Vốn ODA đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế
16/07/2010

 

Trong khi một số ý kiến cho rằng, nguồn vốn vay nước ngoài, trong đó có nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) sử dụng chưa thực sự hiệu quả, thì ông Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) lại chứng minh điều ngược lại.

 

Trong khi một số ý kiến cho rằng, nguồn vốn vay nước ngoài, trong đó có nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) sử dụng chưa thực sự hiệu quả, thì ông Nguyễn Thành Đô, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) lại chứng minh điều ngược lại.

Thưa ông, gần đây có một số ý kiến cho rằng, hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài chưa thực sự hiệu quả, vì phải chịu nhiều ràng buộc của nhà tài trợ?

Đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đầu tư có nguồn gốc từ ngân sách nói chung, nguồn vốn vay nước ngoài (bao gồm cả vốn ODA nói riêng) là vấn đề hết sức phức tạp. Mặc dù vậy, theo dõi toàn bộ quá trình Việt Nam bắt đầu vay nợ nước ngoài (từ năm 1992) đến nay, tôi có thể khẳng định, nguồn vốn này đóng góp khá quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phải khẳng định rằng, nguồn vốn vay đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của đất nước trong gần 20 năm qua và nếu không có nguồn vốn này, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam khó có thể đạt cao như thời gian vừa qua.

Hiện tại, chúng ta đang đưa vào khai thác hàng loạt công trình lớn có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của cả một vùng hoặc của cả nền kinh tế, đặc biệt là các dự án nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới cơ sở hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác hiệu quả thì không đơn giản và cần phải có thời gian.

Quan điểm của ông về hiệu quả của các dự án ODA?

Hiệu quả dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách hay từ nguồn vốn vay trong và ngoài nước phải đánh giá trên 2 mặt là hiệu quả trực tiếp và hiệu quả gián tiếp. Chúng ta vay nợ để đầu tư xây dựng hàng loạt dự án giao thông quan trọng như cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, đường cao tốc… thì không thể thuần tuý đo bằng thời gian hoàn vốn của công trình để xác định hiệu quả kinh tế. Cần phải thấy, đây còn là động lực để phát triển kinh tế của cả một vùng, là điều kiện tiên quyết để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Đánh giá ở góc độ như vậy thì mới thấy hiệu quả của các dự án này mang lại còn lớn hơn rất nhiều.

Thế còn hiệu quả trực tiếp?

Hiện cả nước có khoảng 560 dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, nguồn vốn tín dụng xuất khẩu, vốn vay thương mại nước ngoài, vốn trái phiếu quốc tế do Chính phủ đứng ra vay, vốn Chính phủ đứng ra bảo lãnh. Tôi có thể khẳng định, tất cả các dự án này đã và đang đem lại hiệu quả có thể cân đo đong đếm được. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của các dự án này hiện chỉ vào khoảng 0,7% - 0,8% (theo chuẩn mực quốc tế), tức là thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu trong sử dụng vốn vay chính là thước đo hiệu quả của dự án. Vì sao chúng ta sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả? Vì chúng ta không đầu tư dàn trải mà đầu tư đúng đối tượng, đúng mục đích và chỉ đầu tư vào các dự án có hiệu quả và có khả năng hoàn trả cả vốn lẫn lãi trong một thời gian nhất định đã được tính toán trước.

Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề đặt ra là chúng ta không tự chủ được việc sử dụng nguồn vốn mà phụ thuộc vào nhà tài trợ, nên nhiều khi nguồn vốn rẻ lại hoá đắt, thưa ông?

Tôi cho rằng, nhận định này chưa thực sự khách quan, bởi trên thực tế, nguồn vốn ODA có 2 mặt. Hiện có nhiều nước, đặc biệt là ở khu vực châu Phi sử dụng nguồn vốn ODA không thành công và trở thành con nợ. Nguồn vốn ODA, thay vì là động lực để phát triển kinh tế đã trở thành “gánh nặng” cho không ít quốc gia. Nhưng với Việt Nam thì ngược lại. Nguồn vốn ODA đã và đang trở thành động lực không thể thiếu trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.

Theo đánh giá của các nhà tài trợ, Việt Nam là ví dụ điển hình của việc sử dụng nguồn vốn ODA có hiệu quả. Tuy nhiên, nguồn vốn này cũng có mặt trái là phải mua trang thiết bị, máy móc, công nghệ và phải sử dụng tư vấn của nhà tài trợ với mức giá cao hơn so với thị trường, nhưng không phải là quá cao như nhiều người suy đoán.

Ông có thể nói rõ hơn về giá máy móc, thiết bị, tư vấn mà nhà tài trợ bán cho những dự án sử dụng vốn vay ODA?

Đối với nguồn vốn tài trợ của các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… thì máy móc, thiết bị, công nghệ, tư vấn vẫn thực hiện đấu thầu quốc tế rộng rãi, nên giá cả theo đúng giá thị trường. Một số nhà tài trợ khác (Nhật Bản chẳng hạn) không cho đấu thầu quốc tế rộng rãi, nhưng vẫn tổ chức đấu thầu giữa các doanh nghiệp của Nhật Bản và Việt Nam, nên giá cả cũng không phải là quá cao so với giá chung trên thị trường. Một số nhà tài trợ khác thực hiện chỉ định thầu đối với doanh nghiệp của họ, nhưng nguồn vốn này không nhiều và ngày càng ít do chúng ta có nhiều sự lựa chọn về nguồn vốn.

Nguồn: Báo Đầu tư điện tử