), tượng đài anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, Hải đăng Cù Lao Xanh (được xây dựng từ cuối TK 19) và các di tích lịch sử, văn hóa đã và đang được trùng tu xây dựng; các loại hình văn hóa nghệ thuật độc đáo như: Lễ hội cầu ngư, hát bội, tuồng, dân ca, bài chòi, hát ru, trống trận Tây Sơn, võ cổ truyền Bình Định,… Những đặc sản của quê hương Bình Định: Rượu Bàu đá, nem chợ Huyện, bánh ít lá gai, bánh tráng, bánh xèo, bánh hỏi, bánh canh, bún cá,...; là đô thị ven biển nhưng Quy Nhơn hội đủ các vùng sinh thái: núi, sông, đầm hồ, biển đảo rất nhiều ghềnh bãi, hang động, những danh lam thắng cảnh và các điểm du lịch độc đáo như Ghềnh Ráng, Bãi Dài, Bãi Xếp, Quy Hòa, Cù Lao Xanh, Đảo Yến, Hòn Khô, Vũng Chua, Phương Mai, Xương Lý, Hải Giang... đây là những điều kiện cần thiết để góp phần việc phát triển du lịch của tỉnh Bình Định nói chung và thành phố Quy Nhơn nói riêng.

Những thành tựu quan trọng

Lĩnh vực kinh tế:

Kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm trong 5 năm qua là 13,18 %; trong đó năm 2009 tổng giá trị sản phẩm địa phương (GDP) theo giá thực tế đạt 7.571,865 tỷ đồng;  GDP bình quân đầu người đạt 26,9 triệu đồng (tương ứng với 1.414 USD) đạt tốc độ tăng bình quân 16,76%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: công nghiệp và xây dựng 50,16% - dịch vụ 44,02% - nông, lâm, thủy sản 5,82%.

* Về công nghiệp- TTCN:

- Trên địa bàn thành phố các khu kinh tế, khu công nghiệp dần hình thành và từng bước đi vào hoạt động: Khu kinh tế Nhơn Hội được quy hoạch xây dựng trên diện tích 12.000 ha, gồm các phân khu chức năng như khu phi thuế quan, khu thuế quan, khu công nghiệp, khu cảng biển nước sâu, khu đô thị, khu du lịch. Hiện nay đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xúc tiến kêu gọi đầu tư, đến nay đã có 28 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với vốn đăng ký 23.800 tỷ đồng, diện tích thuê đất 3.638 ha và có 7 dự án đi vào hoạt động. Khu công nghiệp Phú Tài được quy hoạch xây dựng trên diện tích 348 ha; Khu công nghiệp Long Mỹ được quy hoạch xây dựng trên diện tích 210 ha; đến nay cả 02 khu công nghiệp Phú Tài và Long Mỹ đều đạt trên 90% diện tích lấp đầy, hiện đã có 124 doanh nghiệp đăng ký dự án đầu tư, trong đó có 101 doanh nghiệp đang hoạt động  sản xuất kinh doanh, với tổng số vốn đầu tư dự kiến đến năm 2010 đạt 3.000 tỷ đồng, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm khoảng 600 triệu USD, thu hút 23.500 lao động.

- Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng và đưa Cụm công nghiệp Quang Trung đi vào hoạt động, hiện có 32 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 1200 lao động; Cụm công nghiệp Nhơn Bình với hơn 30 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 1.500 lao động; Cụm công nghiệp Bùi Thị Xuân đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết và phương án tổng thể bồi thường giải phóng mặt bằng, với diện tích 20 ha; Khu dịch vụ hậu cần nghề cá tại Đảo 1A Bắc sông Hà Thanh  có diện tích quy hoạch 4,16 ha, với tổng mức đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng 5,7 tỷ đồng, đến nay cơ bản hoàn thành, đã giao đất cho các doanh nghiệp để đầu tư sản xuất kinh doanh.

- Các khu, cụm công nghiệp được đầu tư ngày càng hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật, các tổ chức kinh tế tập trung xây dựng cơ sở nhanh chóng đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh đã góp phần phát triển kinh tế thành phố. Trong những năm qua, thành phố đã tích cực phối hợp cùng các ban ngành của tỉnh thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng tái định cư và các nhiệm vụ liên quan đảm bảo tạo điều kiện để nhà đầu tư triển khai các dự án.

- Cơ sở sản xuất công nghiệp có 2.183 cơ sở. Các sản phẩm chủ yếu như: gỗ tinh chế, giày da, thuốc chữa bệnh, đá granit, sản phẩm cơ khí...tăng, góp phần quan trọng tạo ra giá trị kim ngạch xuất khẩu, nhiều sản phẩm công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng, sản xuất vật liệu xây dựng có chất lượng được thị trường chấp nhận. Từng bước giải quyết di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp tập trung, gắn sản xuất công nghiệp – TTCN với công tác bảo vệ môi trường.

* Về thương mại và dịch vụ - du lịch: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội đã thực hiện năm 2009 là 8.843 tỷ đồng. Giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2009 đạt 293,8 triệu USD. Hệ thống chợ và Trung tâm thương mại được mở rộng, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới. Công tác quy hoạch, quảng bá du lịch được chú trọng phát triển. Cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới. Đến nay trên địa bàn thành phố có 77 khách sạn và 103 nhà trọ, với 2.225 phòng.

Lĩnh vực đầu tư phát triển và quản lý, chỉnh trang, kiến thiết đô thị:

- Công tác đầu tư phát triển, quản lý, chỉnh trang, kiến thiết đô thị luôn được quan tâm, chú trọng; phát huy nội lực, tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để tập trung đầu tư phát triển; đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho hàng ngàn công trình lớn nhỏ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; đến nay các xã, phường  đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật vững chắc, ngày càng phát triển và những vùng xa xôi khó khăn của thành phố được giải quyết cơ bản về điện – đường – trường – trạm, nước sạch, truyền thanh – truyền hình.

- Tốc độ đô thị hóa trong thời gian qua diễn ra nhanh chóng, hệ thống giao thông đô thị, giao thông nông thôn, các khu dân cư mới, khu – cụm công nghiệp và các công trình phúc lợi của thành phố không ngừng phát triển theo hướng hiện đại, không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật được nâng cấp và xây dựng mới khá khang trang; đến nay đã có hơn 90% tuyến đường nội thành được nâng cấp bêtông nhựa, hơn 95% tuyến hẻm chính được bêtông hóa. Hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn chính được nâng cấp, mở rộng và đổ bêtông mặt đường, các tuyến đường giao thông nông thôn liên khu vực, thôn, xóm cũng dần được bêtông hóa.

- Hệ thống công viên cây xanh, vườn hoa và điện chiếu sáng đô thị của thành phố tiếp tục được cải tạo, nâng cấp và từng bước hoàn thiện; từ  5.725 bộ đèn cao áp năm 2005 đến nay đạt 8.747 bộ đèn cao áp các loại (tăng 53% so với năm 2005), diện tích công viên cây xanh và khu vực công cộng tăng 31,44%, diện tích thảm cỏ, hoa và hàng rào tăng 28% so với năm 2005; xây dựng hệ thống chiếu sáng đô thị đạt tiêu chí loại 2, chiếu sáng 100% đường phố chính, 85% các hẻm ≥2.5m. Năng lực thu gom và vận chuyển rác hằng ngày đạt trên 300 m3, giải quyết trên 80% lượng rác thải toàn thành phố, đạt 98% khu vực nội thành; triển khai xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải với với chiều dài hơn 100 km. Triển khai Tiểu dự án vệ sinh môi trường thành phố Quy Nhơn (kinh phí từ nguồn vốn vay ưu đãi của WB) nhằm giải quyết thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố.

- Công tác quản lý trật tự đô thị, xây dựng các tuyến phố văn minh đô thị, chống lấn chiếm xây dựng trái phép, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường được tăng cường; bộ mặt của thành phố ngày càng “Sáng – xanh – sạch – đẹp”.

Lĩnh vực văn hóa – xã hội:

Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân từng bước mở rộng và nâng cao chất lượng, đến nay trên địa bàn thành phố hệ thống bệnh viên tuyến trung ương, tỉnh và thành phố được hoàn chỉnh và đã có 20/21 Trạm Y tế phường, xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế, 19/21 Trạm y tế có bác sĩ, năm 2009 tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm xuống còn 10,35%, tỷ suất sinh 9,2‰.; tỷ lệ hộ nghèo năm 2009 còn 3,55%.

Sự nghiệp Giáo dục – Đào tạo có bước phát triển khá toàn diện về quy mô và chất lượng; hệ thống trường, lớp được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học được tăng cường. Đã hình thành nhiều loại hình đào tạo như: các lớp dạy nghề, trung tâm ngoại ngữ, tin học, các lớp kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp… phong phú, đa dạng, tạo điều kiện cho ngành giáo – đào tạo phát triển nhanh. Hệ thống các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề được hình thành và phát triển có thể đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nhà.

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có của mình và những thành tựu đã đạt được, thành phố Quy Nhơn đang ngày càng vươn lên một tầm cao mới, tầm cao của một đô thị lớn, dần khẳng định vị thế là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung.