Bình Ðịnh tạo môi trường thông thoáng thu hút đầu tư
27/07/2010

 

Là một mắt xích hết sức quan trọng nằm ở phía Nam trong chuỗi  5 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong thời gian qua, Bình Định đã tranh thủ nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình hạ tầng như cảng biển quốc tế Quy Nhơn, sân bay Phù Cát... đồng thời chú trọng đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư thông qua cơ chế, chính sách hấp dẫn cũng như cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính… xem đó như là bước đột phá, là “cú hích” tạo môi trường thông thoáng, thu hút mời gọi các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đến với tỉnh. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư xin giới thiệu bài viết về chủ đề này của ông Lê Văn Tâm - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 13 tháng 7/2010.

 

Là một mắt xích hết sức quan trọng nằm ở phía Nam trong chuỗi  5 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong thời gian qua, Bình Định đã tranh thủ nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình hạ tầng như cảng biển quốc tế Quy Nhơn, sân bay Phù Cát... đồng thời chú trọng đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư thông qua cơ chế, chính sách hấp dẫn cũng như cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính… xem đó như là bước đột phá, là “cú hích” tạo môi trường thông thoáng, thu hút mời gọi các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đến với tỉnh.

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư xin giới thiệu bài viết về chủ đề này của ông Lê Văn Tâm - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 13 tháng 7/2010.

Kết quả khả quan

Tính từ khi thực hiện Luật Đầu tư mới  đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 300 dự án trong nước được cấp Giấy Chứng nhận đầu tư  với tổng vốn đăng ký khoảng 40.000 tỉ đồng. Trong đó, KKT Nhơn Hội  có 23 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 16.000 tỉ đồng; các KCN khác có 133 dự án với tổng vốn đăng ký 3.700 tỉ đồng. Có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký gần 494 triệu USD, trong đó Khu kinh tế Nhơn Hội có 6 dự án (370,72 triệu USD); các khu công nghiệp có 3 dự án (9,19 triệu USD); địa bàn còn lại có 28 dự án (113,65 triệu USD). Bên cạnh đó,  nguồn vốn ODA cũng được tỉnh chú trọng, tranh thủ xem đây là kênh đầu tư gián tiếp quan trọng nhằm vào mục tiêu hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, góp phần cải thiện hạ tầng và môi trường cho đầu tư phát triển. Với sự giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương và của các tổ chức tài chính quốc tế, một số dự án cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới trong lĩnh vực giao thông, cải tạo lưới điện, cấp nước, thoát nước, vệ sinh môi trường đô thị... đã và đang được triển khai ở Bình Định. Năm 2009 tỉnh giải ngân 392 tỷ đồng từ nguồn vốn này.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải (thứ 4 từ phải sang), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Bình (thứ 2 từ phải sang) chủ trì Hội nghị XTĐT vào Vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung, ngày 26/6/2010 tại Quảng Nam
 Riêng năm 2009, mặc dù còn chịu nhiều tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng Bình Ðịnh vẫn thu hút được 60 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký trên 13.000 tỷ đồng và 04 dự án đầu tư nước ngoài có tổng vốn đăng ký hơn 57 triệu USD. Trong đó KKT Nhơn Hội có 9 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) với tổng vốn đăng ký gần 6.940 tỉ đồng; các khu công nghiệp (KCN) có 21 dự án với tổng vốn đăng ký 1.370 tỉ đồng. Ngoài KKTNH và các KCN, UBND tỉnh còn cấp GCNĐT cho 30 dự án, với tổng vốn đầu tư 4.729 tỉ đồng. Những con số chưa phải là lớn nhưng nó chứng tỏ rằng trong bối cảnh khó khăn chung các doanh nghiệp, các nhà đầu tư mà chủ yếu là đẩu tư trong nước vẫn tiếp tục quan tâm tới Bình Định, vẫn tìm thấy ở đây những cơ hội đầu tư đầy triển vọng, đặc biệt là đối với KKT Nhơn Hội, nơi mà hạ tầng- một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu  đã được chính quyền tỉnh chủ động đi trước một bước, tấm  “ thảm đỏ” đã sẵn sàng trải rộng  cho nhà  đầu tư vào bỏ vốn làm ăn.

Mặc dù đã có những kết quả nhất định, nhưng có thể thấy rằng, thu hút đầu tư nói chung (số dự án và tổng vốn đăng ký đã cấp phép) chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của tỉnh, nhất là đầu tư nước ngoài. Tỉnh vẫn chưa có những dự án qui mô lớn, công nghệ hiện đại, có sức lan toả, có tác dụng lôi kéo, thúc đẩy việc phát triển của nhiều ngành, nghề sản xuất kinh doanh từ cả khu vực kinh tế nhà nước lẫn khu vực kinh tế tư nhân, cả khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Có thể nhìn nhận một số nguyên nhân dẫn đến hạn chế nêu  trên là do: 

Về chủ quan, Bình Định chưa thật sự sẵn sàng về quy hoạch và mặt bằng cho nhà đầu tư. Công tác quy hoạch chưa thực sự “đi trước một bước” để mở đường cho đầu tư phát triển. Thủ tục hành chính tuy đã cải tiến nhiều nhưng một vài chỗ vẫn còn chồng chéo và chậm. Đối với một số dự án, do sự phối hợp của các cơ quan liên quan chưa đồng bộ nên thời gian xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dài, còn làm nhà đầu tư phải chờ đợi. Việc định giá đất chưa kịp thời. Hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT) chưa mạnh, kinh phí quảng bá, xúc tiến, kêu gọi đầu tư còn hạn hẹp…

Về khách quan (phía nhà đầu tư), Một số nhà đầu tư đến Bình Định tìm hiểu và đăng ký đầu tư nhưng năng lực hạn chế, không thể sớm triển khai công tác chuẩn bị đầu tư. Mặt khác khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu  vừa qua không khỏi có những  tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư. Nhà đầu tư khó khăn về nguồn vốn, phải lo tái cấu trúc và điều chỉnh chính mình, chưa thể vươn ra địa bàn, lĩnh vực mới.

Đột phá để thu hút đầu tư

Để tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước trong thời gian đến, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, tập trung chỉ đạo các ngành chức năng sớm hoàn thiện các quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất để cơ quan xúc tiến đầu tư của tỉnh chủ động hơn trong mời gọi đầu tư và khi nhà đầu tư  vào tỉnh thì không phải chờ đợi. Căn cứ các quy hoạch được duyệt, việc chấp thuận chủ trương đối với từng dự án đầu tư sẽ được xem xét, quyết định nhanh hơn. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư có chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng không ngừng cải cách thủ tục hành chính và cung cách làm việc, có thái độ hợp tác tốt và hỗ trợ nhà đầu tư  cả trước, trong và sau khi dự án được đăng ký hoặc cấp phép. 

Theo Bản ghi nhớ ký kết giữa UBND tỉnh và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) (tháng 8/2009),  IFC hỗ trợ tỉnh khảo sát, phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp thích hợp nhằm tăng cường sự phối hợp liên ngành và đơn giản hóa thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai và xây dựng trên địa bàn ngoài KKT Nhơn Hội và các KCN. Trên tinh thần đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các ngành của tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với IFC và cơ quan tư vấn tiến hành khảo sát và xây dựng quy trình mới, đến tháng 4/2010 UBND tỉnh đã chính thức ban hành Quy định về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, minh bạch hóa các bước thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết. Đây được xem là bước cải cách thủ tục hành chính quan trọng nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp tại tỉnh.

Ngoài ra, để thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, UBND tỉnh cũng xác định giá đất phải được xây dựng một cách hợp lý, vừa đảm bảo lợi ích của ngân sách (trong điều kiện nguồn thu còn hạn hẹp) vừa phù hợp với định hướng ưu tiên mời gọi đầu tư của tỉnh đối với từng lĩnh vực, trong từng thời kỳ, phù hợp với mặt bằng giá và có tính cạnh tranh trong khu vực.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ trương rà soát lại các dự án đầu tư đã cấp chứng nhận đầu tư hoặc đã có chủ trương chấp thuận đầu tư. Đối với các dự án chậm triển khai tiến độ đã cam kết, hoặc nhà đầu tư năng lực tài chính hạn chế nhưng lại đến trước, có được địa điểm, mặt bằng ưu thế nhưng không đầu tư xây dựng, có ý đồ “xí chỗ” thì UBND tỉnh sẽ cương quyết thu hồi giấy phép, tạo môi trường đầu tư bình đẳng,  lành mạnh và cả cơ hội cho các nhà đầu tư đến sau. 

Trong năm 2010, UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động XTĐT có chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm. Khởi đầu là Hội nghị XTĐT quy mô lớn  tổ chức tại TP Quy Nhơn ngày 20.1.2010, tiếp đó là tham gia các Hội thảo, Hội nghị XTĐT qui mô vùng, qui mô Quốc gia kêu gọi đầu tư vào vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. 

Tỉnh còn lên chương trình cho một loạt các hội nghị, hội thảo tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và cả ở nước ngoài. Kinh phí dành cho công tác XTĐT cũng sẽ được xem xét bố trí hợp lý hơn. Với cách làm như vậy, hy vọng rằng năm 2010 và các năm tiếp theo Bình Định sẽ có nhiều dự án được triển khai thực hiện.
 

TÌNH HÌNH ĐẦU TƯ TẠI TỈNH BÌNH ĐỊNH

1. Đầu tư trong nước:

Từ khi thực hiện Luật Đầu tư mới đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 300 dự án trong nước được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 40.000 tỷ đồng.

Khu kinh tế Nhơn Hội: 23 dự án, vốn đăng ký: 16.000 tỷ đồng

Các khu công nghiệp: 133 dự án, vốn đăng ký: 3.700 tỷ đồng

Ngoài Khu kinh tế và các khu công nghiệp: 157 dự án, vốn đăng ký: 19.743 tỷ đồng

2. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI):

Đến nay Bình Định có 39 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 620,88 triệu USD, gồm 31 dự án 100% vốn nước ngoài và 8 dự án liên doanh hoặc có góp vốn giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, chia theo loại hình có 33 doanh nghiệp, 5 chi nhánh sản xuất, 1 hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Nhà đầu tư đến từ hầu hết các nước có tiềm lực kinh tế trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Đức, Úc, Singapore, Malaysia, Hong Kong, Thái Lan, Pháp….

Theo lĩnh vực:

Nông - Lâm - Ngư nghiệp: 5 dự án, vốn đăng ký: 29.950.000 USD

Công nghiệp - Xây dựng: 20 dự án, vốn đăng ký: 181.445.500 USD

Dịch vụ: 14 dự án, vốn đăng ký: 409.479.500 USD

Theo địa bàn:

Khu kinh tế Nhơn Hội: 7 dự án, vốn đăng ký: 495.720.000 USD

Các khu công nghiệp: 3 dự án, vốn đăng ký: 9.190.000 USD

Ngoài Khu kinh tế và các khu công nghiệp: 29 dự án, vốn đăng ký: 114.715.000 USD

Số dự án theo quốc gia và vùng lãnh thổ:

Số dự án chia theo quốc gia và vùng lãnh thổ là: Malaysia: 1; Nhật Bản: 3; Nga: 1; Hàn Quốc: 4; Úc: 3; Hà Lan: 1; Đức: 5; New Zealand: 2; Anh Quốc: 1; British Virgin Islands: 1; Singapore: 2; Hoa Kỳ: 4, Trung Quốc: 4: Thái Lan: 2, Hồng Kông: 3; Pháp: 1; Đài Loan: 1.